Những cảnh báo cho biết các lỗ hổng này ảnh hưởng đến khoảng 30 triệu thiết bị, tương ứng 129 dòng máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính bàn mang thương hiệu Dell.
Đây là cảnh báo được đưa ra vào ngày 24/6 vừa qua, qua công tác giám sát trên không gian mạng, NCSC đã ghi nhận 4 điểm yếu, lỗ hổng bảo mật mới gồm CVE-2021-21571, CVE-2021-21572, CVE-2021-21573 và CVE-2021-21574 trong tính năng BIOS Connect và HTTPS Boot. Đây là tính năng, công cụ có sẵn trên hầu hết các máy tính, thiết bị của Dell để hỗ trợ việc cập nhật firmware và khôi phục hệ điều hành từ xa trên BIOS của các máy tính, thiết bị hãng Dell.
Cơ quan chức năng đã xác định được lỗ hổng CVE-2021-21571 là lỗ hổng cho phép giả mạo chứng thư số. Các lỗ hổng CVE-2021-21572, CVE-2021-21573 và CVE-2021-21574 là lỗi tràn bộ đệm, cho phép vượt qua các cơ chế kiểm soát để thực thi các đoạn mã độc hại với quyền người dùng quản trị; khai thác được khi có quyền truy cập cục bộ.
Đặc biệt, 4 lỗ hổng bảo mật này có thể kết hợp với nhau trong các chiến dịch tấn công có chủ đích để tấn công, kiểm soát máy tính, thiết bị của người dùng, từ đó tấn công sâu hơn vào các hệ thống thông tin quan trọng khác.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức mình và góp phần bảo đảm an toàn cho không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát máy tính, thiết bị có khả năng bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng trên để có phương án xử lý, khắc phục lỗ hổng.
Các đơn vị cần cập nhật bản vá tương ứng theo phát hành của hãng Dell. Có nhiều cách để cập nhật BIOS: Cài đặt ứng dụng của Dell Notification để nhận thông báo tự động và cập nhật khi có bản vá mới; tải bản vá và cài đặt thủ công.
Trong trường hợp chưa có bản vá cần có phương án để ngăn chặn việc khai thác lỗ hổng đồng thời theo dõi thường xuyên thông tin về lỗ hổng để cập nhật ngay khi có bản vá.