Thứ hai, 30/09/2019, 17:40 PM

Xót xa những di tích cổ ở miền Tây

(NTD) - Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gắn liền với sự hình thành, phát triển của mỗi vùng đất và có ý nghĩ rất lớn trong đời sống tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước. Tuy nhiên, do không được bảo vệ, duy tu và bảo dưỡng thường xuyên đã khiến những công trình này ngày một xuống cấp, thậm chí trở thành phế tích.

Đứng trước nguy cơ xóa sổ

Đình Tân Đông (còn gọi là đình Gò Táo, thuộc ấp Gò Táo, xã Tân Đông, H. Gò Công Đông, Tiền Giang) là một ngôi đình cổ rất đặc biệt, do được bao bọc bởi 2 gốc cây bồ đề tạo nên vẻ đẹp cổ kính hiếm có. Ngôi đình bị nhiều tác nhân nên đến nay xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân nơi đây không khỏi xót xa.

Theo các bậc cao niên trong làng, ngôi đình từng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người dân Gò Táo. Đến thời Pháp, nơi đây trở thành địa điểm hội họp của chiến sĩ cách mạng. Hằng năm, đình tổ chức 4 lễ hội chính: Kỳ Yên (16/2 âm lịch), Thượng Điền (16/5 âm lịch), Hạ Điền (16/8 âm lịch) và Cầu Ông (16/11 âm lịch). Mỗi lần lễ tổ chức 2 ngày, người dân trong làng tụ họp lại cùng nấu ăn linh đình, rồi mời các đoàn hát bội về biểu diễn hết sức náo nhiệt.

Cụ Phạm Văn Đời (82 tuổi, người địa phương) kể, cách nay khoảng 30 năm, ngôi đình xuất hiện 2 cây bồ đề mọc vươn cao lên trên đỉnh của ngôi đình, rễ cây vươn ra bám vào tường, một số rễ mọc dài theo các rãnh khe nứt của đình trở thành cột, kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ ngôi đình vững chắc.

Theo cụ Đời, cây bồ đề được xem là cây canh gác vừa làm nhiệm vụ nâng đỡ đình vượt qua thời tiết khắc nghiệt và mưa bão. Đến nay, người dân trong khu vực đặt niềm tin vào ngôi đình rất linh thiêng, họ sớm tối nhang khói, quét dọn và thờ phụng đình như một niềm tự hào.

Tuy nhiên trải qua thời gian, ngôi đình hiện bị xuống cấp, đổ nát.

Hiện trạng cho thấy ngôi đình có kiến trúc rộng 5 gian, sâu 6 nhịp với 2 phần là tiền điện và chính điện, mái theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Phần khung kết cấu được làm bằng gỗ theo lối kiến trúc truyền thống. Đặc biệt mặt tiền chính được xây tường với 5 vòm cửa, trang trí theo lối kiến trúc phương Tây. Ba gian giữa có 3 án thờ và mái lợp ngói âm dương.

Đình Tân Đông được UBND tỉnh Tiền Giang trao bằng công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào tháng 12/2010. Tuy nhiên hiện ngôi đình bị xuống cấp nặng nề, tường nứt, hệ khung gỗ bị hư hỏng mối mọt, mái ngói sụp tạo khoảng trống lớn, các bức tường bong tróc trơ lại bộ xương bằng gạch cũ. Cổng đình đổ sụp còn trơ lại mấy cột bê tông. Chứng kiến ngôi đình cổ rất đẹp và đặc biệt đang bị xuống cấp nghiêm trọng nhiều du khách và người dân ở vùng đất này không khỏi xót xa.

Ông Trần Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông - cho biết: “Đình Gò Táo là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện đình xuống cấp nghiêm trọng nên địa phương đã báo cáo với UBND tỉnh ghi vốn trùng tu. Dự kiến việc trùng tu diễn ra 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư là 11 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 1 là 3 tỷ đồng, 2,4 tỷ ngân sách tỉnh, còn lại 600 triệu đồng địa phương vận động từ nguồn xã hội hóa”.

Tại khóm 2 (TT. Cầu Kè, H. Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) có ngôi nhà cổ của ông Hàm Huỳnh Kỳ - một trong 10 đại điền chủ nổi tiếng nhất miền Tây. Nhà được xây dựng vào năm 1924 theo bản thiết kế của kiến trúc sư người Pháp gồm nhà chính và một số công trình khác như rào cổng, nhà sau, kho... Đặc biệt, ngôi nhà được xây dựng hình chữ nhật, chiều dài 20m, rộng 18m, có đường nét cổ kính, với nhiều loại hoa văn, gạch, phù điêu trang trí khác nhau. Đây vốn là một địa chỉ du lịch nổi tiếng đối với du khách trước đây khi đến với Trà Vinh. Năm 2011, công trình này được công nhận là di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, nhà cổ Huỳnh Kỳ còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Trước đây, nhà cổ còn lưu giữ hàng chục hiện vật nội thất có giá trị. Tuy nhiên hiện nay chỉ còn duy nhất chiếc tủ thờ.

