Dữ liệu cũ
Thứ năm, 11/10/2018, 09:21 AM

Nhiều doanh nghiệp sản xuất bột mì hoang mang vì quy định lạ

(NTD) - Khoảng hai tuần qua, hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì để sản xuất bột mì tại TP.HCM hết sức hoang mang, vì nhận được văn bản yêu cầu tái xuất những lô hàng lúa mì có lẫn cỏ ké đồng (cirsium arvense) từ các Chi cục Bảo vệ Thực vật. Đáng nói, yêu cầu tái xuất không xuất phát từ văn bản cụ thể hoặc người có thẩm quyền chính là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguy cơ gây ra thiệt hại dây chuyền

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất bột mì tại TP.HCM đã nhận được văn bản tái xuất những lô hàng lúa mì có lẫn cỏ ké đồng từ ngày 1/11/2018. Quy định thời gian này là quá gấp và chưa đủ cơ sở, có thể gây ra thiệt hại dây chuyền cho nhiều đối tượng doanh nghiệp.

Ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng Giám đốc CTCP Bột mì Bình An cho biết, trước đây Việt Nam chủ yếu nhập lúa mì từ Úc. Nhưng do Úc gặp hạn hán đẩy giá lúa mì tăng cao, doanh nghiệp phải mở rộng thị trường sang Nga và Mỹ đầu năm 2018 đến nay. Lúa mì của Nga và Mỹ có lẫn có ké đồng nhiều hơn Úc, nhưng cũng chiếm chưa đến 1% lúa mì. Theo ông Hiếu, nếu phải tái xuất, doanh nghiệp không thể tìm nguồn nguyên liệu mới ngay được. “Công thức chế biến, giá thành và hợp đồng với khách hàng đã ký hết rồi. Đâu thể thay đổi nhanh vậy được”, ông Hiếu lo lắng.

Từ khi có quy định mới, ông Phan Thông Cường, Cố vấn CTCP Kỹ nghệ Bột mì Việt Nam (Vikybomi) đã liên hệ với các đối tác Mỹ yêu cầu lọc cỏ ra, nhưng họ không làm. Theo ông Cường, doanh nghiệp Mỹ nói lượng tiêu thụ của thị trường Việt Nam chưa nhiều nên họ không đầu tư xử lý. Thậm chí họ khẳng định sẽ không bán hàng cho doanh nghiệp đòi hỏi như vậy.

Thi truong nhap khau lua mi
8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập hơn 3,6 triệu tấn lúa mì với giá trị 877 triệu USD. Việt Nam đã nhập khẩu lúa mì để sản xuất bột mì từ thời bao cấp đến nay.

Đồng cảm với sự lo lắng chung của doanh nghiệp sản xuất bột mì, bà Kao Huy Phương, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á châu (ABC) cho rằng, nếu áp dụng quy định mới, sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất bột mì. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất sẽ đóng cửa theo hiệu ứng dây chuyền. Mỗi ngày ABC sử dụng khoảng 13-20 tấn bột mì, nếu cấm nhập lúa thì ABC phải nhập bột mì, khiến giá thành sản xuất sản phẩm tăng cao. “Không chỉ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp, giá bán sản phẩm tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, bà Phương đánh giá.

Theo ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc CTCP Hiệp Quang Agro, đơn vị nhập khẩu lúa mì thương mại, khoảng 70-80% lúa mì trên thị trường là nhập khẩu bằng tàu biển. Khối lượng mỗi đơn hàng khoảng 50.000 tấn, tương đương hơn 200 triệu USD/chuyến (gần 500 tỷ đồng). “Nhiều đơn hàng của doanh nghiệp đang lênh đênh trên biển, nếu về Việt Nam không kịp trước ngày 1/11/2018, doanh nghiệp có thể thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng”, ông Khánh ước tính.

Trong khi đó, Công ty Bột mì Thế giới đang chờ lô hàng lúa mì trị giá hơn 300 tỷ đồng về cảng vào cuối tháng 10/2018. Giám đốc Huỳnh Kim Chi cho biết, nếu cấm nhập lúa mì, hơn 500 công nhân công ty sẽ mất việc, doanh nghiệp cũng có khả năng đóng cửa vì xoay sở không kịp trong thời điểm cận Tết này.

Quyết định vượt thẩm quyền?

FFA có khoảng 20 doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì để sản xuất bột mì, trong khi cả nước có đến hàng trăm doanh nghiệp. Trong tháng 8/2018, cả nước nhập hơn 580.000 tấn lúa mì với giá trị 136 triệu USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập hơn 3,6 triệu tấn với giá trị 877 triệu USD, tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu lúa mì chính là Nga (53%), Australia (25%), Canada (9%), Mỹ (4%) và Brazil (2%).

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu quốc hội và Trưởng ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM, theo luật, thẩm quyền cấm phải do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký. Nhưng hiện nay doanh nghiệp mới nhận được yêu cầu từ Cục Bảo vệ Thực vật. “Nếu Hiệp hội chứng minh được quyết định này sai, có thể kiến nghị xin hủy để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh”, bà Lan nói.

Ong Phan Thong Cuong
Ông Phan Thông Cường, Cố vấn Vikybomi đã liên hệ với các đối tác Mỹ yêu cầu lọc cỏ ra, nhưng họ không làm. Thậm chí họ khẳng định sẽ không bán hàng cho đối tác nào đòi hỏi như vậy.

Thực tế cho thấy, quy định mới quá đột ngột và đi ngược lại với hoạt động kinh doanh bình thường của hàng trăm doanh nghiệp trong ngành. Theo ông Phan Thanh Hiếu, kể từ thời bao cấp, Việt Nam đã nhập khẩu lúa mì từ Nga. Kể từ năm 2004 đến nay, công ty ông sử dụng lúa Nga rất nhiều nhưng chưa thấy tác hại cụ thể. Hiện tại, nhà máy Vikybomi có hệ thống tách cỏ ké đồng ra riêng rồi thiêu hủy ở nhiệt độ cao, dưới sự giám sát của cơ quan kiểm dịch thực vật.

Ông Phan Thanh Hiếu khẳng định, quy trình sản xuất bột mì trên 20 năm nay của công ty không để hạt cỏ này lọt ra ngoài. Sau khi tách riêng, công ty sẽ nghiền lượng cỏ lẫn vào này thành thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm.

Tiến sĩ Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho biết, cỏ ké đồng chỉ có tính chất xâm lấn dinh dưỡng với cây lúa mì, chưa thấy có tài liệu ghi nhận có độc hay gây ảnh hưởng đến cây trồng khác tại Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam không trồng được lúa mì hoặc trồng được nhưng năng suất rất thấp, do đó ảnh hưởng của cỏ ké đồng cũng chưa ai biết. Theo ông Khanh, cỏ ké đồng là thức ăn chính của chim sẻ Nga - động vật cảnh có giá bán rất cao trên thế giới - nên không lý nào lại có độc hoặc ảnh hưởng đến môi trường Việt Nam.

FFA đang tập hợp tài liệu để gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị hủy quyết định trên.

 Dương Nguyễn

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.