SJC mắc kẹt với giá vàng: Sự cong vênh vì sao mãi không thể giải quyết?

Nếu chỉnh giá vàng để bớt cong vênh, việc đánh giá lại tài sản của SJC sẽ khiến công ty có thể phải trích lập khoản không hề nhỏ.

Giá vàng thế giới cuối cùng cũng vỡ. Ngưỡng 1.700USD/Oz tưởng là điều không thể cuối cùng cũng gẫy. Mới tháng 3 năm nay, vàng phá đỉnh cao mọi thời đại lên trên 2.000USD/Oz và cũng từ đỉnh cao vừa thiết lập này, vàng lao dốc về mức giá mà chỉ mới năm trước thôi thì ai cũng nghĩ là điều không tưởng. Biến động giá vàng thế giới để lại nỗi đau cho những nhà đầu tư nhận định sai diễn biến giá vàng hay có những chính sách không phù hợp để ứng phó

Vàng phá đỉnh-vàng xuyên đáy và những nhận định

Vào ngày 24/ 2/2022, Nga tiến "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraina. Thị trường tài chính ngay sau đó đã phản ứng dữ dội. Nông sản, vàng, dầu…đều tăng giá phi mã. Giá vàng từ vùng xung quanh 1.850USD/OZ trước đó đã bứt phá tăng liên tục lên 1.900USD/Oz và rồi, vượt đỉnh mọi thời đại lên đến 2.070USD/oz. Lúc này, nhiều nhận định vàng sẽ giữ mức giá cao rất lâu, cao mãi và là hầm trú ẩn lạm phát, là “chỗ chứa” tài sản khi mọi thứ khác trở nên mong manh.

Những lý thuyết trong quá khứ khiến nhiều người tin là giá vàng sẽ được neo ở mức giá khá cao sau khi lập đỉnh. Tuy nhiên, kể từ khi thiết lập đỉnh giá mới 2.070USD/oz vào đầu tháng 3/2022 đến nay, mức giá đó vẫn là đỉnh. Vàng đã không quay lại mức đó lần nào nữa bất chấp các lý luận kinh tế học nhiều người từng tin tưởng về vàng. Vàng không còn là công cụ chống lạm phát hay mất giá tiền tệ nữa!  

Tuy nhiên, niềm tin mơ hồ về giá vàng khiến nhiều người ngay khi giá vàng vừa điều chỉnh giảm nhẹ khỏi đỉnh giá chút ít đã vội vã mua vào, làm “của để dành” cho mình trong bối cảnh thách thức với nền kinh tế thế giới ngày càng gia tăng để rồi, lao đao cùng giá vàng.

Vàng bất ngờ rớt giá mạnh. Tại thời điểm hiện tại tức những ngày cuối tháng 7, giá vàng thế giới đã từ đỉnh cao 2.070 USD/oz về vùng 1.700USD/oz tương đương mất khoảng 17%.

SJC độc quyền vàng miếng và thế mắc kẹt với… vàng. Vì đâu giá vàng Việt mãi "chênh vênh"?

Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Theo báo cáo tài chính, vốn UBND TP.HCM đổ vào SJC lên đến 1.358 tỷ đồng. SJC kinh doanh đa ngành trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là ngành kinh doanh chính, bên cạnh đó là địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ. SJC thành lập năm 1988.

Mặc dù SJC định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia với ước mơ phát triển ngành kinh doanh vàng và trang sức với nền tảng một thương hiệu quốc gia để trở thành thương hiệu quốc tế nhưng dường như, tình hình kinh doanh của SJC đang gặp phải rất nhiều vấn đề gây quan ngại. Theo báo cáo tài chính năm 2021 của SJC,  năm 2021 SJC đã phải đã cắt giảm nhân viên từ 538 người đầu năm còn 510 người.

