Vua mai bonsai miền Trung

(NTD) - Người làng mai Nhơn An thường gọi ông là Tuấn “hâm”. Ừ, thì ông “hâm”. Nhưng “hâm” mà làm được như ông, thu lợi nhuận như ông thì ở làng mai này chẳng ai làm được. Chưa hết, cũng nhờ “hâm” mà ông được mệnh danh là “vua mai bonsai miền Trung”.

A3-2
Ông Tuấn bên chậu mai “tàn nhưng không phế”.

Từ hậu bối của làng mai bạc tỷ

Về làng mai bạc tỷ Nhơn An, TX.An Nhơn, thủ phủ nghề trồng mai thương phẩm tỉnh Bình Định, hỏi thăm chủ vườn mai bonsai Nguyễn Trí Tuấn (58 tuổi, ở thôn Thanh Liêm) không ai là không tường. Thế nhưng, ông Tuấn lại bước vào nghề trồng mai như một cơ duyên. Bởi trước khi đến với nghề trồng mai, ông vốn là anh tài xế máy ủi.

Ông Tuấn kể lại: “Khi còn lái máy ủi, tôi có sở thích chơi cây kiểng, nhất là mai nên nhiều hôm xong việc, hay hôm nào nghỉ làm, tôi tranh thủ đến vườn mai người quen ở thôn Háo Đức coi người ta cắt tỉa, uốn cành. Thấy họ làm gì mình làm theo, cặp mai lúc đầu mua 500.000 đồng nhưng bán được 4,5 triệu đồng. Tưởng chơi nhưng lợi nhuận cao nên tôi quyết định đầu tư vào nghề trồng mai thương phẩm”.

Với người trồng mai thương phẩm ở Nhơn An, chuyện làm ăn thế đã quá ổn, nhưng với ông Tuấn là chưa đủ. Ông cho biết: “Hồi ấy, tôi nghĩ trong đầu, đến một lúc nào đó, khi đô thị hóa phát triển chóng mặt, nhà cao tầng mọc lên san sát, không gian bị thu hẹp nên loại mai nghệ thuật, vừa đẹp lại nhỏ gọn dễ bố trí trong nhà. Nghĩ thế nên tôi quyết định chuyển sang một hướng làm khác...”.

Đến “vua mai bonsai miền Trung” nhờ... “hâm”

Hướng khác mà ông Tuấn nói đó là chuyển sang làm mai bonsai. Theo lời ông Tuấn, thời điểm ấy là vào năm 2007, ông vừa thử nghiệm vừa học. Vì ở làng mai Nhơn An, ông là người tiên phong làm mai bonsai nên không có người đi trước để học, vậy là ông tìm hiểu, học hỏi trên internet. Đến năm 2012, ông quyết định cưa trụi 200 chậu mai trong vườn để chuyển qua thế bonsai.

Thấy làm mai bonsai có ăn, ông Tuấn lại nghĩ, nếu trồng từ mai con phải nhiều năm sau mới có thể tạo dáng, như thế thì lâu kiếm tiền. Ông nghĩ, hàng năm phải kiếm được tiền từ mai bonsai nên ông đi lùng sục các vườn mai trong cả tỉnh, mua những cây mai kém phát triển, dáng xấu do thiếu chăm sóc với giá rẻ, mang về “phẫu thuật” tạo lại dáng nghệ thuật.

Nói rồi, ông Tuấn giới thiệu cho chúng tôi cây mai mà trước đây ông mua với giá 6 triệu đồng vì đang bị chết thối, còn bây giờ giá của nó đã tăng lên gấp 10 lần. “Khi mua về, tôi “mổ” sạch vết thương, lũa sâu thêm. Người chơi mai trong làng cả quyết: “Ông mà làm sống cây này tui đi đầu dưới đất”. Vậy mà nó sống thật, lại đang rất khỏe mạnh. Tôi xem nó như một người bị thương, gọi nó là chậu mai “tàn nhưng không phế”, hiện có người trả với giá 60 triệu đồng nhưng tôi chưa bán” - ông Tuấn cho biết.

