Trẻ nhỏ thường vô tư, đầy niềm vui và yêu đời. Vì vậy, khi phát hiện những biểu hiện bất thường ở con, bố mẹ không nên xem nhẹ mà hãy tỏ ra quan tâm, chia sẻ. Nhiều phụ huynh bận rộn với công việc, bạn bè và cuộc sống, thường quên việc tương tác và chia sẻ cùng con cái. Khi trẻ lớn lên, chúng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Những vấn đề mà người lớn coi là nhỏ nhặt thường có thể rất quan trọng với trẻ.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, không ít trẻ gặp ảnh hưởng về tâm lý. Điều đó khiến không ít phụ huynh lo lắng. Câu hỏi được đặt ra là, làm sao để giúp trẻ có sức khỏe tinh thần tốt, cũng như nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ.
Nếu cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc con trẻ, thì có thể chúng sẽ hình thành bệnh tâm lý. Dưới đây là 3 dấu hiệu cần được quan tâm nhất.
Dễ khóc, dễ nổi cáu và khó chịu, không hài lòng với mọi việc
Một em bé hồn nhiên, tươi vui, đột nhiên chuyển sang trạng thái dễ khóc lóc hoặc thể hiện thái độ tiêu cực đối với mọi người xung quanh có thể là dấu hiệu của một vấn đề nào đó.
Con thường thể hiện hành vi hung hãn không chỉ đối với bạn bè, những đứa trẻ nhỏ hơn mình mà còn với bố mẹ, ông bà, và những người thân xung quanh. Điều lo lắng là con không nhận ra rằng hành vi này không lành mạnh. Nhiều trẻ có vấn đề về cảm xúc và hành vi thường có xu hướng thể hiện sự hung dữ không chỉ đối với con người mà còn với đồ vật hoặc động vật.
Cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu như cáu kỉnh thường xuyên, đi lại không kiểm soát, khả năng tập trung kém, nói nhiều hoặc im lặng quá mức. Nếu không nhận được sự quan tâm, trẻ có thể xuất hiện các vấn đề như mệt mỏi cực độ, tự ti hoặc trầm cảm.
Giải pháp tốt nhất trong tình huống này là tìm cách trò chuyện và tương tác với con. Lắng nghe và hiểu rõ hơn về những gì con đang trải qua, đồng thời tạo cơ hội cho chúng ra ngoài dạo chơi để giảm bớt căng thẳng và sợ hãi.
Đột nhiên chán ăn
Những đứa trẻ ở độ tuổi phát triển thường thích ăn, do đó, nếu chúng bất ngờ chán ăn, có thể đây là dấu hiệu của vấn đề tâm lý. Liệu có khả năng rằng chúng đang ốm hoặc không khỏe nên không muốn ăn hay không?
Bên cạnh đó, nếu bố mẹ nhận thấy cơ thể của trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng chúng không ăn cơm, có khả năng tâm lý đang gặp trở ngại. Ngay cả người lớn khi đối mặt với áp lực hoặc tâm trạng không tốt cũng có thể chán ăn và trẻ nhỏ cũng như vậy.
Do đó, khi gặp tình huống này, cha mẹ nên kiểm tra sức khỏe trẻ trước, sau đó thử thay đổi môi trường ăn uống để xem có sự cải thiện không. Nếu không có kết quả, nên đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra.
Lảng tránh, ngại chia sẻ với bố mẹ
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó chấp nhận khi con tỏ ra tránh né, không muốn chia sẻ hoặc trò chuyện với họ. Rất có khả năng là con đang trải qua một tình huống khó khăn tại trường liên quan đến giáo viên hoặc bạn bè mà con không muốn nói. Trong tình huống này, điều mà cha mẹ cần làm là lắng nghe và thảo luận một cách nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, cũng nhiều ông bố, bà mẹ không nhận ra vấn đề đang nằm ở cốt lõi gia đình. Ba mẹ đột nhiên cãi nhau triền miên, để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến con cũng rất dễ làm trẻ tổn thương. Ngoài ra, những ba mẹ luôn cho mình là nhất, không chú ý đến cảm xúc của trẻ, phớt lờ tiếng nói của bé, liên tục nói về những vấn đề khiến con cái cảm thấy tồi tệ hơn cũng làm trẻ trở nên khó chịu.
Đặc biệt, khi ba mẹ không giữ lời hứa, chia sẻ những điều con xem là bí mật và không muốn tiết lộ cho ai khác đều có thể khiến trẻ cảm thấy thất vọng, ngần ngại chia sẻ và tâm sự với cha mẹ.
Đôi khi, chỉ vài biểu hiện nhỏ ở trẻ cũng có thể tiết lộ con đang gặp vấn đề về tâm lý. Cha mẹ đừng làm ngơ mà hãy quan sát, tìm hiểu, lắng nghe tâm sự từ con mình.