3/5 công ty con của SJC đã rơi vào trạng thái không thể thu hồi vốn đầu tư và SJC phải trích lập hoàn toàn 100% khoản lỗ đầu tư. Các công ty liên kết cũng không mấy sáng sủa khi mà SJC đã chấp nhận dự phòng toàn bộ hơn 18 tỷ đồng đầu tư vào Saigon Saindes, 4 tỷ vào SJC Đà Nẵng. Khoản đầu tư vào SJC Hà Nội cũng coi như “đi tong”. Theo báo cáo tài chính, Saigon Saindes đang hoàn tất thủ tục giải thể hoặc phá sản, SJC Chợ Lớn cũng sẽ giải thể hoặc phá sản khi hội đủ điều kiện.

q

Nhưng, trước khi tình hình kinh doanh “bết bát” như bức tranh hiện tại thì SJC từng rất mạnh. Sự lớn mạnh của SJC đi kèm một yếu tố không thể tách rời đó là: Độc quyền vàng miếng.

Trước đây, thị trường vàng từng gây ra bất ổn đối với nền kinh tế vĩ mô nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP với chủ trương chống vàng hóa. Kể từ nghị định 24 này, 10 năm nay, NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Cơ quan này đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng độc quyền của quốc gia từ 10 năm nay.

Sau 10 năm sở hữu thế độc quyền, nhưng dường như, giá vàng SJC đã không thật sự chống bất ổn trong nền kinh tế mà những bất ổn liên tục lộ diện. Loạn trong quản lý giá vàng khiến giá liên tục nhảy múa không theo nguyên tắc nào gây thiệt hại đáng kể tới người nắm giữ cũng như, nhiều khả năng gây tổn hại đến những “đầu tàu của nền kinh tế” là các ngân hàng.

10 năm nay, đã không ít lần khi giá vàng SJC “chênh vênh” so với giá vàng thế giới thì các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo đủ điều trong đó giới chuyên gia sợ nhất là tình trạng buôn lậu vàng và đô la đen. Tuy nhiên, trước đây, giá vàng SJC cong vênh khoảng 5-8 triệu so với giá vàng quốc tế là đã nhiều. Thế nhưng, những ngày giá vàng thế giới nóng nhất như hồi tháng 3 năm nay hay như hiện tại, khi giá vàng quốc tế đã rơi về vực sâu thì chênh lệch giá vàng trong nước vẫn đắt hơn quốc tế gần 20 triệu đồng/lượng.

Sự cong vênh giá vàng đó từ đâu mà có? Sẽ chẳng ai biết được khi mà, sự độc quyền dẫn đến những “nguyên tắc” ấn định giá vàng của SJC trở thành thứ không nhà đầu tư nào hiểu được.

Nhưng, SJC có lẽ đã không may mắn khi “cài đặt” mức cong vênh lớn như vậy với giá vàng.

Khi giá vàng tăng nóng hồi tháng 3 lại được hưởng sự “cài đặt” cong vênh dương lớn so với giá vàng thế giới, nhiều người dân sở hữu vàng đã mang vàng đi bán. Thời điểm đó, không khó để tìm thấy những thông tin nhan nhản trên báo chí rằng: “Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh, người cầm vàng đổ xô đi chốt lời”, “nhiều cửa hàng vàng xếp sẵn ghế cho khách ngồi chờ…chốt lãi vàng”…

Nguồn cơn của những chênh vênh suốt 3-4 tháng nay của giá vàng có lẽ bắt đầu từ đó. Người dân ồ ạt đi bán vàng, SJC mua vàng của người dân ở mức giá cao. Hay nói dễ hiểu hơn, với cách ấn định giá vàng của mình, SJC đã phải “đu” rất nhiều vàng ở đỉnh giá mọi thời đại!

Không như trước đây, vàng không còn là hầm trú ẩn an toàn nữa. Giá vàng thế giới sau khi phá đỉnh vào đầu tháng 3 đã giảm dần đều bất chấp những yếu tố hỗ trợ giá vàng trước đây vẫn còn thậm chí là căng thẳng hơn. Vàng thế giới đã hạ đều từ 2.070USD/oz về 1.700USD/Oz hiện tại.

SJC bị mắc kẹt trong chính chính sách ấn định giá vàng của mình. Nếu hạ dần giá vàng theo giá vàng quốc tế, SJC bị lỗ do đã lỡ “đu đỉnh”. SJC có lẽ đành chọn phương án giữ giá vàng cao chơi vơi để chờ ngày giá vàng quốc tế hồi phục, lấp “gap” giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Vàng SJC đã một mình một đường so với vàng thế giới hơn 4 tháng nay. Kể cả khi, giá vàng thế giới đã giảm rất sâu từ đỉnh thì vàng SJC vẫn loanh quanh rất lâu ở vùng giá 68 triệu đồng/lượng tương đương chỉ giảm khoảng 8% từ đỉnh.

