Là một ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng đang suy giảm nặng nề vì đại dịch Covid. 19 và vì chính sách đóng cửa du lịch để phòng chống đại dịch này. Việc mở cửa cho du lịch quốc tế đã được đề cập đến nhưng bên cạnh đó là lo lắng mở cửa mang theo nguy cơ dịch bệnh. Ông có thể cho biết quan điểm của TAB trong việc chống dịch Covid-19 và mở cửa cho du lịch?
Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế. TAB hoàn toàn ủng hộ Chính phủ và các bộ, ngành về công tác chống đại dịch tuyệt vời, nhờ đó Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về kiểm soát đại dịch Covid-19.
Đề xuất của TAB Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét làm thế nào để Việt Nam cũng tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững.
Theo ông tái mở cửa được biên giới như thế nào an toàn để ngành du lịch và các ngành kinh tế khác phục hồi bền vững?
Theo chúng tôi, chỉ mở cửa cho du lịch quốc tế khi chúng ta đã yên tâm rằng, du khách không mang mầm bệnh tới và du khách cũng không bị lây bệnh khi du lịch nước ngoài hoặc nếu rủi ro thì sẽ được chi trả bảo hiểm. Chỉ mở cửa khi đảm bảo an toàn cho đi lại và hạn chế được rủi ro gây lây nhiễm ra cộng đồng. Nên từng bước mở cửa cho việc đi lại mà không phải cách ly.
Chúng ta cần lắng nghe, học hỏi các bài học của các nước, trong đó có cả bài học thành công và bài học thất bại của họ từ đó sáng tạo cách làm riêng sao cho phù hợp với năng lực của chúng ta, có hiệu quả, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cộng đồng, nhưng sẽ không gây khó khăn cho khách du lịch quốc tế.
Nếu mở cửa muộn, ngành du lịch và nền kinh tế sẽ bị thiệt hại đến mức nào, thưa ông?
Trước đại dịch Covid, ngành du lịch đóng góp khoảng 9,2% GDP và sử dụng một lực lượng lao động rất lớn (khoảng 2,2 triệu lao động trực tiếp trong ngành du lịch), tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ USD một năm.
Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu khoảng 18,3 tỷ USD (chiếm 56% - trung bình 1,017 USD/khách), đón 85 triệu khách nội địa với tổng thu khoảng 14,5 tỷ USD (chiếm 44% - trung bình 171 USD/khách). Qua đây có thể thấy việc đóng góp cho nguồn thu du lịch của 18 triệu lượt khách quốc tế cao hơn việc đóng góp 85 triệu khách nội địa.
Việc đi lại quốc tế cũng là sự cần thiết cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, và các dự án khác cần nguồn nhân lực nước ngoài.
Với nhiều chương trình tiêm vắc-xin đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh du lịch của chúng ta như Thái Lan và Singapore đã có kế hoạch tái mở cửa biên giới theo cách an toàn, dự kiến mở cửa đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” hoặc “chứng chỉ tiêm chủng Covid-19”. Nếu chậm chân một chút thôi, thì chúng ta sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường du lịch quốc tế.
Để chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế an toàn cần có những giải pháp gì?
Mở cửa biên giới, mở lại các đường bay, mở cửa cho du lịch quốc tế không phải là vấn đề đơn giản mà cần có biện pháp đầy đủ, hiệu quả nhất. Để có các giải pháp và biện pháp đầy đủ, hiệu quả, chúng tôi đề nghị Chính phủ chủ trì để các chuyên gia cùng sự tham gia của nhiều bộ ngành là Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao Du lịch… và các bộ kinh tế như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để bàn thảo và đưa ra tiêu chí và giải pháp mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Bất kỳ sự mở cửa cho du lịch như thế nào cũng cần phải an toàn và có lộ trình. Theo tiến trình này, chúng ta nên thực hiện:
Đầu tiên, nên tiến hành đàm phán song phương với từng nước mà đã đạt được các tiêu chí về an toàn dịch bệnh.
Thứ hai, cần đưa ra các chính sách an toàn dịch bệnh như: yêu cầu hộ chiếu Tiêm chủng; xét nghiệm PCR Covid trước chuyến bay và kiểm tra khi đến.
Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound). Bảo hiểm Covid-19 nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương trong trường hợp hủy hoặc hoãn chuyến du lịch, cũng như kiểm tra, điều trị, sơ tán y tế và hồi hương ...
Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam nghiên cứu, bán các sản phẩm bảo hiểm du lịch về dịch bệnh Covid-19 như các trường hợp dịch bệnh khác theo quy định của pháp luật.
Về phía ngành du lịch cần xây dựng một quy trình đón và phục vụ khách du lịch an toàn dịch bệnh. Tất cả nhân viên của khách sạn, nhà hàng, cũng như những người làm việc trong lĩnh vực du lịch và các điểm di sản, các địa điểm du lịch khác được vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine.
Cũng có thể xem xét một phương án khác để các chủ doanh nghiệp trong ngành có thể tiếp cận các chương trình vaccine thương mại nhập khẩu để họ có thể tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên.
Đồng thời chúng ta cần xây dựng một chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm vào các thị trường du lịch quốc tế trọng điểm.
Và TAB cho rằng để có được ưu thế cạnh tranh khu vực, chúng ta cần phải có một chính sách visa cởi mở và hoàn thiện hơn.
Theo ông, dự kiến mở cửa cho du lịch quốc tế bắt đầu khi nào?
Mùa du lịch cho các nước ở thị trường gần (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…) thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9. Mùa du lịch cho các nước ở thị trường xa (Châu Âu, Úc, Nga…) từ tháng 10 đến tháng 3.
Thời điểm chúng ta mở cửa sẽ phụ thuộc nhiều vào chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 ở Việt Nam và ở các nước thị trường nguồn cho du lịch quốc tế của Việt Nam và sự chuẩn bị của ngành chính chúng ta.
Để không bỏ mất thêm một năm 2021 này, tốt nhất là bắt đầu mở cửa an toàn dần từ quý 3/2021 và mở nhiều hơn từ quý 4/2021. Và như tôi đã nói, từ bây giờ chúng ta cần sớm chuẩn bị cho việc mở cửa an toàn với sự chung tay cùng bàn cùng thực hiện của liên ngành Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa – Thể thao và Du lịch và các bộ kinh tế như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính…