Nút thắt khó gỡ của Thủy sản Hùng Vương

(NTD) - Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa bị đánh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ ở mức cao nhất. Ngoài ra, theo báo cáo tài chính hợp nhất, sau soát xét cho thấy Hùng Vương từ lãi đã trở thành lỗ hơn trăm tỷ đồng. Điều này khiến hoạt động kinh doanh của HVG càng thêm khó khăn.

“Đếm cua trong lỗ”

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam cho giai đoạn từ 1/8/2016 – 31/7/2017. Theo đó, thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam đối với HVG là 3,87 USD/kg, mức thuế cao nhất của đợt xem xét. Điều này trái ngược hoàn toàn với dự đoán của ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc HVG trước đó.

Trong đại hội cổ đông diễn ra trong tháng 2/2019, ông Minh cho biết, mức thuế sơ bộ bằng không. Khả năng mức thuế chính thức cũng bằng không và cơ hội thành công gần như là tuyệt đối. Theo đó, ông Minh trấn an cổ đông bằng viễn cảnh sẽ quay về mục tiêu doanh số 20.000 tỷ đồng/năm như giai đoạn 2010-2011. 

Vua catra HVG
“Ông vua cá tra” Hùng Vương phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao nhất tại Mỹ trong đợt xem xét POR14. Ảnh minh họa

Đây không chỉ là lần đầu tiên ông Minh dự đoán thiếu chính xác. Trong đại hội cổ đông năm 2017, trao đổi với người viết, ông Minh đã chia sẻ say mê về triển vọng của thị trường thủy sản tương lai và tiềm năng dự án nuôi heo đang làm. Dù vậy, tình hình thực tế diễn biến không như dự đoán khiến HVG, lỗ hơn 700 tỷ đồng năm đó. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất của “ông vua cá tra” từ khi lên sàn.

Hiện tại, mức thuế mới sẽ khiến những nỗ lực của HVG thêm phần khó khăn, vì Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm 32% giá trị xuất khẩu của tập đoàn này trong năm 2018. Bị áp thuế cao ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của tập đoàn trong năm 2019, vì giảm sức cạnh tranh với đối thủ. Đồng thời, cũng khiến tình hình tài chính đang khó khăn thêm phần trầm trọng.

Tính đến cuối quý II/2019 (niên độ kế toán 1/10-30/9 hàng năm), HVG công bố lãi gần 28 tỷ đồng, giúp lỗ lũy kế giảm nhẹ nhưng vẫn còn gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, kiểm toán chỉ ra HVG lỗ gần 112 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục âm bởi các khoản phải thu tăng mạnh. Riêng dự phòng khoản phải thu khó đòi xấp xỉ 680 tỷ đồng đã khiến các cổ đông không khỏi lo âu. Đáng nói, chỉ riêng chi phí lãi vay trong hai quý rồi đã ngốn của HVG tới trên 110 tỷ đồng.

Còn gì để bán?

Hoạt động kinh doanh gặp nhiều rào cản cộng với tình hình tài chính khó khăn, hoạt động kinh doanh của HVG phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai, cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.

Tính đến cuối tháng 3/2019, HVG đã vay 6 ngân hàng với số tiền gần 3.000 tỷ đồng. Đến đầu năm 2019, tập đoàn này vẫn còn chưa trả được nhiều khoản nợ đến hạn hàng trăm tỷ đồng. Hiện HVG vẫn đang xin các ngân hàng giãn nợ. Do đó, có thể thấy khả năng vay ngân hàng của HVG trong năm 2019 để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh là bất khả thi.

HVG2
Tính đến cuối quý II/2019 (niên độ kế toán 1/10-30/9 hàng năm), HVG công bố lãi gần 28 tỷ đồng, nhưng sau soát xét HVG lỗ gần 112 tỷ đồng. 

