Thứ hai, 23/09/2019, 18:33 PM

TS. Đào Lê Na - “Nguồn năng lượng” tích cực của sinh viên

(NTD) - Với vai trò của một nhà nghiên cứu nghệ thuật, trong những năm gần đây TS. Đào Lê Na đã có nhiều hoạt động nổi bật trong các lĩnh vực: Điện ảnh, sân khấu. Mới đây, cô xuất bản tác phẩm “Tự sự của hạt mưa” - quyển tiểu thuyết được ấp ủ từ năm 2016. Qua những công trình, dự án mang tính tiếp nối, TS. Đào Lê Na là một giảng viên được nhiều sinh viên quý mến, vì các bạn luôn cảm nhận ở cô sức trẻ và nguồn năng lượng tích cực.

907
TS. Đào Lê Na.

PV: Những tác phẩm đã phát hành trước đây của cô đa phần là những công trình nghiên cứu về điện ảnh. Vậy tại sao lần này cô lại ra mắt một tác phẩm văn chương và đâu là nguồn cảm hứng để “Tự sự của hạt mưa” ra đời?

Thực ra, chuyên môn của tôi là văn học và điện ảnh. Tôi chỉ mới có duyên với điện ảnh trong khoảng 9 năm gần đây nhưng văn học là mối duyên mà tôi đã gắn bó từ nhỏ đến giờ. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ rời xa công việc nghiên cứu văn chương. Những quan tâm điện ảnh của tôi cũng xuất phát từ văn chương và những bộ phim tôi nghiên cứu chủ yếu là những bộ phim cải biên từ tác phẩm văn chương.

“Tự sự của hạt mưa” ra đời từ nhiều nguồn cảm hứng khác nhau, từ câu chuyện của một người bạn thân với những quan điểm về đời sống, hôn nhân, gia đình rất dễ bắt gặp ở người phụ nữ Việt Nam thế hệ mẹ hoặc bà của tôi. Tôi muốn soi chiếu trải nghiệm của tôi và bạn để tự khám phá bản thân. Nguồn cảm hứng thứ hai là chuyến đi Myanmar, trong chuyến đi đó bắt gặp một số hình ảnh của nước bạn, tôi thấy lại Việt Nam của ngày xưa. Phải thừa nhận, tôi luôn cảm thấy đau nhói khi nhìn về quá khứ, những điều mà tôi không bao giờ có thể chạm vào được, chỉ có thể bắt gặp lại trong những hình ảnh tương tự. Điều này cũng trùng khớp với vấn đề “ký ức tập thể” mà tôi đang nghiên cứu. Nó giúp tôi đặt lại câu hỏi: Quốc gia là gì? Nữ quyền phương Đông là gì? Nhờ đó tìm ra được cấu trúc phù hợp để kết nối các vấn đề lại với nhau và “nói những điều cần nói”, đưa những vấn đề còn thắc mắc vào trong truyện.

910
Cô là chủ nhiệm của dự án truyền dạy cải lương miễn phí cho thanh thiếu niên "Tiếp bước trăm năm".

PV: Văn học hay nhiều loại hình nghệ thuật khác thường được chia thành hai trường phái hàn lâm hoặc thị trường. Khi sáng tác cô hướng tác phẩm của tôi đến nhóm độc giả nào? Và cô có một sự “tính toán” nào đó để cân bằng cả hai yếu tố trên nhằm mở rộng đối tượng độc giả?

Tôi không hướng đến nhóm độc giả nào cụ thể cả. Chỉ muốn sáng tác của mình trước hết là những điều muốn chia sẻ trong hình thức một câu chuyện. Khi dạy các bạn sinh viên những môn liên quan đến mỹ học, nghệ thuật học, tôi thấy các bạn tiếp thu nhanh nhưng dễ quên. Nếu với những vấn đề đó, đưa vào văn chương thì có thể khiến các bạn suy ngẫm về nó lâu hơn. Với tôi, một tác phẩm văn học thực sự thì nên để độc giả cùng suy ngẫm, cùng tư duy và đối thoại với văn bản. Điều thú vị nhất của văn chương chính là những khoảng trống từ văn bản mà mỗi độc giả khi đọc có thể lấp đầy vào đó. Với “Tự sự của hạt mưa” tôi đang trải nghiệm cảm giác đó.

Mọi người thường biết đến tôi là người nghiên cứu và giảng dạy điện ảnh chứ ít biết tôi giảng dạy môn “Thưởng thức và sáng tác truyện ngắn - tiểu thuyết” cho sinh viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn. Nhờ giảng dạy môn học này, bản thân tôi cũng học được nhiều điều cho việc sáng tác thông qua các buổi thảo luận với sinh viên hoặc tìm hiểu công việc sáng tác từ các nhà văn nổi tiếng trên thế giới. “Tự sự của hạt mưa” là tác phẩm có tính toán về cấu trúc. Nhưng không phải để mở rộng độc giả mà để những điều tôi muốn chia sẻ được phát huy tối đa. Tôi hoàn toàn hài lòng với cấu trúc này của tác phẩm.