Chưa hết, trước Tết Ất Mùi 2015, ông Tuấn còn gây sốc thêm cho làng mai Nhơn An khi mua cây mai 60 năm tuổi với giá 60 triệu đồng có dáng trực lùm về “phẫu thuật” để tạo dáng bonsai.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mùa mai Tết Giáp Ngọ 2014, ông Tuấn xuất bán ra thị trường 100 chậu mai dáng bonsai, thu về hơn nửa tỷ đồng khiến các chủ vườn mai ở Nhơn An ngớ người. Và, cũng từ đó, người chơi gọi ông là “vua mai bonsai miền Trung”. Đến mùa mai Tết Ất Mùi 2015, ông Tuấn tiếp tục thu về hơn 800 triệu đồng. Rồi Tết Bính Thân 2016, ông thu về hơn 1,2 tỷ đồng. Dự kiến, mùa mai Tết Đinh Dậu 2017 này, khoản thu của ông Tuấn sẽ trên dưới 1,5 tỷ đồng, khi trong vườn mai của ông có đến 600 chậu bonsai, trong đó có hơn 250 cây đã “lọt vào mắt xanh” các thương lái trong Nam, ngoài Bắc.

Chia sẻ bí quyết ăn nên làm ra

Ngồi trò chuyện, ông Tuấn còn chia sẻ bí quyết chăm sóc mai bonsai. Theo đó, ông rất coi trọng nguồn nước tưới. Vì vậy, ông thường đem nước giếng đi kiểm nghiệm để biết rõ thành phần nhằm định ra cách xử lý phù hợp. Nước phèn nhiều, ông bơm sang ao để phai bớt phèn, sau đó mới bơm từ ao lên tưới cho mai. Làm cách này, ông Tuấn tốn thêm cả triệu đồng tiền điện mỗi tháng nhưng cái được rất nhiều. Đó là cây phát triển khỏe, tạo thuận lợi cho những công đoạn cắt cành, tạo dáng.

Những người cùng nghề trồng mai như ông Tuấn còn ngưỡng mộ ông ở cách tưới mai. Chỉ cần nhìn thân hoặc lá, ông Tuấn biết nó đang cần bao nhiêu nước. Vì vậy, dù phủ xơ dừa, vỏ đậu phộng trên gốc mai nhưng ông vẫn tưới đủ liều lượng.

Thành công với nghề mai nghệ thuật bonsai, vườn mai nhà ông Tuấn biết đến là mai sạch. Vì vậy, ngành chức năng tỉnh Bình Định và TX.An Nhơn đang yêu cầu ông vận động các chủ vườn nhân rộng mô hình làm mai nghệ thuật để thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất mai bonsai, nâng cao giá trị kinh tế cây mai, cũng như nâng tầm thương hiệu mai xuân của làng mai Nhơn An.

Phố Nhơn

Xuân9082
 

 

Bình luận

Nổi bật

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

Nội thành “chật chội”, nhà đầu tư tiềm kiếm cơ hội tại các tỉnh lân cận?

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:48

Trong khi các đô thị trọng điểm về nhà ở như Hà Nội, TP.HCM vẫn khan hiếm dự án mới cũng là lúc nhà đầu tư tìm đến những nơi có nguồn cung dồi dào hơn đó là tại các tỉnh.

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

Lo thiếu cát cho các công trình trọng điểm, HoREA có đề xuất bất ngờ

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng nếu không có đủ nguồn cát san lấp thì các dự án trọng điểm sẽ khó hoàn thành vào năm 2025. Hiệp hội này đã có đề xuất lên Thủ tướng để giải quyết nguồn cung cát.

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Bắc Giang yêu cầu tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:38

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.