Đại diện ACB cho biết, nhờ vào tác động của chi phí huy động giảm cao hơn mức giảm lãi suất cho vay nên biên lãi thuần (NIM) trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ lên mức 4,1% so với mức 4% của thời điểm 6 tháng đầu năm.
Thu nhập từ phí trong 9 tháng đầu năm nay đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 55% so cùng kỳ. Trong đó, mảng thu nhập từ thẻ và bảo hiểm là động lực tăng trưởng chính trong quý 3/2021 bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB đã tăng 30 điểm cơ bản trong quý 3 từ 22,9% vào tháng 6/2021 lên 23,2% vào tháng 9/2021.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 9/2021 đạt 476.000 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm. Trong 9 tháng, huy động vốn, tín dụng tăng trưởng lần lượt 3,6% và 7,5%.
Nợ tái cơ cấu tăng mạnh trong quý 3, từ 8.200 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2021 lên 13.400 tỷ vào cuối tháng 9/2021. ACB đã trích lập toàn bộ dự phòng tổng cộng 2.000 tỷ đồng cho dư nợ tái cơ cấu trong 9 tháng đầu năm 2021 khiến tổng chi phí dự phòng của ACB trong 9 tháng tăng lên ở mức 2.800 tỷ đồng.
Giám đốc tài chính ACB cho biết, nợ tái cơ cấu có thể tiếp tục tăng và dự kiến chi phí dự phòng liên quan đến nợ tái cơ cấu có thể tăng têm 500 tỷ đồng vào cuối năm.
Về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm cuối tháng 9/2021 là 2.792 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/10, cổ phiếu ACB đạt 32.350 đồng/cổ phiếu, tăng 43% so với đầu năm và giảm 16% so với đỉnh được thiếp lập đầu tháng 7. Ở mức giá này, vốn hóa của ACB đạt 87.000 tỷ đồng.