Theo quan sát của phóng viên, ngôi nhà cổ này bi đát đến nỗi các khung cửa chính, cửa sổ hầu hết đã rỉ sét. Cầu thang, hành lang, tường đầy rong rêu, một số bức phù điêu trang trí bị hư hỏng. Vào năm 2018, công trình này đã được cơ quan chức năng khảo sát và thống nhất phương án trùng tu nhằm bảo đảm tái hiện hình ảnh ngôi nhà cổ và giữ nguyên các giá trị theo đúng như lúc ban đầu. Sau khi thống nhất các phương án, công trình được giao cho một công ty có địa chỉ tại địa phương đầu tư toàn bộ kinh phí trùng tu để sau đó sử dụng vào mục đích phục vụ khách tham quan du lịch theo hình thức xã hội hóa. Hiện việc trùng tu di tích này đang được các công nhân thực hiện.

a
Nhiều công nhân đang trùng tu nhà cổ Huỳnh Kỳ.

Trùng tu tiền tỷ rồi đóng cửa

Tòa hành chánh tỉnh Sa Đéc (còn gọi là Dinh Tỉnh trưởng) tọa lạc tại phường 3, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Công trình này được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận di tích cấp tỉnh vào ngày 10/4/2003. Sau khi bỏ ra hàng tỷ đồng để trùng tu, di tích này bị đóng cửa cho đến bây giờ, khiến nhiều người dân tiếc nuối.

Từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, các vị Tỉnh trưởng người Pháp và người Việt làm việc tại đây. Từ tháng 8/1945 đến tháng 1/1946, khi Pháp tái chiếm Sa Đéc nơi đây trở thành nơi làm việc của Tỉnh trưởng Lê Tấn Bửu. Sau năm 1975, tỉnh Đồng Tháp được thành lập từ 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong nên ngôi nhà này được sử dụng làm nơi tiếp khách và phòng ăn. Về sau, nơi này còn được dùng làm nơi làm việc của một số cơ quan như: Đoàn liên cơ, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Bảo vệ sức khỏe, công ty du lịch...

Di tích Tòa hành chánh Sa Đéc nằm trong khuôn viên khoảng 5.000m2 của trường dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, xung quanh có tường rào bao bọc. Tòa nhà kiến trúc theo lối hiện đại (công thự) gồm 1 trệt, 1 lầu và được ngăn chia thành nhiều phòng. Phía trước có trang trí các bồn hoa. Mặt chính diện có 4 cửa chính. Phía trên trần được đổ bê tông hình gợn sóng, có các thanh sắt lộ ra ở đầu trông rất đẹp và vững chắc.

Do nằm bên bờ sông Sa Đéc gần một thế kỷ nên di tích ít nhiều chịu sự phá hủy của môi trường tự nhiên, cùng với việc nhiều cơ quan sử dụng tòa nhà, nên trông rất cũ kỹ và xuống cấp. Việc bố trí các phòng bên trong không còn như cũ, phần mái hiện đang được lợp bằng tole. Do vậy để di tích Tòa hành chánh tỉnh Sa Đéc phát huy được tác dụng, góp phần tạo nên “tiếng nói của quá khứ”, chứng minh cho một giai đoạn lịch sử hào hùng - đó là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào tháng 8/1945, ngành chức năng đã bỏ ra số tiền khoảng 3 tỷ đồng đề trùng tu. Đến nay công trình có ý nghĩa lịch sử ấy lại đóng cửa. Tìm về đây, chúng tôi gặp bảo vệ của trường dạy nghề và được người này cho biết: “Tôi vô đây làm việc gần 2 năm thấy cửa di tích vẫn đóng kín, không có phục vụ cho việc tham quan”.

Nói về di tích sửa xong lại đóng cửa, ông Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin TP. Sa Đéc - cho biết: “Vì đây là di tích lưu niệm, sự kiện nên chỉ còn lại tòa nhà. Do chưa có quyết định phân cấp quản ký nên chưa được đưa vào sử dụng. Dự kiến khi di tích có quyết định bảo vệ thì sẽ xây dựng nơi đây thành một trong những điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt truyền thống của người dân thành phố”.

