Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 16/08/2015, 06:58 AM

Loạn phí thẻ tín dụng

(NTD) - Thẻ ATM, thẻ tín dụng nói chung mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng thế nhưng, một thực tế hiện nay là người dùng thẻ đang phải “gồng mình” gánh nhiều chi phí cho việc sử dụng thẻ.

Xã hội ngày càng phát triển, việc sử dụng tiền mặt đang giảm dần, thay vào đó, Nhà nước khuyến khích người dân nên tập sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán. Còn nhớ giai đoạn gần 10 năm về trước, toàn thị trường thẻ ngân hàng tại Việt Nam chỉ có 2 loại thẻ nội địa được sử dụng trên máy ATM là Connect 24 của Vietcombank và F@st Access của Techcombank với tổng số lượng phát hành đạt 234.000 thẻ.

phí thẻ tín dụng

Giao dịch thẻ tín dụng tại HSBC tốn khá nhiều chi phí (hình ảnh khách hàng cung cấp).

Hiện nay, số lượng phát hành thẻ đã tăng lên hàng trăm lần so với thời điểm đó. Điều dễ dàng nhận thấy nhất, đại bộ phận người dân cũng đã khá quen thuộc đối với việc sử dụng thẻ thanh toán. Và mỗi người đều có trong tay từ 2-3 thẻ của các ngân hàng khác nhau.

Tuy nhiên, khi những “chiếc thẻ thần thánh” ra đời ngày càng nhiều thì đồng thời cũng xuất hiện các loại phí từ trên trời rơi xuống xung quanh những chiếc thẻ này.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) thông báo thu phí thường niên 60.000 đồng/năm thay vì miễn phí như trước đây. Chủ thẻ nội địa Eximbank, ACB cũng bị thu 1.100 đồng cho mỗi lần giao dịch. Ngoài ra, các loại phí khác cũng khiến người sử dụng đau đầu như: phí chuyển khoản cùng hệ thống, phí rút tiền, in sao kê, cấp lại mã pin, in hóa đơn, in bảng lương, chuyển tiền liên ngân hàng…

Chị Ngọc Lan, nhân viên văn phòng quận 1, bức xúc: “Nhà nước khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt nhưng ngân hàng lại tận thu quá nhiều khi sử dụng thẻ. Ngày trước rút tiền nội mạng còn được miễn phí, nay một số ngân hàng như ACB cũng thu 1.100 đồng mỗi lần giao dịch và còn nhiều phí phát sinh khác”.

Trong một diễn đàn về thẻ, chị Ngọc Thủy cũng chia sẻ: “Tôi đã sống ở Pháp vài năm, với 1 cái thẻ Visa tôi có thể rút tiền thoải mái từ bất kỳ máy ATM của tất cả các ngân hàng tại đây mà chẳng mất một đồng tiền phí, kể cả thanh toán ở khá nhiều nước trong EU cũng không mất phí. Vậy mà ở nước ta lại định thu phí nội mạng, kiểu này bỏ đi cho rồi”.

Không riêng gì thẻ ATM, sử dụng thẻ tín dụng hay thẻ Visa còn mất nhiều loại phí hơn nữa.

phí thẻ tín dụng1

Thẻ nhiều thì phí cũng nhiều.

Cụ thể, khi sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại các hệ thống ATM, người dùng thẻ sẽ bị mất 30.000 đồng cho mỗi lần rút. Cả việc in sao kê hoặc truy vấn số dư cũng tốn phí.

Anh V.N, nhân viên văn phòng tại quận 5, cho biết: “Tôi sử dụng thẻ tín dụng của HSBC mỗi lần rút tiền mặt lại bị trừ 30.000 đồng, chậm thanh toán cũng bị phạt rất nhiều. Tôi mong ngân hàng có chính sách gì đó để người dùng thẻ chúng tôi nhẹ bớt phần nào về phí thẻ”.

Đối với vấn đề về thẻ, TS. Nguyễn Trí Hiếu trả lời trên báo Dân Trí, nguyên nhân ngân hàng thu phí hoặc tăng phí ATM là do những năm qua ngân hàng chủ yếu chú trọng vào dịch vụ cho vay mà không quan tâm đến phát triển thẻ. Lợi nhuận ngân hàng trước đây lớn nên họ miễn phí dịch vụ. Nhưng hiện nay kinh doanh khó khăn, nguồn thu từ tín dụng giảm khiến các ngân hàng tăng cường thu phí trong đó có phí sử dụng dịch vụ thẻ và phí giao dịch trên thẻ.

Một nhân viên tín dụng tại Ngân hàng DongA Bank xin được giấu tên cũng chia sẻ: “Ngân hàng thu phí người dùng, sử dụng số tiền đó để cải thiện chất lượng dịch vụ tốt hơn chứ ngoài ra ngân hàng không hưởng được lợi gì nhiều từ những khoản tiền đó”.

Bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), cho biết: “Trên cơ sở pháp lý, việc thu phí sử dụng dịch vụ thẻ được Ngân hàng Nhà nước quy định theo lộ trình cụ thể và có sự kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, ABBank đã điều chỉnh chính sách thu phí phù hợp nhằm cung cấp đến khách hàng các dịch vụ tốt nhất và bù đắp một phần chi phí đầu tư mà ABBank đã bỏ ra nhằm tạo tiện ích cho khách hàng”.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, việc đưa ra các loại phí về thẻ của các ngân hàng là dựa theo chính sách Ngân hàng Nhà nước. Các khoản thu này ngân hàng sử dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện máy móc trang thiết bị được tốt hơn nhằm phục vụ người dân.

Có thể nói, phí dịch vụ thẻ là vấn đề gây tranh cãi muôn thuở giữa lợi ích người tiêu dùng và ngân hàng. Dẫu biết là để phục vụ người dân tốt hơn nhưng thiết nghĩ, các ngân hàng cần có chính sách thu phí hợp lý, đừng đột ngột đưa ra quá nhiều loại phí khiến người dùng bức xúc.

Tin tức mới nhất về Kinh doanh độc giả đọc tại đây.

 Ngọc Diễm

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.