Thứ hai, 30/01/2017, 10:00 AM

Ký sự nhân vật: Người đàn bà Việt trong số 53 “Phụ nữ dám làm” trên thế giới: Thà đốt lên ngọn nến!

(NTD) - “Xuân Ngọc Nguyễn, người Mỹ gốc Việt (SN 1954), nhà may thêu các loại áo cô dâu, nhà giáo dục từ thiện. Người đã được mô tả như nhân vật Vera Wang của miền Tây Bắc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ...” - Niên lịch 2008 “Women Who dare” (tạm dịch: Những người phụ nữ dũng cảm) của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đã ghi về bà như vậy. Tại Niên lịch này, ngoài bà còn có 52 phụ nữ nổi tiếng khác trên thế giới như Sally Ride - nữ phi hành gia đầu tiên của nước Mỹ; Carol Moeley Braun - người chống phân biệt chủng tộc; Valerie Andre - tướng phi công trong quân đội Pháp; Ellen Jonson Sirleaf - Nữ Tổng thống đầu tiên ở Phi châu; Anne Boleyn - mẹ của Nữ hoàng Elizabeth I... cũng được ghi danh!

FullSizeRender-10
 

Tuổi thơ bất hạnh

Nguyễn Ngọc Xuân là người con thứ 8 trong một gia đình có tới 10 anh em tại miệt Bình Chánh, TP.HCM. Do gia cảnh nghèo xác xơ, mẹ bệnh tật, cha mất sớm nên bà đã không một ngày được cắp sách đến trường. Vào năm 1968, lần đầu tiên bom đạn Mỹ “đụng” đến thôn quê của bà. Và, “chính người này đây, chồng tôi - bà Xuân chỉ vào Edward - ngồi trên trực thăng bắn xuống xóm làng của vợ”. Trận càn ấy đã khiến nhiều người chết, nhà cửa cháy rụi, hoang tàn... Thế là gia đình người nông dân đông con cùng những hàng xóm sống sót phải dắt díu nhau chạy loạn lên Sài Gòn. Nhưng, chỉ với mẹt trái cây “dặt dẹo” của người mẹ ốm đau, làm sao có thể nuôi nổi 11 miệng ăn? Do đó, khi vừa tròn 14 tuổi, bà đã phải làm cái nghề “bán trôn” khi chưa hề “có tháng” để lấy tiền phụ giúp gia đình. “Tôi không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là những chuỗi ngày cùng cực, là những phút giây ê chề, rời rã... Tôi không còn con đường nào khác!” - Bà bảo vậy và cho biết, để trụ được với nghề buôn hương khi cơ thể còn chưa “đầy đủ”, bà đã phải dùng đến cần sa và thuốc hỗ trợ...

Thế rồi, hạnh phúc vẫn đến với đứa trẻ vị thành niên sớm làm đàn bà ấy: Sau 2 năm đứng đường bán thân, bà có được người yêu và có thai.

Song, nghiệt ngã thay, hạnh phúc lứa đôi vừa đơm hoa đã vội héo tàn. Đó là, khi thai kỳ được 7 tháng thì người chồng chưa kịp cưới đã mãi mãi không trở về sau một trận giao tranh. Thế nên, chỉ mới sinh nở được 2 tuần người vợ tuổi chưa tròn 17 đã phải gửi đứa con đỏ hỏn cho mẹ đẻ để lại ra đứng đường với mảnh vải đen nhỏ xíu trước ngực - khăn tang!

