Thứ sáu, 15/05/2020, 11:49 AM

Sở GD&ĐT Hà Nam: Có không việc trục lợi các gói thầu tiết kiệm siêu thấp từ vốn đầu tư công?

(CL&CS) - Những năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nam được giao hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị ... phục vụ cho công tác GD&ĐT. Tuy nhiên, dư luận đang nghi ngại về tính khách quan, minh bạch, "lợi ích nhóm" trong công tác đấu thầu tại đơn vị này bởi những dấu hiệu bất thường, tỉ lệ tiết kiệm tiền ngân sách siêu thấp.

Gói thầu tiền tỉ được tiết kiệm nhỏ giọt

Theo thông tin phản ánh, đầu năm 2019, UBND tỉnh Hà Nam có quyết định phê duyệt dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị phòng học bộ môn Tin học cho các trường THPT giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn II). Ngày 8/1/2019 UBND tỉnh Hà nam có QĐ số 62/QĐ- UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án trên. Sở GD&ĐT Hà Nam là chủ đầu tư dự án và đồng thời cũng là đơn vị tổ chức mời thầu, lựa chọn nhà thầu. Dự án này có tổng mức đầu tư là 14.902.900.000 đồng, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước.

so gd hà nam
Trụ sở Sở GD&ĐT Hà Nam

Dự án được chia làm 5 gói thầu: 1 gói thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn II (thực hiện chỉ định thầu rút gọn trong nước, 22.200.000 đồng); 1 gói tư vấn thẩm định hồ sơ mới thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu (26.100.000 đồng, chỉ định thầu); 1 gói thầu tư vấn (gói 4) giám sát lắp đặt thiết bị giai đoạn II (chỉ định thầu, 49.400.000); 1 gói tư vấn (gói 5) tư vấn kiểm toán (116.200.000 đồng, chỉ định thầu).

Giá trị cao nhất thuộc về gói thầu số 03 – cung cấp lắp đặt thiết bị giai đoạn II là 6.158.600.000 đồng (vốn ngân sách, đấu thầu rộng rãi). Sở GD&ĐT Hà Nam thực hiện mời thầu, lựa chọn đơn vị trúng thầu cho gói thầu này. Tháng 3/2019 đóng thầu. Ngày 9/4/2019, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam ký QĐ số 536/QĐ-SGDĐT quyết định Công ty TNHH máy tính Bách Thành (số 95, đường Biên Hòa, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, Hà Nam) trúng thầu với giá 6.157.536.000 đồng. Ngày 10/4/2019 lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam ký thông báo trúng thầu cho nhà thầu trên.

Như vậy, gói thầu trị giá hơn 6 tỉ đồng (thuộc dự án gần 15 tỷ đồng), sau hoạt động đấu thầu được cho là “công khai, minh bạch, khách quan”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam chỉ tiết kiệm cho nguồn vốn đầu tư ngân sách vẻn vẹn hơn 1 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, ngày 17/12/2015, UBND tỉnh Hà Nam có Quyết định 30/2015/QĐ-UBND quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT tỉnh này. Với quy định trên thì Sở GD&ĐT Hà Nam là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về GD-ĐT.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam phải chịu trách nhiệm về quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất trước pháp luật, trước UBND tỉnh Hà Nam. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam hiện tại có bà Đinh Thị Lụa (SN 1972) là Giám đốc sở. Các ông Nguyễn Quang Long, Phạm Anh Tuấn là Phó Giám đốc. Hoạt động quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học từ nguồn vốn đầu tư ngân sách thuộc trách nhiệm của lãnh đạo sở.

Vậy hoạt động quản lý vốn đầu tư ngân sách tại Sở GD&ĐT Hà Nam được thực hiện thế nào? Từ tài liệu cho thấy “có vấn đề lạ” trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư công lên tới hàng chục tỷ đồng thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư giáo dục. Vốn đầu tư ngân sách giảm không đáng kể trong hoạt động đấu thầu. Có những nghi ngại về tính công khai, minh bạch, “nhóm lợi ích” trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Sở GD&ĐT Hà Nam.

