Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 06/12/2019, 21:08 PM

“Xé rào” trồng sầu riêng trên đất phèn, nguy cơ… vỡ trận

(NTD) - Hấp lực về giá khiến người nông dân vùng rốn lũ, đất phèn một số tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang phá bỏ diện tích lúa để lên líp, lấp ụ trồng sầu riêng. Việc làm này của người nông dân chắc chắn sẽ khiến quy mô trồng loại trái cây này vượt quy hoạch, ngoài tầm quản lý, kiểm soát của chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương; song tiềm ẩn nguy cơ hơn là sự “vỡ trận” khiến người nông dân ra tay trắng…

Có mặt tại Cai Lậy - vùng trọng điểm chiếm gần 80% sản lượng sầu riêng của tỉnh Tiền Giang, chúng tôi chứng kiến rất nhiều ruộng lúa ở khu vực này đã được nông dân lên mô (ụ) để trồng sầu riêng; dù xung quanh là những ô nước váng phèn nổi lênh láng.

Ông Phan Văn Nhanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hòa (TX Cai Lậy), thở dài: “Chẳng biết mai này sẽ ra sao, vì một số diện tích trên địa bàn trước đây chỉ trồng lúa hoặc mít Thái, giờ lại lên ụ để trồng sầu riêng vì giá cao hơn, nhưng chỉ sợ cây sầu riêng sẽ không hợp, không phát triển như dự định thì nông dân sẽ lỗ nặng vì chi phí giống, phân bón, công cải tạo đất…”.

Sau rieng 01
“Xé rào” trồng sầu riêng trên đất phèn, nguy cơ… vỡ trận

 Ồ ạt mở rộng diện tích trên… đất lúa, đất phèn

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có khoảng 12.000 ha trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Cai Lậy. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, con số thống kê sơ bộ từ Sở NN&PTNT tỉnh này cho thấy, toàn tỉnh hiện đã có tới hơn 13.000 ha sầu riêng, sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm. Trong đó, khá nhiều diện tích trồng sầu riêng trồng trên đất phèn, đất lúa. 

Nguyên nhân khiến diện tích trồng sầu riêng tăng mạnh, chủ yếu là do hấp lực về giá. Nếu năm 2015, lợi nhuận của cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh bình quân đạt khoảng 450 - 500 triệu đồng/ha/năm, thì đến cuối năm 2018 đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm.

Theo ông Phan Văn Nhanh, khi người nông dân trồng lúa với mức thu nhập “chỉ đủ ăn” thì việc họ phá bỏ để trồng sầu riêng tràn lan cũng là hợp lý, hơn nữa, cơ quan chức năng cũng chẳng làm được gì hơn ngoài việc đưa ra những cảnh báo. Chỉ những ụ đất được vượt lên để trồng sầu riêng, ông Nhanh cho biết: “Do là đất phèn, nông dân buộc phải lên ụ theo quy cách 1,5mx1m. Để tránh phèn cho cây, nông dân lấy lớp đất mặt lên mô, đào rãnh xung quanh, dùng lân xả phèn. Một số nông dân còn lót gạch dưới rễ cây để rễ không ăn đến lớp phèn dưới đất…”.

Cách làm này của nông dân, theo ông Nhanh thì có khả năng cây không đủ dinh dưỡng do mô đất khá nhỏ. Ngoài ra, cũng chính mô đất cao và nhỏ nên cây sầu riêng trưởng thành cũng dễ ngã đổ khi trời có giông gió, do lớp rễ cây không thể lan tỏa ra chung quanh để bám đất.

Mang vấn đề này hởi một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, vị này cho biết: “Đất của người nông dân thì họ trồng gì mình đầu cấm được, chúng tôi chỉ tích cực tuyên truyền những nguy cơ có thể xảy ra thôi. Nói thật, nhiều cán bộ có đất cũng bắt chước người nông dân để trồng sầu riêng trên đất phèn, ruộng lúa nữa thì nói gì…”.

