Thứ tư, 31/07/2019, 11:32 AM

Chuyện những người nhặt rác dưới biển ở Đà Nẵng

(NTD) - Anh Đào Đặng Công Trung và những người bạn của mình thuộc vùng biển này như lòng bàn tay, nơi có những rạn san hô sống, những luồng cá di chuyển. Yêu biển và đời sống của sinh vật dưới đáy biển, họ không thể nào chịu được hình ảnh san hô, rùa biển và nhiều sinh vật biển khác bị rác bủa vây và gây hại...

Người nhặt rác đáy biển

Mặt biển nhìn trong xanh, nhưng phía dưới bề mặt đó nhiều tầng rác trôi lơ lửng. Rác nặng thì chìm, rác nhẹ theo sóng gió tấp vào bờ. Đào Đặng Công Trung yêu biển đảo Đà Nẵng lo lắng về vùng biển quê hương bao năm qua. Những bãi biển sạch đẹp của Đà Nẵng được cả thế giới biết đến. Thế nhưng tình trạng xả rác nhất là rác thải nhựa ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như đa dạng sinh vật của vùng biển này.

Tình yêu dành cho biển và ám ảnh rác thải trong lòng đại dương đã đưa người đàn ông 40 tuổi này đến với một công việc đặc biệt: Đi nhặt rác ở đáy biển - công việc anh âm thầm làm hơn 10 năm qua.

Anh Trung tâm sự: “Biển của mình sạch đẹp là thế, cá tôm nhiều là thế mà sao nhiều người vô ý thức cứ bỏ rác xuống biển. Thấy nhiều người thiếu ý thức tôi rất chạnh lòng. Nhưng thôi thì cứ làm, cứ vui đi, lan tỏa đi rồi sau đó sẽ có nhiều người hưởng ứng!”.

Mỗi ngày, sau những giờ bận rộn mưu sinh lo cho gia đình, anh Trung lại dành ra hai giờ đồng hồ để làm sạch môi trường. Hết nhặt rác trên rừng, những điểm đến quen thuộc như Bãi Rạng, Bãi Đá, Ghềnh Bàng, Nam Ô, dưới chân đèo Hải Vân, Hòn Chải... anh lại lặn xuống biển nhặt nhạnh những chai lọ, những rác thải chìm dưới đáy biển mang lên bờ. Mỗi lần lặn xuống biển nhặt rác, anh Trung gom được hàng chục ký rác. Còn trên bờ, anh bảo không thể thống kê hết được, bởi ý thức nhiều người quá kém.

Anh Trung nói nếu không bỏ thói quen xả rác thì thế hệ sau phải ăn hải sản nhiễm độc từ những thứ do chính chúng ta vứt xuống biển hôm nay. Anh nói ám ảnh nhất là những cái chai, lọ len lỏi vào những rạn san hô mềm và nằm đó. Cả một vạt san hô mềm bị chết bởi rác đè lên. “San hô mỗi năm chỉ phát triển được 1cm thôi. Nếu cứ vứt rác như thế này, chẳng bao lâu nữa rạn san hô ở những bãi biển Đà Nẵng sẽ không còn” - anh than thở.

 

rac2
Anh Đào Đặng Công Trung trăn trở về những vùng biển sạch rác.

Những hiểm nguy ít người biết

Hơn 10 năm làm công việc không giống ai này, anh Trung cũng đã trải qua nhiều lần gặp nguy hiểm. Nhưng vì niềm yêu thích biển cả, anh vẫn chấp nhận và ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn. Anh Trung tâm sự, so với việc lặn xuống độ sâu từ 3-12m thì làm việc dưới đáy biển khá nguy hiểm và đòi hỏi kỹ năng bơi lặn cũng như khả năng điều áp và sức khỏe tốt.

Với người lặn giỏi, quen việc thì trung bình mỗi hơi thở sẽ lặn được chừng 90 giây. Trong khoảng thời gian đó, người lặn sẽ khoanh vùng vị trí họ tiếp cận và lượng rác cần xử lý. Tùy theo độ sâu mà người lặn có thể lặn một hơi, tầm 5-7m nước chỉ cố để nhặt 2-3 vỏ lon. Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà cứ cố nhặt từng cái và không lường được con nước để trồi lên, thì rất nguy hiểm. Ngoài hơi thở, người lặn còn phải đặc biệt lưu ý di chuyển của chân vịt, bởi nếu vướng lưới khi gần hết hơi thì rủi ro khôn lường.