Quyết định neo giá chênh vênh ở mức cao hơn giá vàng thế giới mười mấy triệu đồng/lượng khiến SJC  một lần nữa gặp “khủng hoảng” khi những ngày cuối tháng 7 này, vàng quốc tế phát đi tín hiệu “không quay đầu”. Vàng quốc tế tiếp tục đà rơi và thủng luôn mốc 1.700 đồng về tận 1.680USD/oz. Đương nhiên, nhiều người dân cũng nhìn thấy điều này và cấp tập vét vàng trong tủ ra đem bán nốt trước khi có “cú sập” giá vàng mà nhiều người phân tích thấy được. Cũng trong những ngày này, SJC “đành lòng” phải tạo ra cú sập giảm giá vàng SJC khoảng 5 triệu đồng/lượng để giảm bớt chênh vênh càng lúc càng xa so với giá vàng quốc tế!

Sửa chênh vênh, SJC và nhiều nhà băng sẽ "khốn"?

Nếu để chênh vênh giá vàng không có hệ lụy thì đương nhiên sẽ không ai đặt vấn đề lên làm câu chuyện. Chênh vênh giá vàng ngoài hệ lụy dễ nhìn thấy nhất là người có nhu cầu mua vàng bị mắc kẹt. Nếu mua cao, họ có thể bị lỗ ngay lập tức khi mua và con đường về bờ xa vời. Những người lỡ vay vàng trước đây nếu đến hạn phải trả trở nên khốn cùng khi giá vàng cao và cao mãi khiến họ mua vàng để trả không nổi.

Nước sẽ chảy chỗ trũng. Để chênh vênh giá vàng cao so với giá vàng quốc tế, hoạt động nhập khẩu lậu vàng có thể diễn ra mạnh mẽ để hưởng ăn vênh khi nhu cầu sử dụng vàng của người dân vẫn nhiều mà vàng SJC lại quá đắt. Thực tế, nỗi lo vàng lậu không phải chỉ đến bây giờ mới được đưa ra mà 10 năm nay, mỗi khi giá vàng SJC chênh vênh tăng cao là nỗi lo vàng lậu lại được giới chuyên gia cảnh báo.

Hệ lụy lớn như thế, vì sao, SJC vẫn không dám sửa đổi những chênh vênh?

Báo cáo tài chính năm 2021 của SJC cho thấy, SJC vừa trải qua một năm làm ăn không mấy thuận lợi. Doanh thu năm 2021 đạt 17.689 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế lùi về 43 tỷ đồng, giảm sâu 22% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả kinh doanh thê thảm này là đã được “cứu” một phần từ hoàn nhập 20 tỷ đồng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư trong khi cùng kỳ chi phí hơn 31 tỷ đồng cho mảng này.

Sự tụt dốc của công ty vàng đang nắm giữ thương hiệu vàng quốc gia còn nằm ở chỗ đầu tư vào hàng loạt công ty con và mất trắng. Hàng chục tỷ cứ thế ra đi cùng sự phá sản của những cửa hàng vàng hay những khoản đầu tư rủi ro mất vốn đến 100%. Năm 2021, SJC đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng hoạt động không hiệu quả.

q

Báo cáo tài chính còn cho thấy SJC đang vướng vào sự việc một công ty chậm giao nền nhà để SJC thực hiện giao lại nền nhà cho cán bộ công nhân viên và một số cá nhân bên ngoài. Tổng số tiền SJC thu từ cán bộ công nhân viên và cá nhân khác là hơn 46 tỷ đồng nhưng đến nay, nền nhà không có. Khoản phải thu này đã quá hạn trên 3 năm kéo theo hàng loạt nhân viên cũng như người ngoài “mắc kẹt” cùng SJC!

