Thứ năm, 02/04/2020, 13:47 PM

Hải Vân Quan hùng vĩ kết nối Nam - Bắc

(CL&CS) - Dừng chân ở Hải Vân Quan (một kiểu Vọng Hải Đài) di tích vừa được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đứng trước mây trời, cảnh quan hùng vĩ con người như khờ dại, mơ màng, nghĩ ngợi mông lung: “Đã sinh ra kiếp đàn ông/Đèo cao, núi thẳm, sông cùng quản chi”.

Theo ghi chép của sử sách, đèo Hải Vân vốn là đất hai châu Ô, Lý của vương quốc Chămpa. Từ năm 1306, sính lễ của đám cưới của vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân nhà Trần đã đưa vùng đất này thuộc về Đại Việt, Hải (Ải) Vân trở thành ranh giới giữa Chămpa và Đại Việt. Cho đến 1471, sau trận chiến ác liệt của vua Lê Thánh Tông ở thành Đồ Bàn, đèo Cù Mông trở thành ranh giới mới giữa hai quốc gia: Phía bắc thuộc về Đại Việt và phía nam - theo sử sách thì vua Lê đã chia làm ba tiểu quốc: Hoa Anh, Nam Bàn và Chăm Pa. Mãi đến 1611 khi thành lập Phủ Phú Yên thì đèo Cù Mông mới hết vai trò ranh giới “quốc gia”. Từ thế kỷ 17, công cuộc “Nam tiến” bớt nạn binh đao mà phần lớn là nhờ “nông dân đi trước làng nước (chính quyền) theo sau”.

a
Gạch đá tự nhiên tạo nên sự hấp dẫn cho du khách tham quan với sự bền bỉ lâu đời của chúng.

Trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán (một nhà sư người Trung Hoa) viết: “... Đi ngựa không được, phải đổi sang võng. Dân ở dưới đèo rất khổ, quan binh đi đông, bắt phu không đủ, người ta phải vào lùng bắt từng nhà, nếu không có người, thì trong nhà có mâm nồi gì, quan đều tịch thu hết”.

Còn đây là một cảnh bắt phu ở chân đèo Hải Vân: “Ngày ấy bắt được mấy người dân nghèo gầy gò giơ xương, người nào cũng bới tóc đứng kêu vang rất thảm thiết”. Trên đỉnh đèo, do mây mù phong kín suốt năm lại còn ẩm ướt như mưa, nên sớm muộn gì, người ở Thuận Quảng cũng phải nghĩ đến việc làm nhà trọ trên đỉnh đèo Hải Vân: Một quán nhà ba gian, vừa thắp đèn. Khách trong quán thấy đai võng đến đều bỏ chạy vào rừng trốn, vì sợ bắt phu”.

Thích Đại Sán bèn nghĩ ngay đến việc quyên góp để làm một con đường thông đèo Hải Vân. Bài phú mở đèo này được chép ra thành nhiều bản và phát không cho mọi người, trong đó có câu: “Kẻ giúp của, người giúp công, đông tây vỗ nên bộp - anh tấm gạch, tôi viên đá, muôn trượng đắp thành đường”.

a1
Những đoạn đường cong tạo nên sự hấp dẫn cho những người thích đi phượt qua đây

Năm Bính Tuất 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan - một kiểu Vọng Hải Đài để tăng cường phòng thủ cửa Hàn/vũng Thùng theo hướng tây đông, đồng thời đóng vai trò một cứ điểm phòng thủ kinh thành Huế từ xa trên đường thiên lý bắc nam.

Chính vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ kêu gọi dân đến làm nhà sống trên đỉnh đèo Hải Vân. Nhà vua còn ban bố một loạt chính sách nhằm dân cư hóa đèo Hải Vân: “Phủ Thừa Thiên và tỉnh hạt Quảng Nam đều dụ khắp cho nhân dân trong hạt có người nào chịu đến ở hai bên đường núi đèo Hải Vân làm nhà để ở thì tất cả thuế thân, binh lính, giao dịch, được miễn hẳn; còn ruộng vườn khai khẩn được, trồng trọt hoa lợi lúa thóc, cũng cho miễn thuế; trong đó xét ra hễ người nào không có vật lực dời nhà làm ở chỗ khác được, thì quan liêu cấp vốn cho, để cho từ đầu núi đến chân núi, từng đoạn nhà nối tiếp, cho người đi đường đói ăn khát uống, có chỗ nghỉ ngơi, như thế, người ở đây cũng được nhờ vả, mà người đi đường lại bớt tình trạng mệt nhọc”. (Minh Mạng năm thứ 19 (1838), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ).