FullSizeRender-9
 

Ngày tháng gian truân

Rồi “vận may” lại một lần nữa mỉm cười với bà, lại yêu và có con nhưng rồi lại một mình cô đơn vượt cạn, lại tiếp tục kiếm tiền nuôi 2 con thơ dại trong những tháng ngày nghiệt ngã, để đến năm 1974, bà khăn gói sang bên kia đại dương đoàn tụ gia đình và sống tại căn cứ không quân Malmstrom. Tại đây, bà hành nghề rửa chén cho câu lạc bộ Eddies Supper. Gần nơi bà làm việc có một cửa hiệu chuyên may đồ cưới. Do yêu thích thêu thùa, may vá từ nhỏ nên mỗi khi có dịp, bà lại đến đứng trước cửa hiệu may hàng giờ để ngẩn ngơ, mê mải ngắm những dải áo cô dâu thướt tha, quyến rũ. “Thế rồi, một buổi chiều, tôi lấy hết can đảm bước vô và ra hiệu (vì không biết tiếng Anh) xin việc làm. Thật may, bà chủ tiệm là người rất tốt. Bà đồng ý rồi dạy cắt may, dạy tiếng Anh cho tôi. Đã thế, bà còn cho phép tôi đem con vô để khỏi phải trả tiền thuê trông nom lũ nhỏ”- Bà Xuân nói.

Thế nhưng, nếu như công việc tiến triển tốt đẹp bao nhiêu thì hạnh phúc gia đình lại xuống dốc bấy nhiêu. “Có lẽ, cũng do tôi biết tiếng Anh. Ngày trước, trong gia đình, chồng tôi nói gì tôi cũng “ô kê”. Song, khi tôi biết tiếng rồi thì không còn chuyện đó: Anh ấy nói không đúng là tôi có ngay “ý kiến”! Hơn nữa, ngày ở Việt Nam do có cần sa, nay sang Mỹ làm gì còn nên chuyện quan hệ vợ chồng, nhiều khi, với tôi là một cực hình.

Năm 1985, bà Xuân chia tay chồng rồi ôm 3 con thơ đến cơ quan trợ giúp các gia đình cựu quân nhân chiến tranh Việt Nam đề nghị được giúp đỡ. “Nhưng nơi đây, người ta chỉ giúp cho các cựu quân nhân. Trong khi, tôi lại là phụ nữ Việt Nam...” do đó bà vẫn phải đơn thân bương chải giữa xã hội Mỹ đầy may rủi để kiếm tiền nuôi con và cả gửi về Việt Nam giúp đỡ gia đình.

FullSizeRender-7
 

Quá khứ luôn hiện hữu

Thời gian trôi, nhờ đức tính chịu thương, chịu khó nên không lâu sau bà Xuân đã mở được một hiệu may riêng (chuyên về áo cưới) ở Eugene. Cuộc sống dần ổn định, các con được ăn học đàng hoàng. Song, càng ngày hình ảnh của quá khứ, của một thời khổ nhục tại quê nhà càng “sống động”, hiện hữu trong bà. “Nhất là khi các con tôi nói rằng: Má ơi, ở trường con, người ta nói về Việt Nam không giống như má kể. Bởi thế, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó”. Và, được sự động viên của con, người mẹ chủ tiệm áo cưới gốc Việt mạnh dạn xin đến lớp học của chúng để dự một tiết lịch sử. Khi nghe thầy giáo giảng, “chiến tranh Việt Nam không phải do người Mỹ gây ra” con bà liền giơ tay: “Không đúng, có nhân chứng là má tôi đây. Đề nghị cho má tôi nói”. Thế là bà đứng lên, nói tất cả những gì mình cảm nhận được về cuộc chiến Việt Nam. Đó là, nhà tan cửa nát dưới cánh máy bay; là cảnh tha hương, máu đổ; là cảnh nghèo đói, thất học... Đặc biệt, bà kể về chính cuộc đời mình, về những người anh trai trốn lính và cả về nỗi tủi nhục, cay đắng của kiếp bán thân...

Cũng từ tiếng nổ của “quả bom” nhân chứng sống ấy, lời đồn về người phụ nữ bé nhỏ Việt Nam dám nói thật mọi điều về chiến tranh, về những gì sâu kín nhất của bản thân ngày một lan xa, kèm theo đó là những lời mời đến nói chuyện tại các trung tâm xã hội, các trường phổ thông trung học cũng như các trường đại học trên nhiều tiểu bang nước Mỹ. Bà Xuân bảo, các con đã động viên bà rất nhiều. Chúng nói, “má cứ bạo dạn lên, phát âm sai chính tả cũng nói. Chúng con luôn ở bên má mà!” “Có đêm tôi tỏ ra ngượng ngùng, thế là chúng cứ ngồi trên giường khóc cho tới sáng” - vừa nói người phụ nữ có quá khứ “bão giông” vừa nhìn lên bức ảnh mình chụp chung cùng 3 người con trai treo trên tường.