Không chỉ Tiền Giang, vùng Đồng Tháp Mười (thuộc tỉnh Long An) vốn là vùng đất phèn chua nặng, song nông dân một số huyện, như: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng,... vài năm trở lại đây cũng phá lúa, lên ụ để trồng sầu riêng. Diện tích sầu riêng trên đất phèn ở các huyện này, theo thống kê của Sở NN&PTNN tỉnh Long An, đã lên tới hơn 100 ha sầu riêng.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An nhận định, diện tích trồng sầu riêng đang có xu hướng tăng nhanh do nhiều địa phương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng loại trái cây này vì giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, đây là việc làm tự phát của người dân, không phải theo kế hoạch, quy hoạch của địa phương. Trước mắt, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng chỉ đưa ra những khuyến cáo về nguy cơ “vỡ trận” nếu nông dân tiếp tục trồng ồ ạt, không theo quy hoạch.

Sau rieng 02
Nông dân trồng sầu riêng ở Cai Lậy, Tiền Giang đối mặt với tình trạng xì mủ thân, rễ trên cây do nấm Phytophthora palmivora (loại nấm có nguồn gốc thuỷ sinh).

“Mới đây chúng tôi có đi khảo sát các vườn sầu riêng trồng ở Đồng Tháp Mười, thấy cây phát triển khá tốt. Song vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa mới có cơ sở đánh giá cho phép nông dân mở rộng diện tích hay dừng lại”, ông Thiện chia sẻ.

Đáng nói, một số hộ nông dân ở vùng này “cực chẳng đã” mới phải chuyển đổi đất lúa để trồng sầu riêng hoặc cây ăn trái (bưởi da xanh, quýt…). Nông dân Nguyễn Minh Quý (Vĩnh Hưng), chia sẻ: “Trước kia, tôi trồng lúa cũng có thu nhập ổn định, nhưng do xung quanh đây bà con lên ụ trồng sầu riêng hết khiến tôi cũng buộc phải làm theo, vì nếu một mình trồng lúa thì cũng sẽ bị chuột bọ phá sạch. Vậy là phải đi vay mượn để mua giống, thuê kobe đào đất làm ụ, mua phân lân khử phèn… chi phí rất cao. Chưa kể, từ trước đến nay mình chỉ biết trồng lúa, giờ chuyển qua trồng sầu riêng chưa quen kỹ thuật nên cũng lo. Nhưng đến đâu hay đến đó chứ biết sao bây giờ…”.

Nguy cơ “vỡ trận”

Đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia nông nghiệp vẫn một mực khẳng định: “Trồng sầu riêng trên đất phèn là… thất sách”.

Ông Lê Thanh Tùng, phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNN) khẳng định: “Nếu trồng cây sẽ chết”. Về góc độ chuyên môn, theo ông Tùng, chính vì yếu tố thị trường khiến cho cây sầu riêng trong thời gian gần đây “lên ngôi” và phát triển mạnh, nguy cơ sẽ dẫn đến khủng hoảng dư thừa như chanh và cây cam sành. Chưa kể, cây sầu riêng hiện vẫn chưa định hình rõ vùng trồng cũng như thị trường xuất khẩu, nếu trồng ồ ạt thì nguy cơ phải giải cứu là khó tránh khỏi.

1
Đất phèn được vun lên trồng sầu riêng ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An)

“Không phải chỉ có yếu tố kỹ thuật, yếu tố xã hội cũng không bền vững nếu trồng sầu riêng ở Đồng Tháp Mười. Bởi Đồng Tháp Mười thích hợp cho cây lúa, nếu trồng thêm cây ăn quả, đặc biệt là cây sầu riêng thì làm sao để có cơ chế điều tiết nước cho phù hợp”, ông Tùng nêu vấn đề.

Cũng cảnh báo nguy cơ “vỡ trận”, TS Mai Thành Phụng, chuyên gia nông nghiệp, khẳng định nông dân trồng sầu riêng trên đất phèn chỉ đi đến con đường phá sản.

“Vấn đề là sau 5, 6 năm trồng tốt tươi, cây sầu riêng sẽ tự chết và vô phương cứu chữa. Khi đó, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn thì vốn bỏ ra để trồng sầu riêng, cải tạo đất ở vùng đất phèn là rất nhiều”, TS Phụng nói.

Còn theo TS Lê Quốc Điền, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam) thì cho biết: “Do cây sầu riêng là cây trồng rất đặc thù nên sự phát triển nóng về diện tích sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường. Riêng với việc trồng trên đất phèn thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật và chất lượng đất, do tầng đất bị thấp và dễ bị phèn, cây không có rễ phát triển mạnh thì nguy cơ gãy đổ là rất cao vì mật độ chắn gió bão không có”.

An Nhiên

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.