Dữ liệu cũ
Thứ năm, 10/09/2020, 11:32 AM

Thêm nhiều kỳ vọng cho hạt gạo Việt

(CL&CS) - Giá lúa tươi tăng cao, giá gạo xuất khẩu cũng tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011, thị trường EU đang rộng mở với hạt gạo Việt khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực… là những thông tin tốt về ngành lúa gạo trong những ngày qua, kỳ vọng sẽ mở đường cho hạt gạo Việt vươn ra thế giới.

Tháng 8/2020, giá xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8. Đây là một thông tín tích cực, bởi trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn.

Dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 của nước ta sẽ đạt từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Nông dân trồng lúa, thương gia bán lúa đều… phấn khởi

Vừa thu hoạch xong gần 4ha lúa Hè Thu, ông Trần Văn Hào (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) mua ngay một chiếc điện thoại gần 20 triệu đồng để làm quà tặng thưởng cho cô con gái mới thi tốt nghiệp THPT đạt điểm khá cao. Theo ông Hào, trong gần 30 năm làm lúa, chưa bao giờ thấy giá lúa tốt như thế này. “Với mức giá nhảy lên 6.100 đồng/kg, thu hoạch được 26 tấn, trừ tất cả chi phí tôi còn lời gần 140 triệu đồng", ông Hào chia sẻ.

Giá lúa tăng cao khiến nhiều nông dân trồng lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất hồ hởi. Anh Nguyễn Hoàng Tân (xã Vĩnh Hậu, huyện An Phú, tỉnh An Giang), cũng vui vẻ cho biết vụ Hè Thu này anh thuê 3ha đất trồng lúa giống Đài Thơm 8, được khoảng 17 tấn, bán được giá 6.300 đồng/kg.

"Đây là lần đầu tui thấy giá lúa trong vụ hè thu cao hơn vụ đông xuân. Trả chi phí thuê đất, công cán… tui cũng lời được gần 50 triệu đồng", anh Tân nói.

Theo tìm hiểu, trên thị trường giá lúa tươi khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang được thu mua với giá cao. Cụ thể, lúa OM có mức 6.200 đồng/kg; lúa OM 6976: Giá 6.150 đồng/kg; IR 504: Giá 6.100 đồng/kg; Jasmine: 6.300 đồng/kg; lúa OM 9577 và OM 9582: Giá 6.100 đồng/kg; Đài Thơm 8: Giá 6.300 đồng/kg; Nàng Hoa 9: Giá 6.500 đồng/kg; OM: Giá 5451 6.100 đồng/kg…

Việc lúa tươi được thu mua với giá cao những ngày qua xuất phát từ việc giá gạo xuất khẩu thời gian gần đây rất khả quan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480-490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm cũng đạt hơn 487 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Lúa gạo ĐBSCL
 

Quy định chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2020/NĐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu.

Nghị định này quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm thuộc Danh mục quy định tại điểm 8 tiểu mục 1 mục B Phụ lục 2-A của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA) được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU)

Theo đó, điều kiện chủng loại gạo thơm được chứng nhận gồm:

1- Gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng (tổ/thôn, phường/xã, quận/huyện/thị xã, tỉnh/thành phố).

2- Lô ruộng lúa thơm được kiểm tra bảo đảm độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.

Nghị định cũng quy định về kiểm tra lô ruộng lúa thơm. Theo đó, lô ruộng lúa thơm được kiểm tra 1 lần trong thời gian 20 ngày trước khi thu hoạch và được lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định. Phương pháp kiểm tra độ thuần giống lúa thơm theo quy định. Mỗi lô ruộng lúa thơm kiểm tra được ghi Mã hiệu.

Tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng được công nhận theo quy định tại Điều 21 Luật Trồng trọt và Điều 7 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác thực hiện kiểm tra lô ruộng lúa thơm.

Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại, hủy bỏ Giấy chứng nhận chủng loại gạo thơm là Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Lý giải về việc giá gạo tăng cao thời gian qua, ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, cho rằng, ngoài tâm lý tích trữ lương thực khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng thời tiết bất lợi, phải ghi nhận cũng nhờ sự kiện gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới cuối năm 2019 mà giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thay đổi thứ hạng. Theo đó, không chỉ trong nước, nhiều người tiêu dùng nước ngoài cũng khát khao được một lần thưởng thức loại gạo được xếp hạng là ngon nhất thế giới.

