Dữ liệu cũ
Thứ hai, 29/06/2015, 06:33 AM

GS-TS. Trần Văn Khê: Trước lúc ra đi chỉ muốn nghe lại tiếng đàn tranh

(NTD) - GS-TS. Trần Văn Khê, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, nhà văn hóa lớn của dân tộc đã từ trần ở tuổi 94. Ngay cả khi sắp nhắm mắt xuôi tay, Giáo sư vẫn còn rất nặng lòng với văn hóa cổ truyền Việt, những giá trị ông đã theo đuổi cả cuộc đời.

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời vào rạng sáng 24/6 tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM. Theo bản di nguyện do Giáo sư lập ra, thi hài sẽ được quàn tại tư gia (đường Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh). Lễ viếng bắt đầu từ 12g trưa ngày 26/6 đến hết ngày 28/6. Lễ động quan diễn ra vào 6g sáng 29/6. Sau đó, linh cữu ông được đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

tran van khe2

GS-TS Trần Văn Khê và vợ.

Di nguyện của Giáo sư là muốn tang lễ được thực hiện theo nghi thức Phật giáo, còn tro cốt được đặt dưới bàn thờ ông bà ở đường Huỳnh Đình Hai. Tại tang lễ sẽ có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt. Còn số tiền phúng điếu sẽ được dùng để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông, hàng năm trao cho người có năng khiếu và đam mê nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tâm nguyện cuối cùng trước khi ông hôn mê là được nghe lại tiếng đàn tranh của người bạn tri kỷ - nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Khi hay tin, nhạc sư đã tức tốc thu âm vài đoạn độc tấu gửi đến cho người bạn của mình. Theo chia sẻ từ phía gia đình, Giáo sư Khê tuy khi đó sức khỏe đã rất yếu nhưng khi nghe tiếng đàn cất lên tinh thần lập tức tỉnh táo lạ thường. Ông nghe chăm chú và thỉnh thoảng còn chảy nước mắt. Có lẽ ngay giây phút sắp ra đi, tấm lòng của ông với âm nhạc dân tộc vẫn vẹn nguyên.

tran van khe1

GS-TS Trần Văn Khê.

Sinh năm 1921 tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Giáo sư là con cả của một gia đình có 4 đời nhạc sĩ. Ông nội là Trần Quang Diệm, nghệ sĩ đàn tỳ bà, cha là Trần Quang Triều, mà giới tài tử trong Nam thường gọi là ông Bảy Triều, cao thủ đàn độc huyền (đàn bầu), và đàn kìm (đàn nguyệt). Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, mới lên 6 tuổi Giáo sư đã chơi thành thạo đàn kìm, 8 tuổi đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi đàn tranh, đánh trống nhạc... Bố mẹ mất khi chưa tròn mười tuổi, ông sống với người cô ruột cho đến ngày khôn lớn. Năm 1942, Giáo sư ra Hà Nội học y khoa. Năm 1943, ông cưới bà Nguyễn Thị Sương - người bạn gái học cùng lớp. Sau khi trở về Nam, năm 1944 ông sinh con trai đầu lòng là Trần Quang Hải, sau này cũng là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam danh tiếng.

tran van khe

GS-TS Trần Văn Khê cùng các nghệ sĩ hòa nhạc trên sông nước. Ảnh: Duy Anh

Ông sang Pháp năm 1949, thời kỳ đầu ông theo học ngành Y. Tuy nhiên, do điều kiện không thuận lợi để xin học bổng, ông quyết định chuyển qua khoa nhạc học dưới sự chỉ đạo của các giáo sư, nhạc sĩ kỳ cựu như Jacques Chailley, Emile Gaspardone và André Schaeffner. Thời gian này dù bị nhiều loại bệnh tật hành hạ, nhưng Giáo sư vẫn đạt nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và luôn được xếp vào hàng ngũ sinh viên tiêu biểu. Trong lúc điều trị bệnh lao tại Nhà dưỡng lao sinh viên chính là lúc ông quyết định ghi tên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne năm 1958, chính thức bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và giới thiệu nhạc cụ dân tộc truyền thống Việt Nam ra thế giới.

