Dữ liệu cũ
Thứ hai, 04/11/2019, 16:13 PM

Cuộc mặc cả thương mại Mỹ - Thái

(NTD) - Thái Lan tuyên bố cấm nhập ba loại nông dược từ Hoa Kỳ, “người anh lớn” ngay lập tức trả đũa bằng lệnh đình chỉ các ưu đãi thuế quan dành cho Thái Lan trong hơn 45 năm qua. Liệu cuộc giằng co thương mại Mỹ - Thái sẽ trở thành cuộc chiến thương mại mới?

Cấm thuốc trừ sâu và diệt cỏ của Hoa Kỳ

Thái Lan vẫn tiếp tục lệnh cấm đối với ba loại hóa chất nông nghiệp từ Hoa Kỳ bất chấp phản đối kịch liệt của gã khổng lồ. Từ 1/12/2019, loại thuốc diệt cỏ dạng nước (herbicides paraquat), thuốc diệt cỏ dạng khô (glyphosate) và thuốc trừ sâu (chlorpyrifos) bị nâng cấp từ hóa chất có hại loại 3 thành hóa chất độc hại loại 4 và bị cấm sản xuất, sử dụng, sản xuất và xuất nhập khẩu.

Bangkok Post đưa tin Thủ tướng Prayut Chan-O-cha tuyên bố sẽ cử các quan chức đến trao đổi và giải thích rõ với tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Bangkok quan điểm của chính phủ Thái Lan. Trong khi đó, Hoa Kỳ dự kiến sẽ nêu vấn đề tại Hội nghị thượng đỉnh Asean. Quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ là: Ba loại hóa chất trên đã được khoa học chứng minh là vô hại với sức khỏe con người và động vật, và đang được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) cũng chứng thực điều này.

Lệnh cấm sẽ chặn đường vào thị trường Thái Lan của ba loại hóa chất trên. Lệnh cấm cũng sẽ ảnh hưởng đến nhập khẩu đậu nành, lúa mì và nông sản của Hoa Kỳ vào Thái Lan vốn có dư lượng thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu ở nồng độ được phép của luật định Hoa Kỳ. Tổ chức bảo vệ chủ quyền nông thực phẩm và đa dạng sinh học Thái Lan (Biothai) ước đoán lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến 51 tỷ baht (tức 1,7 tỷ USD) trong tổng lượng hàng nông sản trị giá 73,2 tỷ baht từ Hoa Kỳ, tức 70% lượng nhập khẩu nông sản.

Biothai nói rằng Hoa Kỳ phản đối lệnh cấm của Thái Lan vì sự khuynh loát dữ dội của Tập đoàn hóa nông nghiệp Monsanto. Các loại thuốc diệt cỏ glyphosate của đại công ty này có tên thương mại là Roundup.

a
Hoa Kỳ đang gây áp lực với Thái Lan nhằm gỡ bỏ lệnh cấm đối với ba loại thuốc trừ sâu và diệt cỏ của Hoa Kỳ. (Ảnh: Bangkok Post).

Cắt ưu đãi thuế suất bằng không

Hội nghị thượng đỉnh Asean và 8 đối tác - gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ - diễn ra tại Bangkok từ 31/10-4/11. Hợp tác chống khủng bố, tự do và an toàn hàng hải và tự do thương mại sẽ là các vấn đề chính của các cuộc họp.

Trong khi ASEAN và các đối tác khẳng định hợp tác trong việc dỡ bỏ thuế quan, mở cửa thị trường thì Ấn Độ và Hoa Kỳ đi ngược lại. ASEAN và 6 nước (gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ) đang ráo riết bàn thảo và mong muốn tiến đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực tích cực (RCEP), nhưng vào giờ chót hôm 30/10 Ấn Độ tuyên bố chưa sẵn sàng để ký RCEP.

Các vấn đề căng thẳng thương mại song phương giữa Thái Lan và Hoa Kỳ cũng như thương mại đa phương được bàn thảo.

Việt Nam sẽ là chủ tịch luân phiên các cuộc họp giữa 10 nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với đối tác vào năm 2020 sắp tới.

Hoa Kỳ dành cho Thái Lan chế độ miễn thuế trong chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan (GSP) khởi sự năm 1974 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển. Khoảng 1,8 tỷ USD hàng hóa Thái Lan được hưởng thuế suất 0%, tuy vậy Bộ Thương mại nước này nói hiện họ chỉ sử dụng cơ chế ưu đãi này với 1,3 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu.

Kể từ 25/5/2020, Hoa Kỳ áp thuế suất 4,5% với 573 mặt hàng của Thái Lan, tức khoảng 1/3 số mặt hàng được miễn thuế thực hiện từ năm 1974. Bộ Thương mại Thái Lan ước tính hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ giảm 28,8-32,8 triệu USD trong năm 2020.

Khi công bố chấm dứt ưu đãi thuế với Thái Lan hôm 25/10, Tổng thống Donald Trump nói rằng việc đình chỉ là hệ quả của việc “Thái Lan lơ là trong việc bảo vệ quyền lao động ở Thái Lan theo các chuẩn mực quốc tế”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lao động Thái Lan Chatu Mongol Sonakul lại khẳng định rằng các luật về lao động của vương quốc này cung cấp các biện pháp bảo vệ cần thiết đối với công nhân.