Khác với trên bờ, rác dưới đáy biển không chịu đứng yên. Chúng cứ trườn theo con nước. Người lặn buộc phải có sức khỏe tốt, kỹ năng thuần thục, hơi lặn dài, chịu được áp lực nước. Ngược lại sẽ bị tổn thương não, có thể gây ngất hoặc ngưng thở.

“Việc quan trọng nhất là phải hiểu rõ khu vực cần lặn để nhặt rác như lòng bàn tay, từ vị trí các vỉa đá nhô ra biển cho đến các rạn san hô sống, những luồng nước, luồng cá... Đặc biệt, dù giỏi bơi lặn đến đâu và có phương tiện hỗ trợ cũng không chủ quan khi lặn, bởi việc ưu tiên hàng đầu vẫn là an toàn cho mình trước khi làm được việc gì đó” - anh Trung nhắc nhở.

“Có lần tôi mải đuổi theo những chiếc vỏ lon, cứ cố tận dụng thời gian để lấy cho được từng cái vì mỗi lần xuống và lên đều khó. Ham rướn mình theo rác, đôi khi tự mình đẩy mình vào những tình huống khó. Có khi lên còn cách mặt nước chưa được một mét thì đã đuối hơi” - anh Trung kể lại một lần lặn nhớ đời của mình. Đây cũng là lời cảnh báo về nguy cơ “ham rác”, “say rác” mà những người mới lặn, mới tham gia dễ vướng phải.

Việc làm của anh Trung không chỉ giúp những bãi biển Đà Nẵng sạch đẹp hơn mà còn giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường đến những du khách đi cùng anh và mọi người xung quanh.

Những chuyến lặn biển nhặt rác của nhóm anh Trung luôn có những túi nhỏ thu gom rác thải. Những chuyến vớt rác dưới đáy biển của anh Trung và những người bạn cứ diễn ra thầm lặng như thế nhưng sức người thì ít, rác thải ngày càng nhiều, công sức của anh và những người bạn cứ như muối bỏ biển. Nhưng anh vẫn làm, các bạn anh vẫn làm, đơn giản chỉ vì đáy biển đang cần những người như anh.

Anh Trung nhấn mạnh muốn giảm lượng rác thải ở biển và đáy biển thì phải tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân và du khách. Chính quyền cần hỗ trợ đặt thêm thùng chứa rác ở các điểm tham quan, bãi tắm, thu gom và xử lý rác nhanh chóng để tránh ùn ứ rác, ảnh hưởng đến mỹ quan du lịch của các bãi biển và đáy biển Đà Nẵng.

rac1
Anh Trung trong những lần lặn biển nhặt rác dưới đáy biển.
rac
 

Tiêu Dao - Thế Sơn

 

Bình luận

Nổi bật

Toàn cảnh cây cầu 'độc lạ' dài hơn 1.200m, có nhịp dẫn 2 tầng cao 36m xoắn 720 độ

Toàn cảnh cây cầu 'độc lạ' dài hơn 1.200m, có nhịp dẫn 2 tầng cao 36m xoắn 720 độ

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 16:01

Có nhiều người cho rằng thiết kế của cầu là rườm rà và phí phạm tiền của nhưng thực tế thì những cây cầu như này lại tiết kiệm và có nhiều lợi ích bất ngờ.

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 15:33

(CL&CS) - Ngành vi mạch bán dẫn là ngành quan trọng hiện nay, trong đó năng lực công nghệ là yếu tố quyết định, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn nhằm kết nối các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp.

Tương lai của ASEAN là chuyển đổi số, một ASEAN số

Tương lai của ASEAN là chuyển đổi số, một ASEAN số

sự kiện🞄Thứ ba, 23/04/2024, 15:33

(CL&CS) - Phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 đang diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, phát triển nhanh chính là phát triển kỹ thuật số, còn phát triển bền vững là phát triển xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là nhân tố quan trọng nhất trong những thập kỷ tới, tương lai của ASEAN chính là tương lai số.