Quay trở lại với chênh vênh giá vàng, bất chấp hệ luỵ từ sự cong vênh gây ra thì SJC vẫn phải neo giá. Bởi, SJC không những đã "đu đỉnh" giá vàng hồi đầu năm nay mà còn có số dư hàng tồn cuối 2021 rất "khủng" hơn 1.100 tỷ đồng. Nếu chỉnh giá vàng để bớt cong vênh, việc đánh giá lại tài sản của SJC sẽ khiến công ty có thể phải trích lập khoản không hề nhỏ.

Đến cuối tháng 6/2022 tức đến ngày cuối cùng của quý 2, giá vàng SJC vẫn neo cao và đây là cơ sở để khiến những con số trên báo cáo tài chính của SJC hay những ngân hàng nắm giữ nhiều vàng vẫn có số đẹp. Số đẹp để báo cáo cơ quan chức năng, để khiến những nhà đầu tư khờ dại cả tin mua cổ phiếu ngân hàng. Nếu đánh giá lại, liệu, tài sản của ngân hàng, của SJC có thật sự đẹp?

Lỗi tại SJC, NHNN hay tại Nghị định 24?

Những ngày này, khi sức ép của dư luận về việc chênh vênh giá vàng đã khiến những bên liên quan phải lên tiếng. NHNN đã “nhanh chóng” chọn Nghị định 24-một văn bản nên không thể phát ngôn- để đổ lỗi khiến vàng cong vênh giá.

Hồi giữa tháng 6 năm nay, nghị trường Quốc hội cũng đã bàn luận đến vấn đề cong vênh giá vàng. Theo các bàn luận tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội), đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đã yêu cầu Thống đốc giải trình nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC cao đột biến và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Thừa nhận sự cong vênh là có thật, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, chênh lệch với quốc tế chỉ vào khoảng 2 triệu/lượng. Tuy nhiên, riêng vàng SJC có mức chênh khoảng 16-17 triệu/lượng. Theo thống đốc thì nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là việc thực hiện chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế, từ năm 2012 khi thực hiện Nghị định 24 và đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây khi Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng.

Lần dở lại nghị định 24, câu chuyện cong vênh giá vàng hoàn toàn không có trong nghị định. Ngay từ đầu, khoản 2, điều 4 của Nghị định 24 đã nêu rõ NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định.

Việc thực thi nhiệm vụ của NHNN đối với vấn đề thị trường vàng trở thành dấu hỏi lớn khi mà, việc để chênh vênh giá hoàn toàn theo quy tắc nào được ấn định trong nghị định. Mấu chốt của sự cong vênh có lẽ đến từ nhận định của bên “cài đặt” giá mua vào-bán ra và điều này, liệu, đổ tội vì nghị định đã thật sự phù hợp?

Thành An

Bình luận

Nổi bật

Công bố thêm 1 nhà máy đạt trung hòa Carbon, VINAMILK tiến nhanh trên hành trình đến Net Zero

Công bố thêm 1 nhà máy đạt trung hòa Carbon, VINAMILK tiến nhanh trên hành trình đến Net Zero

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 18:51

(CL&CS) - Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vinamilk công bố Nhà máy Nước giải khát Việt Nam đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014. Như vậy, Vinamilk đang sở hữu tới 3 đơn vị (gồm 2 nhà máy và 1 trang trại) đạt chứng nhận về trung hòa Carbon, cho thấy những bước tiến quyết liệt của doanh nghiệp trên con đường tiến đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Viettel xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới với Nam Ninh, Trung Quốc

Viettel xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới với Nam Ninh, Trung Quốc

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 17:30

(CL&CS) - Sắp tới, thời gian kết nối giữa Nam Ninh (Trung Quốc) và Hà Nội được giảm xuống 50% và chỉ còn 12 giờ, tối ưu ít nhất 30% chi phí logistics.

PV GAS LPG phát hành 3,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông

PV GAS LPG phát hành 3,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông

sự kiện🞄Thứ hai, 22/04/2024, 17:15

(CL&CS) - PV GAS LPG là đơn vị duy nhất thuộc Petrovietnam và PV GAS được phép sản xuất và kinh doanh bình gas mang thương hiệu PETROVIETNAM GAS trên toàn lãnh thổ Việt Nam.