Ngành Tài chính hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024
Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh năm 2024 tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành Tài chính đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2024, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Trong đó, thu NSNN cả năm 2024 ước đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, vượt trên 19,1% so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023. Chi NSNN đạt khoảng 1,8 triệu tỉ đồng, bằng 86,4% dự toán.
Cân đối NSTW, NSĐP các cấp được đảm bảo. Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng.
Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng.
Về hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng cho biết ngành Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung.
Tính cả các đề án đã trình từ những năm trước chuyển sang, đã trình Chính phủ ban hành 23 Nghị định và 20 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định và 2 dự thảo Quyết định đang xem xét ban hành. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành 86 Thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhiều Luật quan trọng như: Luật số 56/2024/QH15 (Luật sửa đổi các luật thuộc lĩnh vực tài chính); Luật số 48/2024/QH15 thuế GTGT (sửa đổi). Đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN và 3 Nghị quyết…
615.488 tin, bài về tài chính đã được đăng tải
“Có được những kết quả tích cực nêu trên, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức ngành Tài chính, Bộ Tài chính còn luôn nhận được sự đồng hành, tuyên truyền tích cực, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thay mặt tập thể Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng trân trọng cảm ơn các phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí đã đồng hành với Bộ Tài chính trong suốt thời gian qua.
Theo Thứ trưởng, năm 2025 là năm đất nước nói chung và ngành Tài chính nói riêng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài chính – NSNN, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt trong công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy theo kết luận của Trung ương, sớm đưa bộ máy mới đi vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trong năm 2025, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Để làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước, rất cần sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối thông tin, tuyên truyền về ngành Tài chính với công chúng. Qua báo chí, công chúng hiểu rõ hơn về ngành Tài chính.
Ông Đặng Khắc Lợi cho biết, trong năm 2024, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình đã tập trung tuyên truyền về lĩnh vực tài chính rất nhiều, rất đa dạng với con số tin, bài rất ấn tượng.
Theo đó, trong năm vừa qua đã có 615.488 tin, bài về tài chính trên tổng số 5.431.743 tin, bài của tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, tăng hơn 10 nghìn tin, bài so với 2023. Điều này chứng tỏ độ nóng của thông tin tài chính.
Ông Đặng Khắc Lợi cũng cho biết, nếu như tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí về ngành Tài chính năm 2023 là 19,7% thì năm 2024 đã giảm xuống còn 17,26%. Tỷ lệ tích cực năm 2023 là 70,68% năm 2024 tăng lên 74,03%.
“Điều này cho thấy đây là một trong những tín hiệu rất đáng mừng đối với ngành Tài chính và các cơ quan báo chí Việt Nam rất nỗ lực tăng cường thông tin tích cực về ngành Tài chính trong năm qua”, ông Lợi nhấn mạnh.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí đối với công tác tài chính ngân sách, ông Lợi cho biết, báo chí là nguồn thông tin quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các chính sách tài chính, thay đổi trong các quy định của pháp luật và các xu hướng kinh tế. Điều này giúp họ đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn và kịp thời.
Đồng thời, báo chí có vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan tài chính, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Theo ông Lợi, ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 07/2023/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách, do đó, đề nghị Bộ Tài chính bổ sung kinh phí cho lĩnh vực mới này.
“Thông qua việc thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách, sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các chính sách tài chính, từ đó thúc đầy sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, ông Đặng Khắc Lợi khẳng định.