Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa
Ảnh: Lao Động.
Là một trong những dự án bị "treo" lâu nhất TPHCM, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rộng 426 ha được TPHCM lên kế hoạch đấu thầu tìm nhà đầu tư mới vào năm 2025.
Năm 1992, dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt. Đến 2004, dự án được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng đơn vị này không triển khai được nên năm 2010, thành phố quyết định thu hồi.
Năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được chọn là nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Thế nhưng từ năm 2016, Công ty Emaar Properties PJSC rút khỏi liên danh, việc triển khai dự án bị bỏ ngỏ.
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát hoàn chỉnh lại kế hoạch tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch - kiến trúc của bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Việc này phải hoàn thành trình UBND TPHCM ban hành kế hoạch trước ngày 30/9 này và mục tiêu đến ngày 30/4/2025 hoàn thành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án này.
Công viên Sài Gòn Safari
Ảnh: VNecônmy.
Được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, song 19 năm qua, dự án Công viên Sài Gòn Safari vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.
Năm 2004, để thực hiện siêu dự án này, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi đất, đồng thời giao chủ đầu tư, UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho hơn 700 hộ dân.
Tuy vậy, khi triển khai, "siêu" dự án vấp phải nhiều khiếu nại của người dân liên quan đến mức đền bù, giải phóng mặt bằng.
Năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt vấn đề tại dự án này. Cụ thể, UBND TPHCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp luật. TPHCM đã giao dự án cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư nhưng doanh nghiệp này không đủ năng lực thực hiện.
Cuối năm 2021, UBND huyện Củ Chi kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao.
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục nghiên cứu ý tưởng quy hoạch - kiến trúc Công viên Sài Gòn Safari để tiến hành tổ chức thi tuyển. Theo quy hoạch được duyệt, dự án hạ tầng khu tái định cư có quy mô 18ha, gồm 275 nền đất tái định cư (nhu cầu tái định cư là 247 hộ). Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 177 tỉ đồng.
Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc
Phối cảnh phương án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc
Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (thành phố Thủ Đức) có chủ trương đầu tư từ năm 1994. Theo quy hoạch, dự án có quy mô 466 ha với nhiều công trình thể thao đạt chuẩn Olympic.
Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh thì nay chỉ còn khoảng 212 ha. Trong đó, 180 ha sẽ dùng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Năm 2017, dự án được triển khai nhưng vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng nên đang “đóng băng”. Sau 30 năm quy hoạch, Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc vẫn là khu đầm lầy với những lô đất trống xen lẫn nhà dân trồng sen, nuôi cá kinh doanh kiếm thêm thu nhập trong thời gian hàng chục năm mòn mỏi chờ giải tỏa.
Mới đây, dự án này cũng được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu ý tưởng quy hoạch - kiến trúc để tổ chức thi tuyển.