Trái phiếu hút hàng, doanh nghiệp tranh thủ huy động vốn rẻ

(NTD) - Những tháng đầu năm 2019, khi thị trường chứng khoán còn đang xập xình thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp khởi sắc đáng kể. Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã phát hành thành công hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu, giúp thị trường này tăng trưởng gần 3 lần trong 4 năm qua.

1

VPBank đã phát hành 5.600 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất chỉ nằm trong khoảng 6,4-6,9%/năm.

VPBank phát hành nhiều nhất

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là đơn vị phát hành số lượng trái phiếu thành công nhất trong thời gian qua. Với 5.600 tỷ đồng, trái phiếu VPBank chiếm hơn 30% tổng lượng trái phiếu của khối ngân hàng đã phát hành. Nhóm ngành này đã bán ra 17.600 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2019.

Cùng với ngân hàng, chứng khoán và bất động sản là nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công nhất, chiếm 82% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp cả thị trường. Điển hình là CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với 299 tỷ đồng trong tháng 4 với lãi suất lên đến 14,45%/năm. Đầu tháng 6/2019, doanh nghiệp này lên kế hoạch phát hành tiếp 700 tỷ đồng nữa nhưng thời gian đáo hạn dài hơn. Dẫn đầu lượng phát hành trong nhóm chứng khoán là CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VNDirect) với giá trị 1.460 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 1-3 năm.

Lĩnh vực sản xuất cũng phát hành được khá nhiều trái phiếu với số lượng lớn. Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), đầu năm 2019, CTCP Cơ điện lạnh (REE) đã bán ra thành công 2.320 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất chỉ 7,3%/năm. Ngoài ra, CTCP Thương mại Đầu tư Sản xuất HN (HN Trading) cũng phát hành được khoản trái phiếu lớn có giá trị 600 tỷ đồng.

2

Quy mô thị trường trái phiếu quý 1/2019.

Thời điểm thuận lợi cho trái phiếu

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, thị trường trái phiếu đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Kể từ giữa năm 2018, thị trường chứng khoán đi vào giai đoạn điều chỉnh lớn nhưng thị trường trái phiếu lại nóng lên. Nguyên nhân đến từ những lo ngại về bất ổn của nền kinh tế toàn cầu cũng như biến động về tỷ giá và lãi suất.

Có thể thấy sự hấp dẫn của thị trường này qua nhiều yếu tố. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp sản xuất phát hành trái phiếu với số lượng lớn mà không cần tài sản bảo đảm, như REE hay HN Trading. Hầu hết các ngân hàng cũng vậy. Ngoài năng lực huy động vốn tốt, chỉ những doanh nghiệp đầu ngành có uy tín kinh doanh lâu năm mới làm được điều này.

Điểm thứ hai là không ít đơn vị dù phát hành trái phiếu khối lượng lớn nhưng với lãi suất rất “mềm”. Điển hình là VPBank trong khối ngân hàng hay REE trong khối sản xuất. VPBank phát hành 5.600 tỷ đồng không có tài sản bảo đảm, tức độ rủi ro của trái phiếu khá cao, nhưng lãi suất chỉ nằm trong khoảng 6,4-6,9%/năm. Trong tháng 6/2019, hầu hết các ngân hàng đều duy trì lãi suất tiền gửi khoảng 6-8%/năm. Nghĩa là ngân hàng này đã phát hành trái phiếu ở mức lãi suất tối thiểu nhưng vẫn có người mua. Với trái phiếu lãi suất thấp vẫn có những luồng vốn đầu tư có lãi suất thấp hơn (đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản) tìm đến, nhưng đơn vị phát hành phải thật sự “chất lượng”.

