An Minh (Kiên Giang): Nuôi tôm cải tiến kết hợp công nghệ sinh học giúp tăng năng suất

(CL&CS)- Mô hình nuôi tôm sú, cua biển, tôm thẻ chân trắng có cải tiến kết hợp công nghệ sinh học Bồ Đề giúp tăng năng suất, chất lượng sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình nuôi tôm sú, cua biển, tôm thẻ chân trắng có cải tiến kết hợp công nghệ sinh học Bồ Đề góp phần hỗ trợ nông dân An Minh (Kiên Giang) trong sản xuất hiệu quả hơn, ít bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất, chất lượng sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Huyện An Minh có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 47.000ha, trong đó nuôi theo mô hình tôm - lúa 39.000ha; nuôi chuyên thủy sản 7.000ha, còn lại là các hình thức nuôi khác. Thời gian qua, huyện từng bước thực hiện mô hình nuôi 2 giai đoạn trong vùng quy hoạch tôm - lúa và vùng chuyên tôm nhằm tăng năng suất tôm nuôi, đã có gần 50ha thực hiện nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn trên ao lót bạt đáy, đem lại thành công bước đầu.

Trước đây phần lớn các hộ dân sản xuất trong vùng tôm - lúa và vùng chuyên nuôi trồng thủy sản chưa mạnh dạn đa dạng hóa nhiều đối tượng nuôi, chưa chú ý nhiều đến chất lượng con giống. Đồng thời cũng ít ứng dụng các sản phẩm cải tạo môi trường trong quá trình sản xuất nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Nuôi tôm cải tiến kết hợp công nghệ sinh học giúp tăng năng suất

Năm 2023, huyện An Minh tiến hành triển khai mô hình nuôi tôm - lúa có cải tiến, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học Bồ Đề ở 5 xã gồm Đông Hòa, Đông Thạnh, Đông Hưng, Vân Khánh Đông và Thuận Hòa, với tổng diện tích 500ha.

Các đối tượng khuyến khích thực hiện trong phương án gồm tôm sú, mật độ thả nuôi 2-3 con/m2, thời gian thả giống 4 tháng, năng suất bình quân từ 250 - 400kg/ha/năm; cua biển, mật độ thả 1-2 con/10m2, nuôi xen canh với thời gian 9 tháng; năng suất bình quân 200 - 300kg/ha/năm; tôm thẻ chân trắng, mật độ 3-5 con/m2, thời gian thả giống 4 tháng, năng suất bình quân 200 - 250kg/ha/năm. 

Công nghệ sinh học Bồ Đề được thực hiện trong mô hình là một chế phẩm sinh học mother water, có công dụng cung cấp khoáng chất vào môi trường ao nuôi thủy sản hoặc có thể trộn với thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho các loại thủy sản, đồng thời tạo thức ăn tự nhiên trong ao nuôi.

Trước khi thả tôm nuôi, nông dân được hướng dẫn sử dụng vôi nung (CaO) kết hợp bón thêm vôi Dolomite với tổng lượng khoảng 200 kg/ha để xử lý môi trường đầu vụ. Sau đó, định kỳ 10 - 15 ngày sử dụng chế phẩm sinh học Bồ Đề để làm sạch và ổn định môi trường nước trong vuông nuôi, giúp tôm phát triển khỏe mạnh. Kết quả thu hoạch vụ tôm càng xanh nuôi cải tiến (có bổ sung thêm thức ăn) cho năng suất cao bất ngờ, nông dân thu hoạch thắng lợi lớn.

Mô hình nuôi tôm sú, cua biển, tôm càng xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng có cải tiến kết hợp sử dụng sản phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề sẽ nâng diện tích nuôi lên từ 20.000ha trở lên với các đối tượng tôm sú, cua biển, tôm thẻ chân trắng, năng suất bình quân các loại tôm nuôi lên trên 700kg/ha/năm, năng suất cua biển trên 250kg/ha/năm.

Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng Phòng Tài chính Kế hoạch lập phương án phối hợp thí điểm mô hình nuôi tôm sú, cua biển, tôm càng xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng có cải tiến. Đồng thời kết hợp sử dụng công nghệ sinh học Bồ Đề nhằm xây dựng mô hình trình diễn đạt hiệu quả.

Mô hình này vừa có thể nhân rộng diện tích tôm - lúa và diện tích nuôi chuyên, vừa để giải quyết những khó khăn, hạn chế của loại hình nuôi này ở thời điểm hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

TIN LIÊN QUAN