Người đồng bào Xơ Đăng là tộc người thiểu số gồm 5 nhóm địa phương chính: Mơ Nâm, Ca Dong, Xơ Teng, Tơ Đrá, và Hà Lăng. Họ sinh sống tập trung ở các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Đắk Glây, Kon Plông, Đắk Hà (tỉnh Kon Tum), huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Cư M’gar, Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Nghề dệt truyền thống của đồng bào Xơ Đăng có từ lâu đời. Các sản phẩm thổ cẩm của bà con có màu sắc, hoa văn đẹp, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung và nhất là việc khan hiếm nguồn nguyên liệu dệt truyền thống, nghề dệt thổ cẩm của người Xê Đăng, cũng dần mai một.
Trang phục truyền thống của dân tộc Xê Đăng. Ảnh: Báo dân tộc và phát triển.
Trước nguy cơ mai một trang phục truyền thống, Hội đồng Nhân dân huyện Nam Trà My triển khai Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 về “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc huyện Nam Trà My giai đoạn 2023 - 2025 định hướng đến năm 2030”. Đây cũng là một trong những nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, huyện vùng cao này đã tiến hành sưu tầm, phục dựng trang phục, trang sức của 3 nhóm dân tộc chính trên địa bàn gồm: Ca dong, Xơ Đăng và B’hnoong.
Huyện đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để các già làng, nghệ nhân, nhà khoa học, lãnh đạo có am hiểu về dân tộc học, đưa ra ý kiến để tiến đến thống nhất chung về mẫu trang phục, trang sức của từng dân tộc... nhằm đưa vào bảo tồn trong cộng đồng.
Đến tháng 9 năm 2023 đã hoàn chỉnh trang phục, trang sức của đồng bào Ca Dong, Xơ Đăng, B’hnoong để đưa vào sử dụng trong lễ hội và hằng ngày, cũng như đưa trang phục truyền thống vào trường học.
Đặc biệt, tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh năm 2023, Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc miền núi Quảng Nam lần thứ XX, năm 2023, tại huyện Phước Sơn…, các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc huyện Nam Trà My đã có trang phục “chuẩn” để trình diễn nghệ thuật, thi trang phục truyền thống.
Từ một địa bàn vùng cao gần như đánh mất nghề dệt và trang phục truyền thống, huyện Nam Trà My đã phục hồi thành công một loại hình di sản quý báu của các dân tộc. Mỗi dân tộc đều định hình, khôi phục được trang phục riêng với sắc màu, hoa văn và kiểu dáng đặc trưng. Đồng thời, nghề dệt xuất hiện ở Trà Cang, Trà Leng, Trà Nam, Trà Mai. Các nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy nghề dệt, thêu thùa, may mặc cho các cô gái trẻ. Nghề dệt may cũng góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế cho các hộ gia đình.