Dữ liệu cũ
Thứ ba, 07/07/2015, 06:52 AM

Ngân hàng bảo lãnh mua nhà - Ai lợi?

(NTD) - Chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với người mua nhà, theo Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Ngân hàng bảo lãnh mua nhà Ai lợi hình 2
Novaland và VPBank đã ký kết bảo lãnh cho người mua nhà tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Giá thành bất động sản sẽ tăng?

Quy định mới này có ưu điểm là bảo vệ tuyệt đối cho người tiêu dùng, không để xảy ra rủi ro khi mua, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng quy định này có thể làm phát sinh chi phí trong cơ cấu giá thành BĐS mà người mua nhà phải gánh chịu khi mua hoặc thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Chẳng hạn, dự án có 100 căn hộ, giá 1 tỷ đồng/căn, tổng giá trị chung cư là 100 tỷ đồng, dự kiến bàn giao nhà sau 2 năm. Theo Điều 56, chủ đầu tư phải có 100 tỷ đồng gửi vào ngân hàng để được phát hành chứng thư bảo lãnh. Nếu không có 100 tỷ đồng tiền mặt chủ đầu tư phải có tài sản có giá trị gấp khoảng 1,3 lần để làm tài sản đảm bảo thay thế. Mỗi năm chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh khoảng 2%/năm, tương đương 2 tỷ đồng/năm. Chắc chắn chủ đầu tư sẽ tính chi phí này vào giá thành BĐS và người tiêu dùng phải gánh chịu.

Trước việc các doanh nghiệp BĐS băn khoăn phải có tài sản thế chấp mới được bảo lãnh và phí cao sẽ làm tăng giá thành căn hộ, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho rằng, gần như tất cả các doanh nghiệp làm dự án BĐS đều vay vốn ngân hàng và trước đó đã được ngân hàng thẩm định năng lực tài chính, tính khả thi của dự án nên khi chuyển qua bảo lãnh sẽ rất thuận lợi. Tài sản đảm bảo có thể bằng tín chấp, thế chấp chính dự án đó, từ dòng tiền thu được từ khách hàng khi bán nhà ở hình thành trong tương lai. Và nếu có quan hệ tốt với ngân hàng, có lịch sử giao dịch tín dụng tốt, làm ăn uy tín, doanh nghiệp có thể không cần phải có tài sản bảo đảm.

Ông Minh còn cho rằng: “Có thể khi thực hiện bảo lãnh, giá nhà sẽ tăng do chủ đầu tư đưa vào giá thành. Tuy nhiên, hiện phí bảo lãnh ở các ngân hàng đang rất cạnh tranh. Tùy vào uy tín của khách hàng mà phí bảo lãnh dao động từ 0,5-2,5%/năm. Khoản phí này không lớn nhưng điều quan trọng là người mua được bảo vệ quyền lợi”.

Người mua nhà được bảo vệ

Ngân hàng bảo lãnh mua nhà Ai lợi hình 1
Từ 1/7/2015, người tiêu dùng mua nhà sẽ được bảo vệ.

Chủ tịch HOREA, ông Lê Hoàng Châu, cho rằng: "Hiện nay trên thị trường có một số dự án lớn, chủ đầu tư uy tín và luôn được các ngân hàng để mắt đến và đã thực hiện ký bảo lãnh tín dụng, chắc chắn người mua nhà tại các dự án này sẽ yên tâm hơn".

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh, cho rằng quy định này là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng và loại những chủ đầu tư yếu kém, không đủ năng lực, tránh tình trạng rất nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí không giao nhà đất cho khách hàng như thời gian qua. Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, mong muốn ngân hàng bảo lãnh từng căn hộ thay vì toàn bộ dự án. Điều này sẽ giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, giảm rủi ro cho ngân hàng nhưng vẫn bảo vệ cho người tiêu dùng.

“Quy định bảo lãnh này là “đỉnh cao” của việc bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Tuy nhiên, luật cần phải đồng bộ, bởi thực tế còn nhiều vấn đề chưa được giải thích rõ trong các điều khoản. Nhà nước cũng nên đưa các đơn vị bảo hiểm vào tham gia vì tính chất của nó mang tính bảo hiểm nhiều hơn!”, luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ.

TS. Lê Bá Chí Nhân cho rằng: “Bảo lãnh BĐS sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên: người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngân hàng. Người tiêu dùng được chủ đầu tư giao đúng nhà, tiến độ, chất lượng… Ngân hàng kiểm soát được dòng tiền, tiến độ, khách hàng. Chủ đầu tư sẽ nâng cao công tác quản lý và trách nhiệm đối với khách hàng tức là lúc này doanh nghiệp sợ trễ tiến độ thì ngân hàng phạt”.

Cũng theo ông Nhân: “Vấn đề phí bảo lãnh BĐS là một chủ trương đúng, còn triển khai và thực hiện như thế nào là vấn đề khác nữa. Cho nên việc phải kết hợp giữa ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng lại với nhau thì thị trường sẽ lành mạnh, công khai, minh bạch hơn”.

 Tấn Lợi

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.