Dữ liệu cũ
Thứ tư, 07/11/2018, 06:59 AM

Vụ nhà, đất ở ổn định 40 năm “bỗng” bị tòa tuyên thuộc người khác: Chờ tòa phúc thẩm công tâm!

(NTD) - Cho rằng, việc TAND Q.Thủ Đức buộc gia đình mình phải đền bù gần 8 tỷ đồng cho nguyên đơn trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất diện tích 307,6m2 (địa chỉ: 189/4 Đặng Văn Bi, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) là bất hợp lý, bị đơn Phạm Văn Trí đã yêu cầu TAND TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án này. Ông Trí cho biết, ông kỳ vọng và đặt trọn niềm tin về sự công tâm của phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 7/11.

Như Báo Người Tiêu Dùng đã thông tin, ông Phạm Văn Trí (64 tuổi, ngụ 189/4 Đặng Văn Bi, P. Trường Thọ, Q. Thủ Đức) đã gửi đơn kêu cứu đến báo chí về việc TAND quận Thủ Đức tuyên xử phiến diện, thiếu công tâm trong vụ tranh chấp quyền sử dụng nhà, đất (số 189/4 Đặng Văn Bi, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) giữa gia đình ông Trí (bị đơn) và Trần Văn Nhạc, Trần Văn Khải (nguyên đơn).

Tòa sơ thẩm vô lý, chờ phiên phúc thẩm công tâm

Theo đó, năm 1979 vợ chồng ông Trí đã mua lại phần đất diện tích 47m2 của bà Đỗ Thị Quí (được UBND thị trấn Thủ Đức xác nhận và cấp số nhà 64/1A). Tiếp đến, năm 1981, ông Trí tiếp tục mua thêm phần đất bên cạnh và hợp thức hóa thành một để sử dụng. Việc này cũng được địa phương xác nhận và cho đóng phí trước bạ.

đất 1
Mảnh đất tranh chấp tọa lạc tại số 189/4 Đặng Văn Bi, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức.

Đang yên lành thì năm 2016 “bỗng nhiên” xuất hiện 2 ông Trần Văn Nhạc (địa chỉ 24A/33 Nguyễn Cảnh Chân, P. Cầu Kho, Q.1) và Trần Văn Khải (ngụ tại số nhà 33 đường 20, P. An Bình, Q.2) khởi kiện. Nguyên đơn nói rằng phần đất mà gia đình ông Trí đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của cha mình là ông Trần Văn Luân (đã mất), yêu cầu ông Trí đền bù giá trị phần nhà đất, đồng thời buộc bàn giao lại phần đất trống chưa xây dựng. Tưởng chừng yêu cầu vô lý sẽ không được chấp nhận, tuy nhiên TAND Q.Thủ Đức đã bất ngờ chấp nhận yêu cầu nguyên đơn và buộc gia đình ông Trí phải đền bù cho nguyên đơn số tiền gần 8 tỷ đồng.

Cho rằng mảnh đất đã được chuyển nhượng từ lâu, đồng thời việc mua bán cũng được chính quyền công nhận, cho phép. Ông Trí đã bác bỏ hoàn toàn yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn Nhạc và Trần Văn Khải, cũng như kết luận trong bản án của TAND Q.Thủ Đức. Đồng thời, sẽ có đơn khiếu nại, tố cáo các vấn đề khuất tất của vụ án đến cơ quan công quyền và yêu cầu mở phiên xét xử phúc thẩm tại TAND TP.HCM để đòi lại công bằng. TAND TP.HCM hiện đã chấp nhận kháng cáo và sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vào ngày 7/11 tới đây. Ông Trí cho biết, ông kỳ vọng và đặt trọn niềm tin về sự công tâm của phiên toà phúc thẩm.

Toà sơ thẩm buộc bị đơn “mua” lại đất của chính mình!

