Thứ ba, 10/11/2020, 16:25 PM

Thực thi nghĩa vụ Minh bạch hóa trong vấn đề cải cách WTO

(CL&CS) - Như chúng ta đã biết Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 11 vào tháng 12/2017 không thành công đã khiến các nước chuyển sang đưa ra nhiều sáng kiến liên quan tới thương mại điện tử, thuận lợi hoá đầu tư, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và quy định trong nước trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra đầu năm 2018 thì đến tháng 5/2018 diễn đàn WTO bắt đầu xuất hiện các vấn đề cải cách từ EU và Canada. Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có thể đẩy đến đỉnh điểm như hiện nay chính là từ quan điểm của Mỹ đối với vấn đề toàn cầu hoá. Hoa Kỳ đã trì hoãn và ngăn chặn việc bầu thành viên cho Cơ quan phúc thẩm giải quyết tranh chấp của WTO khiến cơ quan này không đủ nhân sự để hoạt động và đưa ra phán quyết, trong đó có cả phán quyết các hành động của Hoa Kỳ.

1

Đến tháng 8/2018 thảo luận của WTO xoay quanh vấn đề cải cách tập trung vào 3 nội dung chính:

-   Giải quyết khủng hoảng liên quan tới Cơ quan phúc thẩm: Cơ quan phúc thẩm chính là một trong những điểm cộng của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO so với Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) 1947. Việc không thể bầu thành viên Cơ quan phúc thẩm do sự trì hoãn của Hoa Kỳ cho thấy sức ép lên toàn bộ hệ thống WTO về việc cần thiết phải cải cách tổ chức này.

-   Minh bạch và tăng cường nghĩa vụ thông báo: Đây là một nội dung được Hoa Kỳ đề xuất từ tháng 10/2017 và được nhiều nước thành viên WTO như Liên minh Châu Âu EU, Nhật Bản, Argentina, Úc… ủng hộ. Về cơ bản đây là những sáng kiến đưa ra để đảm bảo nghĩa vụ minh bạch hoá được thực thi tốt nhất tại WTO, như việc đề xuất bổ sung chế tài “naming, shaming and financial penalty” đối với các thành viên không tuân thủ hoặc chậm chễ thực hiện nghĩa vụ này.

2

-   Rà soát lại tư cách thành viên Đang phát triển: Đây cũng là một trong các đề xuất của Hoa Kỳ trong việc cải cách WTO nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các nước đang phát triển và phát triển. Trong đó Hoa Kỳ đưa ra những đề xuất loại trừ một nửa số thành viên là nước đang phát triển đang được hưởng ưu đãi đối xử đặc biệt và khác biệt (Special and Different treatment – S&D) với các tiêu chí loại trừ bao gồm: là nước thu nhập cao thuộc Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), là nước Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), là nước được Ngân hàng Thế giới (World Bank) xếp là nước thu nhập cao và là nước có thương mại hàng hoá trên 0.5% tổng thương mại thế giới (Việt Nam là một trong những nước thuộc nhóm này).

Liên quan tới minh bạch hoá, các đề xuất liên quan tới các sáng kiến nhằm tăng cường thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá hiệu quả được một loạt các nước thành viên WTO bao gồm Hoa Kỳ, Ắc-hen-ti-na, Úc, Cốt-xta-ri-ca, EU, Đài Loan và Nhật Bản đưa ra, dựa trên đề xuất lần đầu tiên của Hoa Kỳ tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11. Hoa Kỳ đã trình bày trong dự thảo về việc nhiều nước Thành viên WTO không đáp ứng nghĩa vụ minh bạch hoá do không thông báo về các chính sách liên quan tới thương mại và việc này đã làm giảm vai trò của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Đề xuất của Hoa Kỳ được xem là một nỗ lực để tăng cường thực thi hơn nữa các quy định về thông báo, truyền cảm hứng cho hoạt động của WTO.

Trên cơ sở đề xuất ban đầu của Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng đã có những đề xuất liên quan tới minh bạch hoá tập trung vào nghĩa vụ thông báo. Trung Quốc cho rằng hiện nay việc thực hiện nghĩa vụ thông báo của các nước Thành viên WTO vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.Trung Quốc đề xuất, trước hết các nước phát triển cần đóng vai trò nêu gương trong việc gửi thông báo kịp thời, chính xác.Thứ hai, các nước thành viên cần cải thiện chất lượng bản thông báo.Thứ ba, các nước Thành viên cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm về việc thực hiện thông báo. Thứ tư, Ban thư ký WTO nên cập nhật thông tin trong cuốn Cẩm nang hợp tác kỹ thuật về thông báo càng sớm càng tốt và thực hiện đào tạo tập huấn về vấn đề này. Thứ năm, các nước Thành viên là nước đang phát triển cần khuyến khích tăng cường thực thi nghĩa vụ thông báo.Các nước đang phát triển, đặc biệt nước kém phát triển, cần được hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực nếu không thể thực hiện nghĩa vụ về thông báo kịp thời, chính xác.

Theo Aileen Kwa và Peter Lunenborg (Báo cáo nghiên cứu về vấn đề thông báo và minh bạch trong WTO và quan điểm của Hoa Kỳ tháng 11/2018, Chương trình phát triển thương mại (TDP), Trung tâm nghiên cứu phương nam Hoa Kỳ) không một nước thành viên WTO nào hiện nay tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thông báo, kể cả các nước phát triển. Ví dụ theo số liệu của Ban thư ký WTO trong tài liệu G/AG/GEN/Rev.34, trong giai đoạn 2016-2018, Úc đáp tuân thủ 96%, Canada 87%, EU 91% và Hoa Kỳ 96%.

