Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông tin cảnh báo, thời gian qua, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu xuất hiện một số đối tượng sử dụng thẻ ngân hàng giả để đi rút tiền, gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân.
Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm là gắn thiết bị skimming vào các máy POS/ATM để đánh cắp thông tin thẻ của khách hàng. Sau đó dùng thông tin đánh cắp được làm thẻ ngân hàng giả và rút tiền tại các máy ATM.
Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm đánh cắp thông tin thẻ ATM qua thiết bị skimming, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo chủ thẻ cần kiểm tra, quan sát kỹ máy POS/ATM để đảm bảo không có thiết bị lạ được gắn vào khe đọc thẻ, bàn phím nhập mật khẩu. Nên che bàn phím khi nhập mật khẩu.
Bên cạnh đó, chủ thẻ nên thu gom và tiêu hủy biên lai sau khi sử dụng, không vứt biên lai tại cây ATM/POS/các thiết bị thanh toán thẻ. Nên thường xuyên thay đổi mật khẩu thẻ và tránh sử dụng thông tin cá nhân làm mật khẩu.
Đồng thời, cần quản lý, giữ bí mật thông tin thẻ và tài khoản (số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV/CVC của thẻ). Khi thẻ mất cắp, thất lạc hoặc có dấu hiệu bị lộ thông tin thẻ, chủ thẻ cần thông báo ngay đến ngân hàng để khóa thẻ, tài khoản.
Đối với giao dịch tại ATM, chủ thẻ nên chọn các cây đặt tại chi nhánh ngân hàng, đặt tại tòa nhà có nhân viên hoặc hoạt động dưới sự giám sát của hệ thống cảnh báo, camera, phòng kín...
Trên thực tế, nhằm giúp các khách hàng đảm bảo an toàn giao dịch tại ATM cũng là nội dung luôn được ngành Ngân hàng đặc biệt lưu tâm và liên tục đưa ra những cảnh báo để phòng tránh các thủ đoạn tinh vi của các loại tội phạm công nghệ cao.
Theo đó, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng không nên thực hiện giao dịch nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường như: Khu vực đầu đọc thẻ có dấu hiệu bong tróc, có dấu hiệu thiết bị lạ được dán, ốp, kết nối bất thường, hoặc gặp khó khăn khi đưa thẻ vào khe đọc (để sao chép thông tin trên thẻ của khách hàng); camera được lắp ở bất kì vị trí có thể thấy được PIN khách hàng nhập trong quá trình thực hiện giao dịch; bàn phím ATM có dấu hiệu bị thay thế, nhô cao hơn bình thường, cảm giác nhấn lỏng lẻo/ không tự nhiên hoặc trên bàn phím có dán các miếng nilon nhỏ/ băng dính (để thu thập vân tay và mật khẩu người dùng).
Qua các cảnh báo của công an và của ngân hàng, để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng thẻ giao dịch tại ATM, các chủ thẻ nên lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, chủ thẻ trước khi sử dụng thẻ trên máy POS/ATM phải che mã số CVV/CVC thẻ tín dụng, kiểm tra, quan sát kỹ máy POS/ATM để đảm bảo không có thiết bị lạ được gắn vào khe đọc thẻ, bàn phím nhập mật khẩu. Nên che bàn phím khi nhập mật khẩu.
Thứ hai, chủ thẻ nên thu gom và tiêu hủy biên lai sau khi sử dụng, không vứt biên lai lại cây ATM/POS/các thiết bị thanh toán thẻ.
Thứ ba, nên thường xuyên thay đổi mật khẩu thẻ và tránh sử dụng thông tin cá nhân làm mật khẩu.
Thứ tư, cần quản lý, giữ bí mật thông tin thẻ và tài khoản (số thẻ, ngày hết hạn, mã CVV/CVC của thẻ tín dụng).
Thứ năm, khi thẻ bị mất cắp, thất lạc hoặc có dấu hiệu bị lộ thông tin, chủ thẻ cần thông báo ngay đến ngân hàng để khóa thẻ, tài khoản hoặc gọi số hotline của ngân hàng.
Thứ sáu, đối với giao dịch tại ATM, nên chọn các cây đặt tại chi nhánh ngân hàng, đặt tại tòa nhà có nhân viên hoặc hoạt động dưới sự giám sát của hệ thống cảnh báo, camera, phòng kín…
Thứ bảy, trong thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ hoặc internet, chủ thẻ chỉ mở chức năng thanh toán trực tiếp khi có nhu cầu sử dụng và tắt ngay sau khi hoàn tất giao dịch.
Thứ tám, tuyệt đối không thanh toán trên các trang web không tin cậy; không truy cập từ các thiết bị công cộng; không lưu trữ thông tin thẻ khi thanh toán. Chủ thẻ nên luôn chọn hình thức xác thực để tiếp tục thực hiện giao dịch.
Thứ chín, khi phát hiện tài khoản có các giao dịch bất thường: Kịp thời thông tin, tố giác, cung cấp tài liệu cho Cơ quan công an để phục vụ công tác điều tra, xử lý.