Theo ông Trí, đã quá thời hạn để phía nguyên đơn có khiếu kiện về quyền sử dụng đất, đồng thời việc khởi kiện cũng quá sức vô lý. Bởi, ông Trần Văn Luân (cha của nguyên đơn) đã hoàn thành việc mua bán, thu tiền huê lợi với tất cả các hộ xâm canh từ năm 1976 - 1977 và từ đó về sau không có bất kỳ khiếu kiện đối với các hộ này. Chính vì vậy vào những năm 1979, 1981 khi ông Trí đã mua lại nhà, đất của bà Quí và ông Luân đã không khiếu kiện gì. Đến năm 2016 ông Nhạc và ông Khải (con ông Luân) mới đưa đơn khởi kiện gia đình ông Trí về việc “Tranh chấp quyền sử dụng nhà, đất”.

đất 2
Bị đơn, ông Phạm Văn Trí tỏ ra vô cùng bức xúc vì nhận thấy TAND Q.Thủ Đức xét xử thiếu công tâm.

“Tại sao thời điểm diễn ra các giao dịch mua bán cha của nguyên đơn còn sống không có ý kiến gì. Rồi việc sở hữu của chúng tôi cũng được Nhà nước chấp nhận thì tại sao đùng một cái gần 40 năm sau 2 nhân vật này lại xuất hiện kiện tụng tranh chấp, họ có ý đồ gì. Chúng ta thấy rõ ràng là vô lý như vậy nhưng không hiểu TAND Q.Thủ Đức căn cứ vào đâu để tuyên buộc tôi đền bù tiền bằng giá trị đất ở thời điểm hiện tại. Điều này như buộc chúng tôi mua lại đất của chính mình, hay đúng hơn là mua đất thêm lần nữa!” - ông Trí bức xúc.

Chia sẻ với phóng viên về hương giải quyết vụ việc, ông Trí không giấu được sự buồn bã. Ông cho rằng, nếu bản án sơ thẩm ngày 16/7/2018 của TAND Q.Thủ Đức được giữ nguyên thì xem như tòa án đã triệt đường sống của gia đình ông và những công sức cải tạo, đăng ký nhà đất theo quy định của pháp luật suốt 40 năm qua sẽ “đổ sông, đổ bể”.

Được biết, khi mua lại căn nhà, mảnh đất vào các năm 1979, 1981 nơi đây chỉ tồn tại một căn nhà nhỏ còn lại toàn bộ là rau muống và cỏ mọc hoang. Gia đình ông Trí đã phải tốn rất nhiều công sức để tôn tạo, kê khai, đóng thuế trước bạ đối với phần đất này mới được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư. Sau quá trình sử dụng mảnh đất một cách liên tục, đến năm 2005 gia đình ông mới được UBND Q.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bà Phạm Thị Nguyệt (con ông Trí) nói: “Từ khi bà Quý sử dụng đất cho đến lúc gia đình tôi mua lại thì bên phía nguyên đơn đều biết rõ. Vậy tại sao trong khoảng thời gian đó không có bất kỳ khiếu kiện nào? Những chỉ thị kê khai đất đai từ Chính phủ, nộp thuế theo quy định của Nhà nước, lý do gì mà phía nguyên đơn không thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong một khoảng thời gian dài như vậy? Điều này đang chứng tỏ việc ông Luân (cha của nguyên đơn) đã không còn nguyện vọng đòi lại đất và tất cả khiếu nại, tranh chấp với các hộ xâm canh đã được ông ấy hoàn vào các năm 1976, 1977 rồi!”.

Theo Luật sư Trịnh Đức Duy, Đoàn Luật sư TP.HCM, Điều 4 Luật Đất đai 1987 đã quy định về nghĩa vụ người sử dụng đất có trách nhiệm thực hiện các chính sách của Nhà nước nhằm bảo vệ, cải tạo, bồi bổ và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm. Người sử dụng đất phải nộp thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Còn Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì Điều 4, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 có quy định về người nộp thuế: Người nộp thuế là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 của Luật này; Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

Như vậy, xét về luật, thì gia đình ông Trí đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ người sử dụng đất và được công nhận quyền sử dụng đất là hoàn toàn đúng. Trong khi đó, phía nguyên đơn lại không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào. Rõ ràng, cần phải xem xét lại tư cách của phía nguyên đơn trong vụ tranh chấp này.

Sông Trường - Võ Nguyễn

 

 


Nên đọc

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.