Vào tháng 6 năm 2019, một loạt các nước gồm Ắc-hen-ti-na, Ca-na-đa, Cốt-xta-rica, EU, Nhật Bản, Niu-di-lân, Đài Loan Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đưa ra một số các bước đề nghị áp dụng đối với các nước Thành viên không tuân thủ nghĩa vụ minh bạch hoá gồm:

-       Các nước Thành viên nêu tên những nước chậm thông báo;

-       Đại diện của nước Thành viên bị nêu tên phải trả lời sau khi tất cả các nước đã nêu ý kiến (nhưng trước phần nêu ý kiến của các quan sát viên);

-       Khi nước chậm thông báo nêu ý kiến trong cuộc họp Đại hội đồng nước đó phải được xác định rõ;

-       Ban thư ký sẽ phải báo cáo thường xuyên cho Hội đồng thương mại hàng hoá về tình trạng thông báo của các nước thành viên;

-       Đại diện của nước Thành viên chậm thông báo sẽ không được đề cử vào vị trí chủ trì các tổ chức của WTO.

Thậm chí, nếu vẫn chậm thực hiện nghĩa vụ thông báo, các nước sẽ phải nộp phí với mức bổ sung 5% trên tổng mức đóng góp thông thường của Thành viên cho ngân sách của WTO. Phí phạt này sẽ được sử dụng vào mục đích hỗ trợ kỹ thuật về nghĩa vụ thông báo thông qua Viện hợp tác kỹ thuật và đào tạo (ITTC) của WTO.

Liên quan tới hàng rào kỹ thuật trong thương mại TBT, Uỷ ban TBT WTO được đánh giá là một trong các Uỷ ban hoạt động hiệu quả nhất của WTO. Các phiên họp của Uỷ ban TBT là diễn đàn để các nước Thành viên đưa ra những ý kiến góp ý của mình đối với các biện pháp TBT của các nước Thành viên khác. Đây cũng là cơ hội để các nước làm việc song phương, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thương mại do những chính sách liên quan tới TBT gây ra. Việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá hay thông báo là một trong những nghĩa vụ quan trọng của Hiệp định TBT đảm bảo tính dễ dự đoán của các biện pháp TBT khi xây dựng và ban hành, qua đó giảm thiểu các tác động thương mại không cần thiết. Những kinh nghiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá của Hiệp định TBT để cải thiện hoạt động của Ủy ban TBT và nhân rộng ra các cơ quan khác của WTO cũng là một trong các đề xuất, sáng kiến mà các nước Thành viên WTO đưa ra trong quá trình nêu ý kiến về việc cải cách WTO. Tuy nhiên, như thực tế đã nêu ở trên, không phải nước Thành viên WTO nào cũng thực hiện tốt nghĩa vụ minh bạch hoá hay thông báo về TBT, kể cả các nước phát triển. Để có thể thực hiện được các sáng kiến mà các nước đã nêu ở trên đối với việc thông báo TBT không phải dễ dàng vì theo Hiệp định TBT các nước có thể không cần thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá nếu đánh giá biện pháp của mình được xây dựng và ban hành không gây cản trở thương mại quá mức cần thiết để nhằm thực hiện các mục tiêu hợp pháp của nước đó như bảo vệ sức khoẻ, an toàn của người dân, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường… Trên thực tế, nhiều nước thành viên WTO đã lý luận và giải trình về việc không thực hiện nghĩa vụ minh bạch hoá của mình bằng cách giải thích biện pháp của mình không gây rào cản không cần thiết cho thương mại, không cản trở thương mại và đang được xây dựng nhằm mục tiêu hợp pháp.

Như vậy có thể thấy để nghĩa vụ minh bạch hoá thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc tạo ra môi trường thương mại dễ dự đoán và giúp thuận lợi hoá thương mại, bản thân các nước Thành viên WTO là nước phát triển cần phải tuân thủ triệt để, nêu gương vì đây là những nước đã có đầy đủ cơ sở để thực hiện nghĩa vụ. Các nước đang phát triển cần được hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt trong việc nâng cao vai trò của Cơ quan thông báo quốc gia tại các nước Thành viên, giúp Chính phủ các nước hiểu rõ vai trò của các cơ quan này trong việc thực thi nghĩa vụ minh bạch hoá của nước mình. Thêm vào đó, các nước Thành viên WTO cũng cần tích cực nêu sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt về minh bạch hoá làm cơ sở để các nước Thành viên WTO khác thực hiện./.

Ths.Tôn Nữ Thục Uyên -Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam

Bình luận

Nổi bật

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Công ty WPP bị xử phạt hành chính do vi phạm trong hoạt động quảng cáo

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 10:21

(CL&CS) - Ngày 17/4/2024, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 55/QĐ-XPVPHC đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP (Công ty WPP) do có nhiều sai phạm trong hoạt động quảng cáo.

Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ dược phẩm Đông Á

Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ dược phẩm Đông Á

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 10:23

(CL&CS) - Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ban hành Quyết định số 914/QĐ-BYT về việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ dược phẩm Đông Á.

[Infographic] Những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân

[Infographic] Những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 10:22

(CL&CS) - Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng lừa đảo trên mạng là do nhận thức của người sử dụng. Do đó, người dân cần nắm vững những kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.