"Có rất nhiều yếu tố gộp lại để hạt gạo Việt vươn tầm thế giới với giá cao như hiện nay. Không chỉ gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn Thái Lan mà gạo thơm ST cũng đang vượt qua ngưỡng 1.000 USD/tấn. Đây thật sự là cơ hội tốt cho hạt gạo VN mở rộng thị trường", ông Chiêu kỳ vọng.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cũng nhận định, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhu cầu trên thế giới tăng cao trong khi nguồn cung hai nước Ấn Độ, Thái Lan vẫn bị hạn chế. Một điểm nữa là chất lượng gạo Việt Nam năm nay rất cao, đặc biệt là gạo thơm, nên kéo giá gạo tăng lên.

Chuyên gia này dự báo, từ nay đến cuối năm, dự báo giá gạo xuất khẩu của VN sẽ vẫn giữ ở mức cao nếu Thái Lan không đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

"Theo đánh giá chung thì giá gạo xuất khẩu Việt Nam có thể tăng nữa vì một số nước giảm xuất khẩu trong khi nhu cầu trên thế giới tăng cao", ông Tùng dự báo.

Ngoài ra, trước tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa đang có lợi cho nông dân bởi khả năng xuất khẩu tốt. Mùa nước lũ ở ĐBSCL năm 2020 được dự báo thấp hơn trung bình hàng năm nên áp lực bảo vệ lúa ở các vùng đê bao lửng không cao. Ngoài ra, mùa mưa đến muộn nhưng kết thúc sớm tạo khung thời gian sản xuất thuận lợi… Do đó, phương án sản xuất lúa Thu Đông năm 2020 sẽ vào khoảng  800.000ha, tăng 75.800ha so với cùng kỳ; sản lượng ước đạt 4,4 triệu tấn, tăng 492.000 tấn là hợp lý với thực tế hiện nay. Phương án này vừa đảm bảo được lợi nhuận tốt do lúa thương phẩm bán được giá cao, đồng thời bù đắp một phần sản lượng lúa bị thiếu hụt trong vụ Đông Xuân trước do ảnh hưởng hạn, mặn.

“Các địa phương cần ưu tiên sử dụng giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 20-30%, giống lúa chủ lực xuất khẩu chiếm tỷ lệ 50-60%, hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình chỉ khoảng 10-20%...”, đại diện Cục Trồng trọt khuyến cáo.

Được biết, những ngày qua, nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống khoảng 600.000ha và sẽ dứt điểm gieo sạ vào giữa tháng 9/2020.

Vẫn còn đó những nỗi lo

Trên thực tế, dù thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian qua tăng trưởng mạnh nhưng phần lớn vẫn xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Philippines, Trung Quốc và Đài Loan, còn những thị trường khó tính lại chưa nhiều.

Cụ thể, hiện nay Philippines đứng thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với gần 37% thị phần. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu gạo có giá trị tăng mạnh nhất là Senegal (gấp 19,6 lần, đạt 41.100 tấn), Indonesia (gấp 2,8 lần, đạt 45.200 tấn) và Trung Quốc (tăng 88,9%, đạt 457.600 tấn).

Về vấn đề này, TS Hồ Quang Cua, anh hùng lao động - cha đẻ gạo ST25 cho biết, trong nhiều năm qua, có thời điểm gạo thơm ST được bán ra nước ngoài giá trên 1.000 USD/tấn, qua mặt gạo thơm của Thái Lan, nhưng chẳng ai ngó ngàng đến.

"Gần đây mọi người quan tâm hơn. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để nâng tầm hạt gạo Việt, giúp nông dân trồng lúa có thu nhập cao hơn", ông Cua chia sẻ.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo là thời gian qua không chỉ có hiện tượng giả gạo ST25 mà ngay cả giống lúa này cũng bị giả. “Gạo Việt dã có được thành tựu, có tiếng vang, xuất khẩu bán giá cao, nhưng nếu không ngăn chặn tình trạng sản xuất giống ST25 giả, nay mai chất lượng sẽ bị xuống dốc, khách hàng không còn tin tưởng nữa. Do vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, xử lý thật nghiêm để răn đe”, ông Cua cho hay.

Cũng theo ông Cua, thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp nhờ ông phối hợp, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu lúa thơm ST24 và ST25. "Những doanh nghiệp này đầu tư bài bản, hợp đồng với nông dân hẳn hoi, sản xuất đúng quy trình nên hứa hẹn có vùng nguyên liệu lớn, an toàn phục vụ xuất khẩu vào những thị trường khó tính", ông Cua cho biết.

An Nhiên

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.