Từ năm 1963 ông giảng dạy môn thực tập đàn tranh và lớp lý thuyết, ngôn ngữ âm nhạc các nước châu Á trong Trung tâm Nghiên cứu nhạc Đông Phương, dưới sự bảo trợ của Viện Nhạc học Paris. Trong gần 20 năm làm việc ở Pháp, ông đã liên tiếp được tưởng thưởng bởi hàng chục giải thưởng lớn nhỏ không chỉ từ nước sở tại mà còn từ nhiều quốc gia khác, nơi các công trình nghiên cứu âm nhạc của ông gây được sức ảnh hưởng rất cao. Tuy là người rất am hiểu về âm nhạc dân gian, nhưng Giáo sư vẫn liên tục theo dõi và cập nhật những xu hướng mới. Điều đó giúp ông có được một cái nhìn cởi mở và đa chiều đối với âm nhạc truyền thống, làm tăng thêm giá trị cho các nghiên cứu của ông. Nửa thế kỷ sống và làm việc ở nước ngoài, chu du qua 67 nước trên thế giới để nói chuyện, giảng dạy về âm nhạc dân tộc Việt, có thể nói công lao của Giáo sư Trần Văn Khê trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới là không thể đong đếm được.

Giáo sư quay về nước định cư từ năm 2003 ở tuổi 82. Năm 2004, ông chuyển về nước hàng ngàn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video... được đóng gói trong hơn 460 kiện hàng đi theo đường biển chở từ Pháp về Việt Nam. Đây là khối tư liệu vô giá được ông tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc, hiện đang được lưu trữ tại Viện Bảo tàng TP.HCM. Trong một bài phỏng vấn vào năm 2006, Giáo sư tâm sự: "Tôi luôn mong ước được về Việt Nam, có một ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để làm việc. Đó là nơi tập trung và giữ gìn những tư liệu mà cả đời tôi gom góp được, để sau này cho thế hệ trẻ Việt Nam đến xem, để các bạn có thể đối thoại với các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới". Hiện căn biệt thự nhỏ nằm trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh là nơi lưu trữ toàn bộ hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và sự nghiệp của ông.

Sự ra đi của Giáo sư là một mất mát rất lớn cho nền âm nhạc Việt. Nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ: "Giáo sư Trần Văn Khê không những có công lớn trong việc đưa bản sắc Việt Nam ra thế giới mà còn góp phần rất lớn vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa Việt khỏi bị mai một. Chính ông là người đã giới thiệu và vinh danh nghệ nhân – NSND Quách Thị Hồ ra thế giới, trong bối cảnh nghệ thuật Ca trù đang bị quên lãng. Ông cũng là người giới thiệu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, những công trình nghiên cứu, bài viết của ông là nguồn tài liệu tham khảo đáng quý, giúp các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Có thể nói, trong tương lai khó có thể tìm được ai tâm huyết với âm nhạc dân tộc Việt như ông.

- Năm 1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.

- Năm 1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).

- Năm 1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Prix UNESCO - CIM de la Musique).

- Năm 1991: Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp.

- Năm 1993: Được phong Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Văn chương Nghệ thuật châu Âu.

- Năm 1995: Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật).

- Năm 1998: Huy chương Vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam.

- Năm 1999: Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương trao. Cũng trong năm này ông nhận Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Bộ Giáo dục Pháp .

- Năm 2011: Giải thưởng “Thành tựu trọn đời trong âm nhạc” do Ủy ban kết nghĩa Việt - Mỹ của hai thành phố San Francisco và TP.HCM trao tặng.

- Năm 2013: Ủy ban nhân dân TP.HCM trao tặng Huy hiệu TP.HCM cho Giáo sư Trần Văn Khê.

Ông là thành viên danh dự suốt đời của Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO.


Vương Giang/Ảnh: Q. Minh - L.C

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.