Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 15/11/2015, 11:00 AM

Cổ phiếu dệt may chưa thể “cất cánh”

(NTD) - Một loạt các công ty dệt may sẽ đua nhau chào sàn trong thời gian tới để đón nhận những cơ hội từ TPP. Tuy nhiên để ngành dệt may thật sự có thể bứt phá, việc trước mắt là cần phải giải quyết cho được những điểm yếu nội tại của ngành này.

 Dệt may đua nhau lên sàn

cổ phiếu ngành dệt may
Ảnh minh họa.

Thông tin về việc hàng loạt doanh nghiệp trong ngành rục rịch kế hoạch lên sàn được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang chia sẻ tại một hội thảo diễn ra cuối tuần trước. Những cái tên được nhắc tới gồm May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hòa Thọ… Trong đó, Việt Tiến dự kiến hoàn tất thủ tục vào tháng 12 để niêm yết với mã VGG, trong khi May 10 sẽ sử dụng mã M10. Trước những tên tuổi này, 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP. HCM từng có gần 10 doanh nghiệp dệt may niêm yết, với những cổ phiếu khá quen thuộc với giới đầu tư như TCM, TNG, KMR, STK, GIL... Gần đây nhất vào đầu tháng 9, một đại diện khác là Công ty Dệt may G.Home cũng chính thức niêm yết với mã chứng khoán G20.

Việc các doanh nghiệp dệt may nô nức niêm yết thời gian gần đây được lý giải là do nhu cầu thu hút vốn lớn nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định TPP mà Việt Nam vừa hoàn tất đàm phán. Theo đó, khi TPP có hiệu lực, thuế suất đối với các sản phẩm dệt may của doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm về 0% tại một loạt thị trường lớn như Mỹ, Nhật hay Canada. Do hiệp định này yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc nguyên liệu từ sợi trở đi, nên đòi hỏi các nhà sản xuất phải phát triển đầy đủ chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam. Niêm yết được xem là giải pháp nhanh nhất giúp giải quyết bài toán vốn cho việc này. Ngoài ra, việc niêm yết trên sàn chứng khoán còn giúp doanh nghiệp dệt may thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu như các “đai gia” dệt may đang háo hức chờ đón cơ hội mới thì nhóm cổ phiếu của ngành dệt may trên sàn lại phản ứng trái chiều với tâm lý này. Như đã thành lối mòn suy luận, mỗi khi có tin tức mới liên quan đến TPP thì cổ phiếu dệt may lại nhấp nhổm tăng giá. Trong ngắn hạn, nhiều dự báo cho rằng tác động của TPP sẽ giúp thị trường chứng khoán giao dịch sôi động hơn, dòng vốn sẽ tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như dệt may, thủy sản…

Tuy nhiên, đã tròn 1 tháng kể từ khi hiệp định TPP đạt được thỏa thuận, nhưng trái với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, tình hình diễn biến giá cổ phiếu của nhóm ngành may mặc lại có phần không được thuận lợi. Cụ thể, ngay cả đối với TCM (doanh nghiệp duy nhất đáp ứng được tiêu chuẩn "từ sợi trở đi"), giá cổ phiếu này chốt phiên giao dịch ngày 3/11/2015 đứng ở mức 35.000 đồng/CP, tức giảm tới 8,6% so với mức giá 38.300 đồng/CP tại ngày 5/10/2015. Tương tự, cổ phiếu G20 còn giảm tới 19,8% xuống mức 9.300 đồng/CP. GMC giảm 9,6% xuống còn 41.500 đồng/CP.

Lý giải việc này, Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng ngành dệt may đã tăng khá mạnh trong 2 năm gần đây. Do vậy hiệu ứng TPP sẽ có tác động không quá lớn tới cổ phiếu dệt may và ngành này không còn là cơ hội đầu tư quá hấp dẫn, nên hiện tượng cổ phiếu không tăng như kỳ vọng cũng là điều dễ hiểu.

Vẫn còn đó những nỗi lo

cổ phiếu dệt may 1
Tăng năng suất chất lượng ngành may với hệ quản trị vượt trội.

Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhận định cho dù sắp tới một loạt các đại gia ngành dệt may sẽ chào sàn nhưng số lượng nêu trên vẫn còn rất nhỏ bé so với quy mô khoảng 5.000 doanh nghiệp trong ngành.

Chính vì số lượng cổ phiếu dệt may niêm yết còn ít nên khó có được bức tranh tổng thể về triển vọng của cổ phiếu ngành này. Mặc dù có những thuận lợi khi được hưởng lợi thế thuế quan và hạn ngạch trong TPP, câu chuyện cạnh tranh ngay trên sân nhà, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm, chất lượng sản phẩm và thương hiệu riêng, yếu tố môi trường… vẫn là những điểm yếu không dễ thay đổi.

Thực tế cho thấy nhiều năm nay, ngành dệt may vẫn hấp dẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở chi phí rẻ vì đa số doanh nghiệp đều lựa chọn phân khúc thấp nhất trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu là gia công các công đoạn cắt và may. Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tới 70% hoạt động của các doanh nghiệp tập trung vào khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi này. Trong khi đó, các phân khúc khác trong chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng lớn gấp nhiều lần như nghiên cứu phát triển, thiết kế, phân phối, xây dựng thương hiệu, thậm chí cả sản xuất nguyên phụ liệu đều được thực hiện ngoài Việt Nam.

Vấn đề nguyên liệu luôn là “bài toán” khó giải cho ngành dệt may Việt Nam. Nguồn vải thời trang trong nước sản xuất rất hiếm, không thể đáp ứng được nhu cầu. Lâu nay do thiếu nguyên liệu nên các doanh nghiệp phải nhập khẩu hoặc mua trôi nổi trên thị trường mới đủ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Khi vào TPP, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải có tỷ lệ nhất định từ nguyên liệu sợi, nhuộm của Việt Nam hoặc từ các nước tham gia hiệp định. Nếu không đảm bảo thì phải nhập khẩu từ các nước khác, kể cả nước không nằm trong hiệp định, giá thành sẽ rất cao. Như vậy sản phẩm sẽ bị đánh thuế cao chứ không được hưởng thuế suất 0%. Đây là điểm khó nhất mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gặp phải.

Không chỉ gặp khó về nguồn nguyên liệu mà các khâu liên quan đến dệt, nhuộm vải sợi cũng đang khó khăn khi mà khả năng về vốn, quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng đầu tư nhà máy đảm bảo về chất lượng sản phẩm và môi trường đang vượt ngoài sức của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cân đối giữa nhu cầu nội địa và xuất khẩu, bởi không chỉ thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam về 0% mà thuế suất đối với nhập khẩu cũng sẽ về 0%. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa mặt hàng dệt may của các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Hiện tại nước ta vẫn chưa có một thương hiệu dệt may đại diện của quốc gia để đi ra thị trường thế giới.

Nếu lướt qua hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết, cũng dễ dàng nhận thấy doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tuy lớn nhưng lợi nhuận biên nhỏ. Việc gia nhập TPP khiến rào cản thuế quan được dỡ bỏ, nhưng lợi ích phần lớn tập trung vào các công đoạn cao cấp hơn, vốn do đối tác nước ngoài nắm giữ. Chính vì thế “Nếu các doanh nghiệp không có một tầm nhìn chiến lược đầu tư dài hạn, quy mô lớn, thì sẽ rất khó khăn trong việc phát triển và giữ được cái thế đang có trong nước. Đồng thời, cũng sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nguồn lực quản trị cao cấp đối với các doanh nghiệp FDI”, ông Giang khẳng định.

 Hà Linh 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.