4 vùng động lực được tập trung phát triển kinh tế trong những năm tới

(CL&CS)- Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, có 4 vùng động lực được tập trung phát triển kinh tế trong những năm tới. Kết nối các vùng sẽ là hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt hiện đại.

Theo dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành vào tháng 7 vừa qua, cả nước sẽ có 4 vùng động lực quốc gia và hai đô thị động lực giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, các vùng động lực quốc gia hình thành trên cơ sở ở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất, có cảng biển, sân bay quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để hình thành các vùng động lực quốc gia.

Vùng động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đây là vùng giữ vai trò quan trọng đối với cả nước (trong giai đoạn 2011 - 2020 đóng góp khoảng 22 - 24% GDP, 29 - 31% thu ngân sách cả nước), là đầu mối xuất nhập khẩu lớn của cả nước, đi đầu trong hội nhập quốc tế.

Vùng có vị trí thuận lợi kết nối theo tất cả các phương thức vận tải quốc tế (đường biển, hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ). Nằm ở vị trí giao thoa của các hành lang kinh tế quốc tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, với cửa ra biển là cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với quy mô lớn.

Định hướng phát triển chính của vùng là xây dựng vùng trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia. Tập trung hình thành, phát triển mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.

Cùng với đó là đẩy mạnh đô thị hoá gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị. Xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc và cả nước, có sức cạnh tranh quốc tế. Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Vùng động lực TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đây là vùng phát triển năng động, giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với phát triển kinh tế của cả nước (trong giai đoạn 2011-2020 đóng góp khoảng 30 - 35% GDP, 38 - 39 thu ngân sách cả nước), đi đầu trong hội nhập quốc tế.

Định hướng phát triển chính của vùng là tập trung phát triển mạnh khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số;  phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học công nghệ, logistic, kinh doanh bất động sản và thúc đẩy phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng ĐBSCL qua các hành lang N1, N2, cao tốc Bắc - Nam, QL.50; với Tây Nguyên qua cao tốc TP HCM - Đà Lạt; với Nam Trung Bộ qua cao tốc Bắc - Nam và QL.55.

Cùng với đó là phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Nghiên cứu xây dựng thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành.

Vùng động lực Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi bao gồm khu vực ven biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi; trong giai đoạn 2011 - 2020 khu vực đóng góp khoảng 3 - 3,4% GDP và 3,8 - 4,4% thu ngân sách cả nước.

Vùng nằm ở vị trí giao điểm của Hành lang kinh tế Đông - Tây (qua trục QL.9) và Hành lang kinh tế Bắc - Nam (qua trục QL.1), có khả năng kết nối vận tải đa phương thức. Hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển đã và đang được đầu tư tương đối đồng bộ, tiếp tục hấp dẫn các dòng vốn đầu tư.

Định hướng phát triển chính của vùng là tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; là trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô - phụ trợ ngành cơ khí và cuối cùng là phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Vùng động lực Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang vùng này tập trung vào khu vực tam giác Cần Thơ - Long Xuyên - Rạch Giá, bao gồm TP Phú Quốc. Khu vực này trong giai đoạn 2011 - 2020 đóng góp 3,4 - 3,7% GDP cả nước, khoảng 1,8 - 2% thu ngân sách cả nước.

Vùng này nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hành lang kinh tế ven biển phía Nam và đường Hồ Chí Minh, QL.1 đi qua. Hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng và liên vùng đang được xây dựng, thúc đẩy khai thác lợi thế của vùng.

Định hướng phát triển chính của vùng là trung tâm công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm quốc gia, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; phát triển kinh tế biển, tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

TIN LIÊN QUAN