Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp, kiểm soát chất lượng cây giống đưa vào trồng rừng; nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của rừng trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Ngày 11/11/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã đã ban hành văn bản số 2262/SNN-KT về tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đối với UBND các huyện: Yên Thế, Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang cần tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn; các phòng, ban, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý, trong đó ngoài việc quan tâm theo dõi, giám sát số lượng, chất lượng cây giống cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của lô vật liệu giống đối với các loài cây trồng lâm nghiệp.
Xem thêm:
4 tỉnh, thành phố được phép chuyển đổi dưới 500 ha đất lúa, dưới 50 ha đất rừng
Việt Nam xây dựng vùng nguyên liệu gỗ chất lượng để phát triển ngành công nghiệp gỗ
Ngày 10/5/2022, cuộc họp giao ban định kỳ tháng 5/2022, Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Giang, Ông Từ Quốc Huy cho biết: Đến hết tháng 4/2022, toàn tỉnh đã chuẩn bị được trên 30 triệu cây giống các loại (cây mô, hom chiếm gần 71% số cây đã sản xuất) phục vụ trồng rừng năm 2022 (tăng 4,6 triệu cây so với cùng kỳ 2021), trồng rừng tập trung được 3.923,75 ha 3.598,55 ha rừng tập trung (tăng 422,7 ha so với cùng kỳ 2021), đạt 50% kế hoạch và 3.169.863 cây các loại đạt 52% kế hoạch.
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, quan tâm chỉ đạo việc giám sát nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm. Chi cục kiểm lâm Bắc Giang đã có kế hoạch kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 6.863,71 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (trong đó, Công ty TNHH 2 TV lâm nghiệp Yên Thế 2.338 ha, Công ty TNHH 2 TV lâm nghiệp Lục Ngạn 2.176 ha, nhóm hộ Thiên Lâm Đạt 2.349,71ha).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 726 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản (63 cơ sở là tổ chức và 663 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân); trong đó có 11 tổ chức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chế biến từ gỗ ra nước ngoài (gồm 10 tổ chức xuất khẩu ván ép, ván dán; 01 tổ chức xuất khẩu cán chổi công nghiệp). Nguyên liệu gỗ đưa vào sản xuất chủ yếu là gỗ rừng trồng trong nước và một số ít gỗ nhập khẩu; sản phẩm chủ yếu là ván bóc, băm dăm, ván ép, cốp pha, đồ mộc dân dụng. Ngoài phục vụ cho nhu cầu cho xây dựng và đồ gia dụng trong nước, một số doanh nghiệp chế biến đã xuất khẩu trực tiếp sản phẩm chế biến từ gỗ là ván ép/ván dán ra nước ngoài. Theo thông tin doanh nghiệp cung cấp giá trị xuất khẩu sản phẩm chế biến từ gỗ năm 2021 đạt khoảng 1.800 tỷ đồng.
Ngày 11/5/2022, PV cùng đoàn công tác Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đi khảo sát, thẩm định giống cây trồng, hồ sơ nguồn gốc cây giống tại HTX, cơ sở sản xuất giống cây trồng trên địa bàn huyện Sơn Động và huyện Lục Ngạn.
Trao đổi với PV, ông Nông Văn Sinh – thành viên HTX dịch vụ Sơn Động (huyện Sơn Động, Bắc Giang) cho biết: HTX chuyên cung cấp các loại cây giống cây trồng phục vụ người dân, trong đó có cây keo, cây bạch đàn. Hiện nay, HTX đang đề nghị các cơ quan chức năng chuyên môn công nhận cấp chứng chỉ cây đầu dòng gồm có cây keo: BV10, BV75, BV33, AH1 và vườn giống cây ba kích. Từ đó, HTX sẽ tiến hành nhân giống cung cấp cho bà con nhân dân trồng rừng.
Theo ông Sinh, hiện nay trên địa bàn huyện Sơn Động diện tích rừng trồng lớn, giống cây cung ứng chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con, việc giống cây trồng chưa rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến lượng rừng cũng như năng suất chất lượng rừng ảnh hưởng đến kinh tế của người trồng rừng. Các thành viên trong HTX đã rất trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi học hỏi tìm các nguồn giống có chất lượng và nguồn gốc rõ ràng đề về xây dựng vườn ươm cung cấp cây giống chất lượng nhất cho bà con.
Về công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hậu – Phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Bắc Giang.
PV: Thưa ông, Trong những năm vừa qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đã có những kế hoạch như nào trong công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp?
NV: Để quản lý tốt chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, hàng năm Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở NNPTNT thông báo các cơ sở đủ điều kiện SXKD giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 91 cơ sở SXKD giống cây lâm nghiệp, tập trung ở các huyện Yên Thế (66 cơ sở), Sơn Động (14 cơ sở), Lục Nam (07 cơ sở).
PV: Thưa ông, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã có những chỉ đạo gì đối với các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm về kiểm tra, giám sát chặt chẽ vật liệu đưa vào gieo ươm?
NV: Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Hạt Kiểm thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, bảo đảm vật liệu đưa vào sản xuất kinh doanh đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời, chỉ đạo phòng Thanh tra – Pháp chế và phòng SDPTR tham mưu xây dựng kế hoạch kiểm tra mỗi năm từ 5-7 cơ sở SXKD giống cây lâm nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, hạt Kiểm lâm các huyện Yên Thế, Lục Nam cũng tham mưu cho UBND các huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở SXKD giống cây LN trên địa bàn huyện (Yên Thế: KH số 06/KH-UBND ngày 10/01/2022; Lục Nam: KH số 36/KH-UBND ngày 14/02/2022).
PV: Thưa ông, Bắc Giang hiện nay có những loại giống cây trồng nào? Chất lượng một số loại cây trồng được các công ty, người dân sử dụng nhiều, mang lại kinh tế cao?
NV: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang người trồng rừng sử dụng các giống chủ yếu, như: Keo tai tượng, các dòng keo lai (các giống keo chiếm khoảng 60%), các dòng Bạch đàn lai (chiểm khoảng 39%), các loài cây khác (thông, Vôi thuốc, Lim,….) chiếm khoảng 1%. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo người trồng rừng lựa chọn mua cây giống tại các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp có uy tín, chất lượng, nhất là cây giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn; yêu cầu chủ cơ sở sản xuất cung cấp bảng kê vật liệu giống, hồ sơ liên quan đến nguồn gốc vật liệu hợp pháp; khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng giống mới có chất lượng tốt, cây rõ nguồn gốc xuất xứ.
PV: Thưa ông, đối với các tổ chức, hộ gia đình cá nhân có vi phạm trong quá trình sản xuất kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
NV: Đối với các hộ gia đình, các nhân có vi phạm trong quá trình SXKD giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định thì tuy theo mức độ vi phạm cơ quan chức năng (chủ yếu là Hạt Kiểm lâm) sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp và Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi.
Không để tình trạng cây giống lâm nghiệp trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém lưu hành trên thị trường. Các Hạt Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ vật liệu đưa vào gieo ươm (hạt giống, hom giống, cây mầm, cây giống) của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh.
Trân trọng cám ơn.