Giải pháp tạm thời mà ông Dương Ngọc Minh chọn đó là bán bớt tài sản. Vừa rồi, ông Minh quyết định bán hết hơn 3 triệu cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Hùng Vương Sông Đốc. Đây là công ty chuyên chế biến bột cá biển tại tỉnh Cà Mau, do HVG nắm 51% cổ phần. Ngoài ra, HVG cũng muốn thoái vốn tại hai công ty con là Công ty TNHH Chế biến thủy sản Hùng Vương Bến Tre (tỷ lệ sở hữu 90% với giá trị sổ sách là 180 tỉ đồng) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (tỷ lệ sở hữu 80%). Tỷ lệ sở hữu sau thoái vốn dự kiến dưới 50%.

Bán tài sản để giải quyết khó khăn tài chính cũng là cách mà ông Minh thực hiện từ cuối năm 2017 đến nay. Cụ thể, HVG đã bán toàn bộ cổ phần tại Thực phẩm Sao Ta (FMC) và thu về gần 500 tỷ đồng hồi tháng 11/2017. Đầu năm 2018, HVG bán tiếp hai lô đất tại TP.HCM và thu về hơn 560 tỷ đồng. Không lâu sau, HVG quyết định bán hết cổ phần tại Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) với giá hơn 860 tỷ đồng…

Thechap
HVG hiện có 8 công ty con và 6 công ty liên doanh liên kết. Tuy nhiên, phần lớn các tài sản này đã được thế chấp cho các khoản vay trước đây.

Với tình hình hiện tại, có thể ông Chủ tịch Dương Ngọc Minh sẽ quyết định bán bớt một số công ty con bên cạnh Công ty Cổ phần Hùng Vương Sông Đốc như vừa rồi. HVG hiện có 8 công ty con và 6 công ty liên doanh liên kết. Tuy nhiên, phần lớn các tài sản này đã được thế chấp cho các khoản vay trước đây, khả năng bán đi để thu tiền về là không đáng kể. Vậy HVG còn gì để bán?

Tài sản có giá trị nhất có thể bán được chính là thứ ít nhà đầu tư để ý nhất, đó là dự án chăn nuôi heo. Được đầu tư trong giai đoạn 2016-2017 nhưng đến năm 2018, HVG vẫn chưa ghi nhận doanh thu chính thức từ dự án này. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2019, ông Minh cũng không đưa ra chỉ tiêu doanh thu.

Dự án nuôi heo của HVG được 4 đối tác Đan Mạch triển khai trọn gói với 3 trại nuôi ở An Giang và 2 trại nuôi ở Bình Định. HVG ước tính sẽ cung cấp 522.000 con heo giống/năm, ước tính đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn vay ngân hàng bị tắc nên dự án vẫn đang dở dang. Khi dự án hoàn thành mới thoái vốn được. Vì vậy, khả năng bán dự án này như thế nào để góp phần giúp HVG tháo gỡ khó khăn tài chính vẫn còn là ẩn số.

Hoàng Yến

Bình luận

Nổi bật

Vì đâu mà giá nhà đất thổ cư tăng mạnh?

Vì đâu mà giá nhà đất thổ cư tăng mạnh?

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 19:13

Chung cư Hà Nội tăng giá quá cao khiến nhiều người phải “quay xe” tìm nhà trong ngõ, điều này đã đẩy giá nhà phân khúc này tăng chóng mặt. Chuyên gia nhận định, thế khó của thị trường đã đẩy giá nhà thổ cư lên cao, trong tương lai gần, thị trường này sẽ khó giảm giá.

ĐHĐCĐ Nam Long: Chốt mục tiêu doanh thu 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng

ĐHĐCĐ Nam Long: Chốt mục tiêu doanh thu 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 12:28

(CL&CS) - Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Nam Long thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh số 9.554 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 6.657 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 821 tỷ đồng.

Nhà thuốc Long Châu sở hữu 1.350 nhà thuốc đã hòa vốn và có lãi tốt

Nhà thuốc Long Châu sở hữu 1.350 nhà thuốc đã hòa vốn và có lãi tốt

sự kiện🞄Thứ bảy, 20/04/2024, 12:08

(CL&CS) - Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail cho biết, chuỗi Long Châu đang có 1.350 trên tổng số 1.500 nhà thuốc đã hòa vốn và có lãi tốt. Còn lại 150 nhà thuốc mới mở trong vòng 3 tháng gần đây nên chưa có lãi.