ABBank báo lãi trước thuế 576 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ

(CL&CS) - Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã: ABB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 576 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ và thực hiện được 19% kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng).

ABBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 3.079 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.

Trong đó, nguồn thu chính của ngân hàng tăng 20,3% so với cùng kỳ, mang về gần 828 tỷ đồng. Các hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng mạnh 15,9% và 80,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 63,5 và 187,3 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận khoản lỗ gần 58 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lãi gần 114 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lỗ hơn 10 tỷ đồng, thấp hơn so với khoản lỗ trong quý I năm trước.

Ngân hàng cũng giảm 63,5% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích lập 44,2 tỷ đồng trong quý 1/2022.

Tính đến 31/03/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 128 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 6,5%, đạt mức 72,6 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng ở mức 71.321 tỷ đồng, tăng 5,1%.

Nợ xấu cuối quý 1 ở mức 1.701 tỷ đồng, tăng 84 tỷ so với cuối năm trước. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm nhẹ từ 2,37% xuống 2,34%.

ABBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 3.079 tỷ đồng, tăng 56%; thu từ phí dịch vụ đạt 1.482 tỷ đồng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ xấu trên tổng dư nợ ở mức dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tổng tài sản dự kiến tăng 14% đạt 138.250 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp tăng 17% đạt 92.250 tỷ đồng; Huy động thị trường 1 tăng 18% đạt 95.234 tỷ đồng. 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Tổng Giám đốc ABBank, ông Nguyễn Mạnh Quân cho biết trong năm 2022,  ABBank cũng đặt mục tiêu mua lại hết nợ xấu tại Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và  đồng nghĩa sẽ được nới rộng về việc chia cổ tức.

“Đây sẽ là cơ sở để ABBank có thể được chia cổ tức tiền mặt trong tương lai và là yếu tố mà cổ đông nhìn vào được đánh giá giá trị cổ phiếu ABB trong thời gian tới”, ông Quân khẳng định.

Cũng tại phiên họp, HĐQT ABBank thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cùng phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và phát hành theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên để tăng vốn.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 9.409 tỷ đồng lên 10.400 tỷ đồng qua hai phương án là phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành ESOP với giá ưu đãi (10.000 đồng/cp). Số cổ phiếu phát hành lần lượt theo hai phương án là 94 triệu cổ phiếu và 5 triệu cổ phiếu.

Về vấn đề siết tín dụng của một số NHTM gần đây, lãnh đạo ABBank cho biết ngân hàng không nằm trong nhóm bị hạn chế vì mảng cho vay bất động sản được kiểm soát chặt chẽ từ trước đến nay. Tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản tại ngân hàng hiện tại chiếm 6% tổng dư nợ, còn cho vay nhà ở chiếm 17% trong dư nợ. 

“Chỉ số cho vay bất động sản được Ngân hàng Nhà nước giám sát rất chặt, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay bất động sản, không nằm trong nhóm bị cảnh báo và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay thời gian tới, do vẫn còn dư địa", đại diện  ABBank cho biết.

TIN LIÊN QUAN