Bàn giải pháp bình ổn thị trường và đảm bảo nguồn cung hàng hoá dịp Tết

(CL&CS)- Sáng nay 8/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ chủ trì Hội nghị về công tác chuẩn bị hàng hóa Tết Quý Mão 2023 và bình ổn thị trường dịp cuối năm.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, năm nay, Tết Nguyên đán rất gần với Tết dương lịch (cách nhau 20 ngày) nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cần được tích cực triển khai từ sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Bộ trưởng đề nghị phải đảm bảo ổn thị trường và nguồn cung hàng hoá dịp Tết

Theo báo cáo của các địa phương, sau dịch COVID-19, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho mua sắm. Thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão được dự đoán sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, do Tết Dương lịch và âm lịch gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai.

Ước, dự trữ hàng hoá tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống/thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.

Dự báo, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.

Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng… thông tin, ngay từ đầu tháng 11, Sở Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng; Đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

UBND một số tỉnh, thành phố cũng đã có chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động…

Cụ thể như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động, linh hoạt trong phương thức triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường.  Ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường, UBND một số địa phương tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện bình ổn qua việc hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tình hình sản xuất nông sản thực phẩm năm 2022 tương đối thuận lợi, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thiết yếu dồi dào nên bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo ông Phạm Chí Quang-Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp cận vốn vay ngân hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ trưởng lưu ý các Tập đoàn, Tổng công ty, công ty chủ động kế hoạch sản xuất (nhất là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng), cung ứng hàng hóa phục vụ Tết.

Ngoài ra, dự trữ vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý. 

Các đơn vị kinh doanh thương mại chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo, vùng sâu vùng xa nhằm cung ứng tốt hàng hóa thuộc diện bình ổn thị trường nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân;

Đặc biệt, các Hiệp hội ngành hàng chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, kinh doanh; chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu và tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn hàng cho thị trường. 

Trong đó, lưu ý đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thực hiện các biện pháp dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, có kế hoạch triển khai các chương trình phục vụ Tết, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng chính sách về các vùng sâu, vùng xa; Đồng thời chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

TIN LIÊN QUAN