Báo chí cũng là một phần của môi trường kinh doanh

(CL&CS) - Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là phát biểu tại Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024” do VCCI, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức vào ngày 24/10/2024.

Các đại biểu, trong đó có nhiều tổng biên tập cơ quan báo chí tham dự Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024”. Ảnh: HD

Mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh

Lý giải cho nhận định trên, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động doanh nghiệp vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh.

Đây là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Cũng về vấn đề này, ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân đánh giá, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.

Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước.

“Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó”, ông Lê Quốc Minh nêu rõ.

Đồng quan điểm, từ phía doanh nghiệp, ông Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia bày tỏ, báo chí và doanh nghiệp có tác động tương hỗ, cộng sinh. Vai trò của báo chí đang ngày một thúc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập, nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu về hoạt động kinh doanh, dẫn đến thông tin không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch. “Nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Lê Quốc Minh nhìn nhận.

Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu.

Các đại biểu đón đọc và đánh giá cao nội dung của Tạp chí Hải quan được trưng bày bên lề Diễn đàn. Ảnh: HD

Cần nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn

Vì thế, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch...

Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

“Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VCCI nhận thấy ngay lúc này cần khơi dậy mạnh mẽ khí thế, tinh thần kinh doanh trong xã hội và trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thổi bùng lên khát vọng, góp phần đưa nước ta bước sang “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Vì vậy, vai trò của báo chí, truyền thông trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy khí thế kinh doanh là vô cùng quan trọng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cùng về vấn đề này, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho việc quảng bá thương hiệu, do đó cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn.

Theo ông Lâm, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt.

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, các cơ quan báo chí cần nâng cao trình độ chuyên môn của các phóng viên, đảm bảo họ hiểu sâu về các vấn đề kinh doanh, đầu tư và thị trường.

Cách thức đưa tin cũng cần cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực, tránh phiến diện và luôn cho doanh nghiệp cơ hội phản hồi trước khi kết luận.

Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí là nghề đặc biệt, nên phóng viên viết về kinh tế cần có kiến thức về kinh tế.

Vì vậy, toà soạn nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện… cùng với đó là tính minh bạch, xác thực thông tin về kinh tế trên tờ báo một cách khách quan.

Bên cạnh đó, tòa soạn cần tăng cường sự tương tác với bạn đọc để có những thông tin khai thác đề tài đúng với tôn chỉ cũng như có những kiến thức phản biện.

Với doanh nghiệp, bà Thảo khuyến nghị nên trang bị kiến thức về tiếp xúc với báo chí, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, hợp tác với báo chí để cung cấp các thông tin chính thống, chính xác.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp trên hệ thống về tôn chỉ của các tờ báo, quy chuẩn về giấy giới thiệu tác nghiệp, vì vậy doanh nghiệp có thế truy cập vào để tham khảo.

TIN LIÊN QUAN