1. Trà ô long
Một nghiên cứu của Đại học St Louis (Missouri- Mỹ) cho thấy trà ô long có tiềm năng trở thành một tác nhân hóa trị an toàn cho người bị ung thư vú. Tại phòng thí nghiệm, chiết xuất trà ô long đã khiến các tế bào ung thư vú ngừng tăng trưởng một cách thần kỳ. Tìm hiểu sâu hơn về cơ chế tác động, họ phát hiện loại trà này đã tấn công DNA của các tế bào ung thư, từ đó ức chế sự phát triển của khối u.
Không chỉ là nguyên liệu hứa hẹn để chế tạo thuốc, trà ô long còn có tác dụng làm giảm nguy cơ căn bệnh này ở những người chưa mắc bệnh thông qua cách dùng thông thường là uống trà.
Trà ô long được sao để chấm dứt quá trình oxy hoá và làm khô lá. Quá trình này tạo nên màu sắc và hương vị đặc trưng cho trà ô long. Một tách trà ô long có chứa một lượng nhỏ canxi, magie, kali. Nó cũng chứa khoảng 38mg caffeine và một số chất chống oxy hóa mang lại lợi ích cho sức khỏe.
2. Trà xanh
Trà xanh hay còn được gọi với cái tên chè xanh là lá của cây trà chưa trải qua các công đoạn làm héo và oxi hóa. Đây là loại cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng hiện nay quy trình sản xuất và trồng cây đã lan truyền rộng rãi sang các quốc gia Châu Á.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Oral Oncology (Mỹ) năm 2021, các nhà nghiên cứu Mỹ đã phân tích 19 nghiên cứu với 4.675 người cho thấy, uống trà xanh có tác dụng bảo vệ và ngăn ung thư miệng. Một phân tích khác trên 51 nghiên cứu với 1,6 triệu người ở Mỹ cũng cho thấy, trà xanh giúp giảm nguy cơ ung thư phổi, nhất là ở nam giới. Tiêu thụ trà xanh có thể giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Trà xanh rất giàu polyphenol có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh tim mạch, giúp đầu óc minh mẫn và tăng cường hệ miễn dịch. Các hợp chất trong trà xanh có thể giúp ức chế vi khuẩn trong cơ thể hiệu quả và không gây hại cho hệ thực vật có lợi.
3. Trà đen
Trà đen được làm từ lá của một loại cây bụi có tên là Camellia sinensis. Loại trà này có chứa caffeine, các chất kích thích và các chất chống oxy hóa. Để sản xuất trà đen thì người ta cho lá trà tiếp xúc với không khí ẩm, giàu oxy (quá trình oxy hóa) để biến lá trà từ màu xanh lục sang màu nâu sẫm - đen.
Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã nghiên cứu tác dụng của chất polyphenols trong trà đen khi thử nghiệm với các con chuột thí nghiệm bị ung thư vú. Kết quả cho thấy, số lượng các khối u giảm 77% ở các con chuột được tiêm chất polyphenols chiết xuất từ trà đen, đồng thời giảm sự phát triển của các khối u.
Ngoài ra, uống trà đen cũng như trà xanh hay trà ô long còn rất có lợi vì chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể loại trừ các phân tử có hại tích lũy trong cơ thể cũng như các tế bào bị hư hại. Theo các nhà khoa học, việc uống 2 cốc trà giúp bổ sung cho cơ thể lượng các chất chống oxy hóa ngang với việc ăn 5 xuất rau hoặc 2 quả táo.