Nhà vua còn nghĩ đến việc trồng cây để lấy bóng mát cho người đi đường, đó chính là cây mít, vì mít có bóng mát để nghỉ ngơi, có gỗ để làm nhà, có trái để ăn. Nhưng đèo Hải Vân vắng người qua, vì vẫn còn nhiều nỗi nguy hiểm dọc đường. Theo truyền thuyết thì mãi cho đến trước Cách mạng tháng Tám, ở hai bên chân đèo, có hai bãi đất trống cắm những cây sào nhọn dành cho người đi đường. Người ta sẽ mang theo một chiếc sào bịt sắt nhổ ở bãi đất bên này và cắm trả lại ở bãi đất phía bên chân đèo, để đề phòng gặp cọp.

Có lẽ vì thế nên, không phải ngẫu nhiên mà trên đỉnh đèo Hải Vân lại có cửa ải tên là Hải Vân Quan và cũng không phải ngẫu nhiên đôi khi người Việt gọi tắt Hải Vân bằng cái tên Ải Vân đầy sắc thái biên cương. Xây ngay từ đời Trần, cửa ải này được trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ Hải Vân Quan, cửa trông xuống Quảng Nam đề Thiên hạ đệ nhất hùng quan (danh hiệu do Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở vịnh Đồng Long/vũng Thùng vào năm Canh Thìn - 1470).

Thực tế đường đèo Hải Vân đầy hiểm trở - và trở nên hấp dẫn nhờ cái hiểm trở ấy - vẫn đang là địa chỉ du lịch thu hút nhiều du khách thích phiêu lưu. Đó mới chính là lý do vì sao du khách vẫn tìm đến với cái hoang phế của Hải Vân Quan - như một kết hợp hợp lý của kịch bản vượt đèo tìm cảm giác mạnh, chứ người ta không đến với Hải Vân Quan như đến với một di tích lịch sử từng có lần mang danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Vượt qua 21 cây số đường đèo mới thấm thía lý do vì sao ông cha xưa lại đặt tên những rặng núi thuộc dãy Trường Sơn vươn ra sát biển là Hải Vân: sóng biển luôn vỗ dưới chân đèo và trên đỉnh đèo thì mây mù bao phủ quanh năm suốt tháng. Đèo Hải Vân còn được xem như một ranh giới tự nhiên tạo nên sự khác biệt về khí hậu giữa bên này đèo với bên kia đèo… Thật ra sự khác biệt khí hậu này đang ngày càng mờ nhạt, tuy vẫn còn khác nhau nhưng không đáng kể.

Thế Sơn - Minh Triết

 

Bình luận

Nổi bật

Công nghệ lượng tử: Công nghệ của tương lai

Công nghệ lượng tử: Công nghệ của tương lai

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:16

(CL&CS) - Sự phát triển của các công nghệ điện toán lượng tử ngày nay là một nỗ lực toàn cầu. Tất cả các châu lục đều là nơi có các công ty và chính phủ tích cực hỗ trợ việc tạo ra các giải pháp điện toán lượng tử mới. Các quốc gia có các cụm nghiên cứu và phát triển (R&D) lượng tử hàng đầu trên toàn cầu đã thực hiện các khoản đầu tư chiến lược để nắm bắt một phần chuỗi cung ứng điện toán lượng tử trong tương lai và tạo ra khả năng tiếp cận chiến lược và độc lập với các khả năng trong tương lai.

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo

Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 14:59

(CL&CS) -Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sản xuất trong nước, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo thuộc Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris).

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo - hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo - hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 14:09

(CL&CS) - Mới đây, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 2024 là: “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.