Một yếu tố khác đến từ chuyển động trong định hướng phát triển hệ thống ngân hàng. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương kiểm soát chặt nguồn tín dụng vào bất động sản, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong các khoản cho vay. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cũng không quá cao, buộc các ngân hàng phải tìm nguồn đầu tư an toàn. Hơn nữa, tăng vốn an toàn còn là mục tiêu mà một số ngân hàng hàng đầu hướng đến để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II sắp được áp dụng chính thức từ đầu năm 2020. Điều này cũng giải thích chuyện hầu hết các ngân hàng đều chú trọng chỉ tiêu tăng vốn và đề ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 khá khiêm tốn.

Vẫn còn điểm nghẽn

Theo ông Lê Đức Khánh, không nhiều doanh nghiệp sản xuất phát hành được trái phiếu mà phải tìm cách huy động vốn khác có chi phí cao hơn như đi vay ngân hàng. Ngoài việc quy mô chưa đủ lớn, không có tài sản bảo đảm là rào cản dễ thấy nhất. Một số doanh nghiệp tuy lớn nhưng không có tài sản bảo đảm, vẫn có thể phát hành được nhưng chịu lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng.

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), trong 4 năm qua, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng 2,6 lần. Tính đến hết quý 1/2019, dư nợ trái phiếu là 4,34 tỷ USD, tương đương 1,8% GDP. Mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra đến năm 2020, dư nợ thị trường này sẽ chiếm 7% GDP. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ thực hiện do còn nhiều điểm nghẽn.

Trước hết, luật hiện hành chưa bắt buộc trái phiếu doanh nghiệp phải được xếp hạng tín nhiệm, bởi trong nước chưa có đơn vị xếp hạng tín nhiệm nào. Điều này vô tình hạn chế quy mô của thị trường trái phiếu. Hiện doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu thường phải nhờ ngân hàng thu xếp, trừ một số doanh nghiệp lớn có thể tự tìm đối tác. Điều này cũng lý giải vì sao các công ty chứng khoán có vốn đầu tư của ngân hàng lại đứng đầu thị trường về tư vấn trái phiếu trong thời gian dài.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng đang dần cải thiện các điểm nghẽn này. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đang xây dựng chuyên trang về trái phiếu doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho thị trường này phát triển. Ngoài ra, Luật Bảo hiểm Xã hội cũng điều chỉnh để cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư vào các trái phiếu an toàn, góp phần mở rộng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

HOÀNG YẾN

 

Bình luận

Nổi bật

Thị trường BĐS quý đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc

Thị trường BĐS quý đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:35

Nhìn tổng quan thị trường bất động sản quý I đầu năm nay đã có tín hiệu khởi sắc khi hàng loạt động thái trợ lực giúp thị trường bất động sản khởi sắc như chính sách ưu đãi, lãi suất ngân hàng giảm, cùng với đó, thị trường cũng ghi nhận sự tái khởi động của hàng loạt dự án cũ và nhiều chủ đầu tư rốt ráo “bung hàng.”

Doanh nghiệp bất động sản đã “bớt khổ” nhưng vẫn “còn khó”?

Doanh nghiệp bất động sản đã “bớt khổ” nhưng vẫn “còn khó”?

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:34

Đã hết quý I/2024 nhưng những khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt là vẫn còn, trong đó dòng tiền vẫn là vấn đề đâu đầu với doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức cũng đồng nghĩa với việc sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực khi trải qua giai đoạn khó khăn này.

Thực trạng trên thị trường bất động sản: “Càng chờ giá càng tăng”

Thực trạng trên thị trường bất động sản: “Càng chờ giá càng tăng”

sự kiện🞄Thứ năm, 28/03/2024, 15:31

Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường bất động sản đó là thu nhập của người dân vẫn không “đuổi kịp” giá nhà. Trong khi ai cũng có tâm lý chờ giá giảm rồi mới mua nhưng trong suốt thời gian qua “càng chờ giá lại càng tăng cao”. Và cứ như thế khi tiền để dành mua nhà thì khi đó giá nhà đã ở mức cao ngất ngưởng rồi.