Có không việc “bắt tay nhau” hình thành nhóm lợi ích?

Không chỉ dừng lại ở các gói thầu tiết kiệm siêu thấp trên, bạn đọc còn cung cấp cho phóng viên tài liệu liên quan đến các gói thầu tiền tỉ có mức tiết kiệm siêu thấp khác.

Tài liệu cho thấy, ngày 24/5/2019 UBND tỉnh có QĐ số 875/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án mua sắm máy móc, trang thiết bị và hệ thống camera an ninh giám sát phục vụ thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn Hà Nam. Dự án do Sở GD&ĐT Hà Nam làm chủ đầu tư, mời thầu. Vốn ngân sách Nhà nước cho hoạt động chi thường xuyên.

Dự án được chia làm 4 gói thầu. Trong đó gói thầu số 01 về cung cấp lắp đặt thiết bị 1.684.100.000 đồng. Gói thầu này được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh. Ngày 11/6/2019 lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam tại QĐ số 1071/QĐ-SGDĐT quyết định Công ty TNHH máy tính Bách Thành (số 95, đường Biên Hòa, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, Hà Nam) trúng thầu với giá 1.683.220.00 đồng. Như vậy ở gói thầu gần 2 tỷ đồng này, Sở GD&ĐT Hà Nam chỉ tiết kiệm được cho vốn đầu tư ngân sách vẻn vẹn 880 nghìn đồng. Tỉ lệ giảm giá cho đầu tư công ở gói thầu gần 2 tỷ đồng này “nhỏ giọt”, không thể không khiến dư luận tại Hà Nam đặt nhiều nghi ngại về tính hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn đầu tư công thông qua đấu thầu tại Sở GD&ĐT Hà Nam.

Công ty TNHH máy tính Bách Thành là nhà thầu quen thuộc của Sở GD&ĐT Hà Nam. Trước đó, ngày 11/12/2017, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam ký QĐ số 1758/QĐ-SGDĐT phê duyệt liên danh Công ty TNHH máy tính Bách Thành và Công ty TNHH Phát triển công nghệ thông tin 3 Com trúng thầu gói thầu số 03 về cung cấp, lắp đặt thiết bị giai đoạn I (thuộc dự án mua sắm trang thiết bị phòng học bộ môn Tin học cho các trường THPT giai đoạn 2017 – 2020). Giá trúng thầu của liên danh trên là 7.477.008.000 đồng.

Gói thầu trên được Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư và mời thầu, giá gói là 7.478.300.000 đồng. Như vậy sau đấu thầu được gọi là “công khai, minh bạch” lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam chỉ tiết kiệm được cho đầu tư công vẻn vẹn 1,2 triệu đồng/gói thầu gần 7,5 tỉ đồng.

Ngoài những gói thầu tiết kiệm siêu thấp tại Sở GD&ĐT Hà Nam như đã nêu, tài liệu điều tra của phóng viên cho thấy còn nhiều gói thầu khác tại đơn vị này cũng diễn ra tương tự. Trách nhiệm của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam như thế nào trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách? Cơ quan hữu trách có vào cuộc, để chứng minh việc có hay không “cái bắt tay” giữa "chủ đầu tư và nhà thầu”? Liệu chất lượng của những dự án trúng thầu được triển khai bằng vốn đầu tư từ ngân sách tại Sở GD&ĐT Hà Nam có được đảm bảo?

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc trong các kỳ tiếp theo.

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:29

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:51

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, trở thành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

Gia tăng giá trị chuỗi cung ứng quang điện tại Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 15/04/2024, 08:33

( CL&CS) - Trong khuôn khổ dự án ODA của Chính phủ Đức dành cho Việt Nam về “Thúc đẩy các dịch vụ bảo đảm chất lượng vì năng lượng bền vững”, đoàn chuyên gia Viện Đo lường Đức (PTB) và điều phối viên Dự án đã có chuyến công tác tới thăm và làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (từ ngày 5 – 12/4/2024) tại Hà Nội.