Theo lời ông Liêm, Tòa hành chánh Sa Đéc dự định sau khi tôn tạo xong sẽ làm nhà truyền thống nhưng cái khó là không có kỷ vật. Theo kế hoạch, đến năm 2020 địa điểm này trở thành Trung tâm xúc tiến du lịch.

Tương tự tại đường Nguyễn Huệ (P.1, TP. Sa Đéc, Đồng Tháp) có căn nhà số 485 từng là Trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa và Tỉnh ủy Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Căn nhà này được UBND tỉnh Đồng Tháp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, nhưng hiện nay đã bị xuống cấp nặng. Lý do di tích này ngày một điêu tàn bởi giữa chính quyền địa phương và người dân chưa có tiếng nói chung.

Theo quan sát của phóng viên, phần vỉa hè mặt tiền phía trước đã trở thành bãi tập kết dù, mái ngói bị thủng nhiều nơi, tường nhà bị bong tróc loang lổ, cột nhà bị xuống cấp có thể bị đổ sập, hành lang căn nhà chứa vô số loại rác thải. Nhìn qua khe cửa chúng tôi thấy nhiều con dơi đang trú ẩn, đu đưa trên mái ngói.

Làm gì để cứu di tích?

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được chú trọng, đóng vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Do vậy cần làm gì để bảo vệ di tích là câu hỏi khó đặt ra cho các nhà chuyên môn và ngành chức năng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cho di tích bị xâm hại, xuống cấp. Góc độ địa phương họ nói thiếu kinh phí, cấp trên không duyệt, còn người dân lại nói cán bộ tắc trách. “Tôi thấy những người quản lý văn hóa lại thường xuyên bị thay đổi vị trí công tác, còn người mới về thay lại thiếu hiểu biết luật, nên làm theo cảm tính. Tình trạng xâm phạm di tích, trộm cổ vật diễn tra phổ biến, trong khi đó thời điểm công nhận đều được kiểm kê, ghi rõ, mô tả từng sự vật, chiều cao, khối lượng, vị trí, niên đại... Tuy nhiên khi đã mất lại không ai bị quy kết trách nhiệm. Lúc đó người quản lý trực tiếp viện lý do mới về và dù có biết cũng sẽ làm ngơ”.

Ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tỉnh An Giang nói: “Trùng tu di tích cấp quốc gia nguồn vốn từ trung ương do đó phải xin chủ trương của bộ. Hằng năm nguồn kinh phí rót nhỏ giọt chứ chưa có kế hoạch tổng thể. Thời gian tới sở tiếp tục khảo sát các di tích bị hư hỏng, xuống cấp để đề xuất với UBND tỉnh ghi vốn trùng tu, tôn tạo; xây dựng và huy động nguồn lực để trùng tu, đặc biệt là xã hội hóa. Hướng tới sở tham mưu UBND tỉnh xin chủ trương từ bộ để được xây dựng đề án trùng tu di tích cấp quốc gia theo lộ trình”.

Theo ông Hiệp, vừa qua, UBND tỉnh An Giang ban hành quyết định về việc trùng tu 70 cơ sở thờ tự chưa được công nhận di tích, đầu tư 800 triệu đồng để sửa sang và thay đổi phương án trưng bày lại Nhà mồ Ba Chúc - khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngoài ra, tỉnh còn huy động được 200 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các hạng mục quan trọng như: Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ, hang Ban chỉ huy quân sự, Tuyên huấn, Hội Phụ nữ, Dân y... của di tích lịch sử cách mạng đồi Tức Dụp (xã An Tức, H. Tri Tôn) theo hướng quy hoạch tổng thể, bảo tồn và không phá vỡ cấu trúc tự nhiên.

Gia Phát

 

Bình luận

Nổi bật

Công nghệ lượng tử: Công nghệ của tương lai

Công nghệ lượng tử: Công nghệ của tương lai

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:16

(CL&CS) - Sự phát triển của các công nghệ điện toán lượng tử ngày nay là một nỗ lực toàn cầu. Tất cả các châu lục đều là nơi có các công ty và chính phủ tích cực hỗ trợ việc tạo ra các giải pháp điện toán lượng tử mới. Các quốc gia có các cụm nghiên cứu và phát triển (R&D) lượng tử hàng đầu trên toàn cầu đã thực hiện các khoản đầu tư chiến lược để nắm bắt một phần chuỗi cung ứng điện toán lượng tử trong tương lai và tạo ra khả năng tiếp cận chiến lược và độc lập với các khả năng trong tương lai.

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 14:59

(CL&CS) -Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sản xuất trong nước, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo thuộc Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris).

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo - hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo - hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 14:09

(CL&CS) - Mới đây, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 2024 là: “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.