Thứ tư, 24/06/2015, 07:38 AM

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản: Nỗi lo không dứt

(NTD) - Hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Nhật..., đều phải đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không được vượt mức cho phép của các quốc gia này. Đối với thị trường trong nước, vấn đề đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản lại không được chú trọng.

PV Báo Người Tiêu Dùng đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đất – Phân bón và dinh dưỡng cây trồng nông nghiệp, để tìm hiểu vấn đề trên.

PV: Thưa giáo sư, ông nhận định về tình trạng tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông sản hiện nay trên thị trường như thế nào?

GS.TS Nguyễn Đăng Nghĩa:

Để trả lời chính xác câu hỏi, cần có số liệu kết quả phân tích các chỉ tiêu có khả năng gây độc cấp tính và gây độc mãn tính có trong các loại nông sản sau thu hoạch có liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc BVTV và các loại nông dược khác. Các số liệu này đòi hỏi phải được theo dõi cập nhật thường xuyên trên các vùng miền của đất nước (ưu tiên tập trung cho các đô thị và thành phố lớn). Mặc dù, thi thoảng cũng có một vài đơn vị chức năng (như Chi cục BVTV, Trung tâm y tế dự phòng…) có thông báo hoặc báo cáo tổng kết về tình hình kiểm tra theo dõi dư lượng thuốc BVTV trên rau quả nhưng không thể bảo đảm tính an toàn cho tất cả các loại nông sản sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu từ nước ngoài theo từng giai đoạn (tuần, tháng, quý). Đây chính là vấn đề còn tồn tại mà người tiêu dùng cũng cần phải quan tâm.

GSTS Nguyen Dang Nghia

GS. TS Nguyễn Đăng Nghĩa.

PV: Thưa ông, những phương pháp xử lý tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hiện đang được áp dụng cho các sản phẩm nông sản là gì?

GS.TS Nguyễn Đăng Nghĩa:

Tất cả các phương pháp xử lý tồn dư thuốc BVTV hiện đang áp dụng chỉ có hiệu quả trên bề mặt phía ngoài của rau, hoa quả tươi mà thôi, các phương pháp này chỉ có hiệu quả khi thuốc BVTV mới bám ở phía ngoài, hoặc hiệu quả để loại trừ các vi sinh vật gây bệnh trước khi đóng gói. Hiện tại, trên thế giới cũng chưa có một phương pháp khả thi nào có thể loại bỏ lượng tồn thuốc BVTV nay đã xâm nhập sâu vào phía trong của rau hoa quả tươi (tồn tại trong các dịch bào). Còn những loại thực phẩm đã qua công nghệ chế biến thì vô phương.

PV: Hiện tại đang rộ lên phong trào tự trồng rau sạch tại nhà như trồng rau trên sân thượng của các cư dân sống ở thành thị, liệu việc tự trồng trọt này có gây hại gì đối với sức khỏe, thưa giáo sư?

GS.TS Nguyễn Đăng Nghĩa:

Hiện nay do nhãn hiệu rau an toàn lưu thông trên thị trường còn nhiều bất cập như sản lượng cung cấp cho siêu thị hay các cửa hàng bán lẻ không đủ số lượng, thành phần chủng loại rau không đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, đã có nhiều cơ sở phải thu mua rau từ nơi khác đem về cơ sở của mình xử lý, đóng gói và dán nhãn rau an toàn. Chính vì những bất cập như thế nên người tiêu dùng ở một số đô thị đang tự tìm cách trồng rau tại ngay khu nhà mình (sân thượng, ban công…). Đây chính là giải pháp “Tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nếu biết kỹ thuật trồng rau sạch thì không những không làm ảnh hưởng xấu đến môi trường mà còn có giá trị tích cực trong việc cải thiện môi trường đô thị, mỗi m2 cây xanh/căn hộ tại đô thị có được thì việc cải thiện môi trường vô cùng hiệu quả. Đương nhiên đây mới chỉ là giải pháp tình thế cần phải có tư vấn của các nhà khoa học và các cơ quan chuyên môn. Một số quốc gia cũng đã đánh giá việc trồng rau sạch tại căn hộ đô thị như một nét góp phần xây dựng đô thị xanh.

PV: Theo ý kiến của ông, các cơ quan chức năng phải làm gì để người tiêu dùng Việt Nam được dùng nông sản “sạch”.

GS.TS Nguyễn Đăng Nghĩa:

Vấn đề làm sao để người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng nông sản sạch? Đây không chỉ duy nhất dành cho người tiêu dùng hiện tại mà chính là tương lai sức khỏe của cả một thế hệ trẻ kế tiếp, nó còn liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội của một quốc gia.

Muốn có nông sản sạch cho người tiêu dùng thì phải có quy chuẩn sạch cho nông sản, có quy trình kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch, quy trình đóng gói bảo quản, tồn trữ, lưu thông phân phối. Để bảo đảm niềm tin cho người tiêu thụ thì cần phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong lưu thông để người tiêu dùng thực sự yên tâm là hàng thật chứ không phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng sạch. Như vậy, phải có cơ chế chính sách, sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa ba bộ quản lý liên quan:

+ Bộ NN - PTNT chịu trách nhiệm tổ chức để có các vùng sản xuất nông sản sạch theo quy chuẩn quốc gia và phải được giám sát chặt chẽ.

+ Bộ Công Thương chịu trách nhiệm lưu thông phân phối sao cho đến tận người tiêu dùng phải là nông sản sạch, không có hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Các hệ thống siêu thị, cửa hàng phân phối phải chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng của mình, không được đổ lỗi cho nơi cung cấp.

+ Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc kiểm soát các độc tố trong nông sản (kể cả nội địa và nhập khẩu) và phải có trách nhiệm thông báo, công bố trên các hình thức thông tin đại chúng để người tiêu dùng được rõ.

 Xin cảm ơn giáo sư!

Muốn có nông sản sạch cho người tiêu dùng thì phải có quy chuẩn sạch cho nông sản, có quy trình kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch, quy trình đóng gói bảo quản, tồn trữ, lưu thông phân phối. Để bảo đảm niềm tin cho người tiêu thụ thì cần phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong lưu thông để người tiêu dùng thực sự yên tâm là hàng thật chứ không phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng sạch.

Thúy Hồng

Bình luận

Nổi bật

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng quy chuẩn quốc gia quản lý chất thải rắn

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Xây dựng quy chuẩn quốc gia quản lý chất thải rắn

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 15:37

(CL&CS) - Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị sẽ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn. Đồng thời sẽ có hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Quy chuẩn quốc gia về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Quy chuẩn quốc gia về quản lý chất thải rắn sinh hoạt

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:18

(CL&CS) - Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bãi chôn lấp chất thải rắn. Bộ cũng sẽ có hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn.

Sớm hoàn thiện 28 quy chuẩn quốc gia về môi trường

Sớm hoàn thiện 28 quy chuẩn quốc gia về môi trường

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 12:34

(CL&CS) - Theo Quyết định số 558/QĐ- BTNMT ngày 23/3/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được giao xây dựng 28 quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia của Việt Nam (QCVN).