“Bà ấy cũng như tôi là người may mắn sống sót trong chiến tranh - Edward tiếp lời vợ - Năm 1966 tôi được đưa đến Việt Nam trong màu áo lính, để rồi Tết Mậu Thân 1968 tôi bị thương với những vết sẹo trên người. Nhưng, vết thương sâu nhất ở trong lòng thì mấy ai thấy được”? Theo Edward, ông và bà Xuân mới kết hôn được vài năm. Bởi, “tôi cảm phục người phụ nữ Việt Nam một mình nuôi 3 con nhỏ thành đạt trên đất Mỹ. Hơn thế, bà ấy đã dám nói lên sự thật!”

FullSizeRender-11
Bà Xuân cùng tác giả bài viết.

Dự án Ngày Mới và phần thưởng xứng đáng

Sau khi kết hôn với Edward cũng là lúc 3 người con đã ăn học trưởng thành, bà Xuân cùng chồng liền về Việt Nam. Bà nghĩ: Ngày xưa, vì chiến tranh mình phải làm cái nghề mà người đời khinh rẻ nhất, nhưng bây giờ hòa bình rồi vẫn có không ít cô gái sa chân vào con đường đó. Thế nên, cần phải làm một việc gì, dù là nhỏ nhoi, để giúp họ. Vậy là, New Day Project (Dự án Ngày mới) ra đời tại Mũi Né (Phan Thiết), nơi bà cùng chồng mua được một mảnh đất ven biển để cất nhà. Tuy nhiên, ngày ấy do pháp luật chưa cho phép Việt kiều mua đất nên bà phải nhờ người thân đứng tên. Và, sau khi mua xong, vì thua bạc, người này đã bán phắt mảnh đất, ôm tiền đi mất. Buồn rầu song không nản chí, bà Xuân lại cùng chồng tích cóp, gắng mua mảnh đất khác, nhỏ hơn, để rồi giữa năm 2005, ngay bên bờ biển được coi là Phuket của Việt Nam đã mọc lên một căn nhà nhỏ xinh. Ngôi nhà cũng chính là nơi ăn ở cho các cô gái một thời lầm lỡ. Tại đây, bà Xuân vừa là bảo mẫu, vừa là cô giáo dạy may vá, thêu thùa. Còn chồng, ông Edward, là người thầy tiếng Anh cũng như giúp các cô làm quen với vi tính, website... “Mỗi năm vợ chồng tôi sang Mỹ “cày” 6 tháng để lấy tiền về Việt Nam nửa năm, dạy cho các em. Tôi mong họ có được một cái nghề căn bản để lập nghiệp, không trở lại con đường bán thân nuôi gia đình như tôi xưa kia. Nhiều đêm, tôi ngủ không được, vì luôn mơ thấy người ta đang cào xé thể xác mình. Tôi rất sợ ban đêm là thế” - Chủ Dự án Ngày Mới “bật mí”!...

Còn nhớ, một ngày giáp Tết, vợ chồng bà tất tả từ Mũi Né vào Sài Gòn thăm bé Tường Vi, 6 tuổi, đang phẫu thuật tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình. Bà phone cho tôi. Nghe bà “a lô” đến đây, tôi chợt nhớ tới lời Edward: “Tôi đã nói với Xuân rằng, quá khứ đã trôi xa, những gì mất mát cũng đã qua hết rồi. Tôi và Xuân thà đốt một cây đèn cầy còn hơn là nguyền rủa bóng tối ngàn lần. Và, chúng tôi về đây là để đốt cây đèn đó. Những gì Xuân đã làm, dẫu còn rất nhỏ, nhưng thà có còn hơn không!”