Bộ Thương mại Thái Lan tuyên bố tuần rồi sẽ thương lượng lại với Hoa Kỳ về việc đình chỉ một phần các ưu đãi miễn thuế suất đối với hàng Thái Lan trong khi nước này tìm kiếm thị trường mới nhằm giảm bớt thiệt hại.

“Hoa Kỳ đã xét lại quy chế thương mại đặc biệt dành cho Thái Lan dưới góc cạnh pháp lý của riêng họ. Chúng ta sẽ cố gắng thương lượng lại trước khi việc đình chỉ ưu đãi thuế quan có hiệu lực trong vòng sáu tháng tới” - ông Keerati Rushchano, quyền Tổng Giám đốc Cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, phát biểu.

Theo Cục Thống kê Hoa Kỳ, Thái Lan đạt thặng dư mậu dịch 19,4 tỷ USD đối với Hoa Kỳ trong năm 2018.

Giới phân tích nói rằng Hoa Kỳ đã đình chỉ ưu đãi GSP như một biện pháp trả đũa đối với Thái Lan khi nước này liên tục cấm sử dụng một số loại hóa chất của Hoa Kỳ trong chăn nuôi và trồng trọt. Thái Lan đã cấm sử dụng ractopamine trong chăn nuôi heo hơn 15 năm qua. Lệnh cấm này đã khóa chặt đường vào thị trường Thái Lan của thịt heo Hoa Kỳ bởi loại thuốc này được sử dụng rộng rãi trong các trang trại ở Hoa Kỳ nhằm giúp heo nuôi tăng tỷ lệ nạc và tăng trọng. Tiếp đến là lệnh cấm thuốc trừ sâu và diệt cỏ.

Cuộc mặc cả với ông Trump

Thái Lan đang hy vọng có thể thương thuyết thành công để giành lại ưu đãi GSP.

Khi công bố rút ưu đãi GSP với Thái Lan, ông Trump cũng thông báo sẽ áp dụng lại chế độ ưu đãi thuế với Ukraine. Trước đây, Ukraine đã bị trừng phạt nặng nề bởi không bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Hoa Kỳ, nhưng sau đó đã “đạt được tiến bộ đáng kể” - theo lời ông Trump. Trước đó, Ấn Độ bị tước ưu đãi thuế suất vào tháng 6/2019 vừa rồi bởi không đáp ứng đòi hỏi mở cửa thị trường của ông Trump.

“Trong khi tiếp tục thương lượng với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty Thái tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi và Đông Âu” - ông Keerati phát biểu.

Thái Lan vẫn tìm cách để hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung này bằng cách quảng bá đất nước họ là “điếm đến tuyệt vời” cho các công ty dời hãng xưởng từ Trung Quốc. Các gói định cư với các ưu đãi thuế được tung ra để cạnh tranh với người láng giềng Việt Nam. “Mất ưu đãi thuế quan GSP là một mất mát lớn trong sức hấp dẫn và thu hút các công ty có ý định di dời hãng xưởng từ Trung Quốc” - tờ Nikkei Asian Review bình luận.

Ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đến Bangkok để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Asean và đối tác. Xét bối cảnh thế giới và khu vực, đình chỉ ưu đãi thuế quan được xem là “chiêu mặc cả đáng giá” của chính quyền ông Trump để đạt được các lợi thế thương mại cho Hoa Kỳ.

Các chuyên gia kinh tế Việt Nam nói rằng giằng co thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Thái Lan - một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ trong khu vực - cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn mới.

Việt Nam hiện nhập ba loại nông dược của Hoa Kỳ tương tự như các loại Thái Lan cấm, nhưng khác là Việt Nam chưa cấm lưu hành. Ở góc độ thương mại, thặng dư mậu dịch năm 2018 của Việt Nam với Hoa Kỳ là 19,5 tỷ USD - tương tự như con số của Thái Lan.

Mức thặng dư mậu dịch của Việt Nam với Hoa Kỳ vượt quá 20 tỷ USD từ năm 2014 và đạt 39,5 tỷ USD trong năm ngoái - mức cao kỷ lục từ năm 1990. Khi thặng dư với Hoa Kỳ vượt mốc 20 tỷ, quốc gia đó sẽ lọt vào danh sách theo dõi đặc biệt của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump đã sử dụng lá bài thặng dư để tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Nga và Liên hiệp châu Âu (EU).

Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt trên 45 tỷ USD trong chín tháng đầu năm. “Với con số kỷ lục này, Việt Nam vẫn còn nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump và khó có thể biết chắc được ông sẽ thực hiện điều gì” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Việt Nam đã thực hiện những động thái nhằm thay đổi chiều hướng với dự án nhà máy điện khí trị giá 5 tỷ USD tại Bình Thuận. “Tuy nhiên, điều này chưa đủ để giúp Việt Nam thoát khỏi tầm ngắm của Hoa Kỳ. Việc tăng cường các dự án đầu tư của Hoa Kỳ sẽ có tác động tích cực trong thời gian tới” - bà nói.

Ricky Hồ

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.