Sự kiện nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đồng thời, đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay; đồng thời thảo luận và tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới.
Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí, cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Do đó, bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí và đòi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.
Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đồng thời đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.
Ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay”.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân nêu rõ: cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn. "Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý" – bà Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân
Tại sự kiện, các đại biểu, các chuyên gia đã tập trung làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền báo chí hiện nay; vấn đề bản quyền đối với các nền tảng xuyên biên giới; các cơ sở pháp lý về vấn đề bảo vệ bản quyền ở các cơ quan báo chí; bảo vệ bản quyền báo chí từ góc nhìn kinh tế báo chí – truyền thông, góc nhìn văn hóa, đạo đức nghề nghiệp; vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực báo chí cũng như việc ứng dụng công nghệ số trong bảo vệ bản quyền báo chí.
Theo đó, các đại biểu nhận định tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí đang ngày càng phổ biến và tinh vi. Không những vậy, tác phẩm báo chí bị “đánh cắp bản quyền” trong rất nhiều trường hợp bị cắt cúp, làm méo mó, sai lệch thông tin, gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị nắm bản quyền, của tác giả bài viết, gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam
Theo chia sẻ của ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam: “Vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí còn gây thất thu lớn về mặt kinh tế cho cơ quan báo chí. Thị phần quảng cáo và khai thác nội dung báo chí lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại chảy về các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn lớn về nguồn thu.”
Trước những bất cập đã nêu, các diễn giả đề xuất một số giải pháp thực tiễn nhằm giúp các cơ quan báo chí có thêm cơ sở để quyết liệt trong ngăn chặn, xử lý vi phạm bản quyền, bảo vệ tốt nhất những sản phẩm trí tuệ của mình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong lĩnh vực báo chí truyền thông; giúp cho hoạt động báo chí ngày càng chất lượng hơn, chuyên nghiệp hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP.HCM kiến nghị: Chúng ta cần có quy định chi tiết hơn trong luật chuyên ngành (Luật Báo chí 2016) về Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; Quy định về hình thức, phạm vi hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp; Quy định rõ ràng hơn các trường hợp sử dụng hợp lý trong báo chí…. Thêm nữa, cần sửa quy định theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả để có sức răn đe mạnh hơn với những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, ông Hiển cũng đưa ra đề xuất đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí như Cục Bản quyền tác giả - Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam... có thể đứng ra làm đầu mối thành lập một Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để bày tỏ thái độ trực tiếp trước tệ trạng này.
Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam ký kết thoả thuận hợp tác về việc thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.
Trong khuôn khổ Hội thảo còn diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.