Không chỉ thường xuyên xuất hiện tại các diễn đàn để nói về hậu quả của chiến tranh đối với phụ nữ, trẻ em... bà Xuân còn về Việt Nam thực hiện bộ phim “Regret to Inform” (Thương tiếc báo tin) của nữ đạo diễn người Mỹ Barbara Sonneborn. Trong tác phẩm điện ảnh này, bà đã tham gia, không chỉ với vai trò của người phiên dịch, người “dẫn chương trình” mà còn là một nhân chứng sống dám nói thật, nói thẳng về quá khứ của mình, đồng thời tố cáo mạnh mẽ tội ác do chiến tranh gây ra. Chính bởi tính chân thật nên năm 2000, “Regret to Inform” đã được trao giải Oscar. Chưa hết, cũng bởi những dám nói, dám làm, dám vượt qua chính mình mà năm 2006 bà Xuân đã được Tiểu bang Montana trao tặng giải thưởng Tinh thần hy vọng (Spirit of Hope), nhằm tôn vinh lòng nhân ái và những hoạt động thiết thực của bà.

Nói về cảm nghĩ của mình khi được in trên Niên lịch 2008 của Thư viện Quốc hội Mỹ, bà Xuân bảo: “Tôi hoàn toàn bất ngờ. Bất ngờ vì không thể nghĩ rằng mình lại được “xếp hàng” với những phụ nữ nổi tiếng trên thế giới như thế. Tôi thật hạnh phúc vì đã sống sót, đã vượt qua những gì tưởng không vượt qua nổi để nuôi con thành đạt và được trở về với quê hương để tự mình hàn gắn vết thương lòng”. Bà còn cho hay: Bà đã hoàn thành cuốn hồi ký 300 trang bằng cách, trong những lúc ngồi may bà vừa làm việc vừa đọc vào máy ghi âm để trên bàn, mỗi ngày một ít, tái hiện lại tất cả những gì cay đắng, cùng cực của cuộc đời mình, sau đó nhờ người ghi lại bằng tiếng Anh.
“Đôi lúc tôi rất hổ thẹn về quá khứ - bà Xuân bảo - Tôi hổ thẹn bởi những gì ông cha ta nói về giá trị của người con gái Việt Nam. Cho đến giờ tôi vẫn không dám mặc áo dài vì áo dài tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khiết. Còn nữa, như anh thấy đấy, nhà tôi hầu như không có gương. Bởi, nhiều khi tôi rất sợ đối diện với chính mình, với đôi mắt chứa đựng những quá khứ đau buồn!” Quả vậy, tôi nhìn quanh và tuyệt nhiên không thấy một chiếc gương nào, cũng như trên người bà, hầu như không có những đồ trang sức “lung linh, hoành tráng”, khác hẳn với nhiều phụ nữ Việt kiều mà tôi đã gặp!

Mạc Hồng Kỳ

Xuân34
 

 

Bình luận

Nổi bật

Toàn cảnh cây cầu 'độc lạ' dài hơn 1.200m, có nhịp dẫn 2 tầng cao 36m xoắn 720 độ

Toàn cảnh cây cầu 'độc lạ' dài hơn 1.200m, có nhịp dẫn 2 tầng cao 36m xoắn 720 độ

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 16:01

Có nhiều người cho rằng thiết kế của cầu là rườm rà và phí phạm tiền của nhưng thực tế thì những cây cầu như này lại tiết kiệm và có nhiều lợi ích bất ngờ.

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 15:33

(CL&CS) - Ngành vi mạch bán dẫn là ngành quan trọng hiện nay, trong đó năng lực công nghệ là yếu tố quyết định, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp.

Tương lai của ASEAN là chuyển đổi số, một ASEAN số

Tương lai của ASEAN là chuyển đổi số, một ASEAN số

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 15:33

(CL&CS) - Phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phát triển nhanh chính là phát triển kỹ thuật số, còn phát triển bền vững là phát triển xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là nhân tố quan trọng nhất trong những thập kỷ tới, tương lai của ASEAN chính là tương lai số.