Dữ liệu cũ
Thứ ba, 28/01/2014, 17:00 PM

Sân khấu Hà Nội – những dấu hiệu khởi sắc

Dẫu chưa có nhiều thành công, 2013 là năm có nhiều tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật sân khấu ở mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Tháng 7/2013, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đưa ra con số bất ngờ: doanh thu của sáu nhà hát thuộc Sở đạt khoảng 20 tỷ đồng. Đó là số liệu được lấy từ báo cáo trong 5 tháng đầu năm 2013. 

20 tỷ doanh thu là con số có thật. Việc đại diện các đơn vị nghệ thuật, nhà hát luôn phát biểu trên truyền thông rằng sân khấu Hà Nội không có khán giả, không bán được vé cũng là sự thật. Hai sự thật tưởng chừng mâu thuẫn đó vẫn tồn tại song song như một bài toán bán vé chưa có lời giải đáp. Lâu nay các vở diễn mới dàn dựng thường chỉ để tham gia hội diễn và biểu diễn hợp đồng, tốt lắm là biểu diễn hợp đồng bán vé trọn gói với các doanh nghiệp, đơn vị. 

Trong số 20 tỷ đồng của 6 đơn vị, riêng Nhà hát Múa rối Thăng Long có doanh thu hơn 10 tỷ đồng, Nhà hát Chèo Hà Nội thu hơn 5 tỷ đồng. Số tiền thu được phần lớn là từ các suất diễn cho khách du lịch. 

Trong khi loay hoay tìm công chúng, việc dàn dựng, biểu diễn các chương trình, tiết mục phục vụ du lịch cũng là một hướng đi, có thể giúp các nhà hát có nhiều nguồn thu hơn để tái đầu tư nghệ thuật.

Nếu lựa chọn một sự kiện sân khấu tiêu biểu trong năm 2013, thì đó nhất định là Liên hoan các vở diễn Lưu Quang Vũ. Diễn ra từ ngày 9 tới 16/9/2013, Liên hoan mang tới 12 vở diễn đặc sắc của 8 đoàn nghệ thuật phía Bắc. Mặc dù các suất diễn đều phát vé miễn phí, việc khán giả đi xem kịch, chèo chật cứng rạp là một kỳ tích. Có những suất diễn, rạp hát không còn chỗ trống, khán giả phải chen chân đứng, người không có vé mời thì nằn nì xin vào xem. Bên cạnh tràng pháo tay, những cảm xúc của khán giả, vui, buồn, hân hoan, tin tưởng, phẫn nộ… là minh chứng cho việc công chúng không quay lưng lại với sân khấu.

Liên hoan được tổ chức nhằm tưởng nhớ nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ. Nhưng vượt xa mục đích ban đầu, sự kiện mang tới 12 vở diễn mới đầy tính nghệ thuật, vinh danh các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết. Quan trọng hơn cả, Liên hoan đã nhen lại ngọn lửa yêu sân khấu trong lòng công chúng.

Để kỷ niệm 35 năm thành lập, Nhà hát Tuổi Trẻ xây dựng chương trình nghệ thuật 35 năm một chặng đường. Một trong các hoạt động của chương trình là sự kiện Nhát hát lưu diễn ở sân khấu phía Nam. Trong suốt thời gian lưu diễn, các diễn viên sẽ mang tới công chúng TP HCM hai vở kịch Lời thề thứ chín Mùa hạ cuối cùng. Đây là hai vở của kịch tác gia Lưu Quang Vũ do Nhà hát dàn dựng và gây được tiếng vang trong năm 2013. Bên cạnh đó, đoàn cũng giới thiệu chương trình hài kịch Đời cười – một trong những thương hiệu của mình. 

Trước giờ lên đường,  NSƯT Chí Trung, trưởng đoàn, bày tỏ: “Trong thời kỳ khó khăn này của ngành sân khấu nói riêng và cả nước nói chung, sao tôi cứ có cảm giác bất an… Hay bởi đã lâu không có đoàn kịch phía Bắc nào dám vào diễn tại mảnh đất giàu tình người nhưng cũng hết sức đông đúc, ông ào này”. Vài lời tâm sự của Chí Trung đã nói hết những khó khăn và thực trạng của sân khấu phía Bắc. Song cả đoàn đã chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ nghệ thuật mà cả nhiều yếu tố như kinh tế, nghiên cứu tâm lý khán giả… Việc một đoàn nghệ thuật vào chinh phục công chúng ở nơi quanh năm sân khấu sáng đèn chứng tỏ sức sống bền của chính kịch phía Bắc.

Chỉ trong tháng 12/2013, công chúng Hà Nội đã có thêm 4 vở cải lương mới được dàn dựng và ra mắt. Nhà hát Cải lương Việt Nam mang tới hai vở Vua Thánh triều Lê (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai) và Chuyện tình Khau Vai (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn Triệu Trung Kiên). Nhà hát cải lương Hà Nội giới thiệu Đứng giữa trời xanh (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Trần Quang Hùng) và Thất trảm sớ (tác giả Phi Hùng, đạo diễn Doãn Hoàng Giang). Trước đó, vào cuối tháng 11/2013 Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng giới thiệu vở Nợ non sông của Phạm Quang Long, đạo diễn Thanh Vân.

Trừ Chuyện tình Khau Vai, các vở diễn đều lấy đề tài lịch sử dân tộc, ca ngợi những nhân vật lịch sử, nhưng lý giải, soi chiếu chuyện xưa bằng những góc nhìn đương đại. 

Vua Thánh triều Lê xoay quanh đề tài vua Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi với nhiều cung bậc cảm xúc từ bi thương đến hào sảng, từ bế tắc tới sáng tỏ. Thất trảm sớ xây dựng hình ảnh đẹp về thầy Chu Văn An khi dâng sớ xin vua Trần Dụ Tông trảm bảy gian thần. Nợ non sông đề cập tới nghi án lịch sử về đại thần triều Nguyễn Phan Thanh Giản với nhiều tình tiết hấp dẫn. Đứng giữa trời xanh là cái nhìn hậu thế về bi kịch lịch sử: vụ thảm sát Thượng Dung thái hậu cùng các cung nữ dưới thời hoàng thái phi Ỷ Lan. Còn Chuyện Tình Khau Vai là một bài thơ đẹp, một câu chuyện tình với đề tài miền núi thấm đẫm chất nhân văn. Nhiều vở diễn ra đời với sự tham gia của đông đảo đội ngũ đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ giúp sân khấu cải lương thêm phần sôi động.

Dẫu việc chấn hưng sân khấu và tìm lại khán giả là một câu chuyện dài, song những sự kiện thành công trong năm qua cùng với tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ là những dấu hiệu tích cực cho sân khấu Hà Nội.

Hiền Đỗ

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.