908
"Tự sự của hạt mưa" được ra mắt vào năm 2019.

PV: Còn rất trẻ nhưng cô là người sáng lập, điều hành nhiều dự án về điện ảnh, sân khấu kịch, cải lương… Có bao giờ cô nghĩ tôi sẽ e dè trước những ý kiến cho rằng việc đảm đương nhiều công việc, nhiều lĩnh vực khác nhau thì kết quả mang về sẽ không thực sự hoàn hảo nhất?

Đây là câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho tôi. Thực ra, nếu để ý một chút thì các công việc tôi đang làm đều rất liên quan với nhau. Tôi chỉ làm việc dựa trên nguồn cảm hứng nghệ thuật. Những điều tôi đang làm đều thuộc lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo, dù phương diện lý thuyết hay thực hành, cá nhân hay cộng đồng.

Chữ hoàn hảo với tôi chỉ là một cách nói vì không có bất cứ công trình nào được xem là hoàn hảo cả. Điều quan trọng là tôi cố gắng để nó hoàn hảo nhất trong khả năng của tôi. Cứ mỗi lần làm xong việc gì, tôi cũng đều rút ra được những bài học kinh nghiệm để những lần sau, tôi sẽ có thể làm tốt hơn. Ngoài ra, nhờ làm nhiều việc mà tôi lại có thêm nhiều “chất liệu” để đưa vào tiểu thuyết.

PV: Là một người trẻ đi trước, cô có thể chia sẻ quan điểm của tôi về việc người trẻ cần phải làm những gì để thực hiện ước mơ của tôi?

Tôi thấy hiện nay có nhiều bạn trẻ rất giỏi. Khoảng thời gian từ 18-35 tuổi là khoảng thời gian có thể làm được rất nhiều việc. Vì vậy, cứ thử để làm được những điều mình muốn. Khi nào các bạn tìm ra được điều bạn yêu thích là gì thì cần nuôi dưỡng đam mê đó. Tuy nhiên, dù làm gì cũng cần chăm sóc bản thân, chú ý tới sức khỏe thì mới đi trên con đường lâu dài được.

TS. Đào Lê Na - sinh năm: 1986

Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn.

Đồng thời, cô đang giảng dạy tại các trường: Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Hoa Sen, thỉnh giảng cho các khóa học ngắn hạn viết kịch bản của CMA, Dreamtime productions…

Sách đã xuất bản: “Chân trời của hình ảnh: Từ văn chương đến điện ảnh qua trường hợp Kurosawa Akira” (2017), “Điện ảnh Nhật Bản và Việt Nam đương đại: Giao lưu văn hóa và ảnh hưởng” (chủ biên, 2019), “Tự sự của hạt mưa” (tiểu thuyết, 2019).

Kịch bản đã sản xuất trên HTV: “Đi giữa mùa xuân”, “Mùa nước mặn ngọt ngào”, “Mứt… đắng!”, “Vòng quay yêu thương”, “Những trang sách quý”…

Tháng 3/2018, cô trở thành Trưởng ban tổ chức tiểu ban “Cải biên văn chương điện ảnh như là đối thoại xuyên quốc gia ở châu Á” tại Hội nghị nghiên cứu châu Á thường niên AAS, Hội nghị nghiên cứu châu Á lớn nhất thế giới tổ chức ở Washington, Mỹ. Tiểu ban tập hợp các nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông.

Tháng 7/2018, cô là 1 trong 24 học giả trẻ được lựa chọn từ các nước và khu vực: Mỹ, Nhật Bản, Đông Nam Á tham gia khóa học nghiên cứu mùa hè tại Nhật Bản, khóa học được tài trợ bởi Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Japan Foundation.

Cô cũng là người sáng lập và điều hành Liên hoan phim ngắn FY dành cho các nhà làm phim trẻ Việt Nam, Sân khấu kịch Văn khoa, đồng sáng lập và điều hành YUME Art Project - dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo dành cho cộng đồng, nổi bật nhất là chương trình truyền dạy cải lương miễn phí cho thanh thiếu niên “Tiếp bước trăm năm” tại TP.HCM.

 Đức Tiến

 

 
 

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng rộng rãi cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên

Ứng dụng rộng rãi cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:53

(CL&CS) - Ngày 15/4, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) đã tổ chức "Hội thảo quốc tế lần đầu tiên về cây dược liệu và hợp chất thiên nhiên". Sự kiện này kéo dài từ ngày 15/4 đến 17/4.

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:53

(CL&CS) - Biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt là chất lượng nước ngày càng suy giảm. Bởi vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật mới về nước có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Hà Tĩnh: Thêm 2 mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

Hà Tĩnh: Thêm 2 mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 09:53

(CL&CS) - Sở TN&MT Hà Tĩnh vừa phối hợp với Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) và các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương bàn giao mốc ranh giới khu vực mỏ đất san lấp tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên và mỏ đất san lấp tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc để phục vụ thi công các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.