Thứ năm, 23/06/2022, 14:07 PM

Chung tay gìn giữ những “lá phổi xanh”

(CL&CS)- Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng, các hồ nước cùng với hệ thống cây xanh quanh hồ được ví như “lá phổi xanh” điều hòa và thanh lọc không khí cho Thủ đô. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó việc làm này vẫn chưa được thực hiện triệt để, bằng chứng là diện tích, số lượng ao hồ vẫn đang dần bị thu hẹp qua từng năm, nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cũng bị phôi phai theo sự sụt giảm của hệ thống ao, hồ.

Nỗ lực gìn giữ không gian xanh

Theo Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, khu vực nội thành có 125 hồ lớn nhỏ, khu vực ngoại thành có khoảng 1.000 hồ. Hiện, nhiều hồ trên địa bàn Thành phố được xây kè hoàn toàn hoặc một phần, tạo cảnh quan đẹp cho Thành phố nói chung và từng khu vực dân cư nói riêng.

“Sở Xây dựng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành cùng các quận, huyện, thị xã có kế hoạch duy tu, cải tạo và tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn để hồ luôn sạch sẽ, bảo đảm đúng chức năng điều hòa, là “lá phổi xanh” cho Thủ đô”, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Trong quá trình chuyển mình thành một đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng được chú trọng hơn.

Trong quá trình chuyển mình thành một đô thị hiện đại, vai trò của hệ thống ao, hồ Hà Nội càng được chú trọng hơn.

Từ chủ trương, chính sách của Thành phố, nhiều cấp, ngành, địa phương đã có những việc làm thiết thực để bảo vệ ao, hồ, cải tạo môi trường. Điển hình, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, từ nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với ngân sách đã biến đoạn “mương thối” dài khoảng 200m tính từ cầu Ngũ Xã 1 đến cầu Ngũ Xã 2 trở thành điểm đến du lịch, thu hút số lượng lớn người dân tìm đến. Cùng với đó, phường đã lát gạch toàn bộ các ngõ ven hồ, lắp đặt hệ thống đèn lồng, đèn chiếu sáng, cây xanh trang trí, tranh tường nghệ thuật giới thiệu về lịch sử, văn hóa, con người Trúc Bạch.

Tại quận Hoàng Mai, phong trào tổ chức vệ sinh làm sạch quanh hồ đền Lừ vào các buổi cuối tuần đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ duy trì đề từ năm 2012 đến nay. Thông qua đó, Hội đã tổ chức việc giám sát diện tích ao, hồ, nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi, trồng hoa và cây cảnh quanh hồ Đền Lừ. Cùng với đó, Hội đã phát động phong trào xanh - sạch - đẹp - nở hoa, bố trí các thùng rác quanh hồ và giao cho từng hộ quản lý khuôn viên hồ trước cửa nhà mình.

Từ những kết quả này, dần dần những nơi từng một thời ám ảnh đã và đang tiếp tục được Thành phố chỉnh trang, cải tạo. Năm 2010, dự án cải tạo đầm Hồng (còn gọi là hồ Khương Trung 1-2 thuộc 2 phường Khương Đình, Khương Trung, quận Thanh Xuân), hồ Phương Liệt, hồ Tân Mai được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt với kinh phí gần 122 tỷ đồng từ ngân sách. Dù bị chậm tiến độ nhiều năm với lý do công tác giải phóng mặt bằng, được gia hạn hoàn thành sang tháng 9/2016, cuối cùng dự án cũng được hoàn thành, tạo ra môi trường cảnh quan xanh, sạch hơn cho cư dân sinh sống xung quanh.

Kế bên hồ Phương Liệt, hồ Rùa (cũng thuộc địa bàn phường Phương Liệt) được hồi sinh nhờ chủ trương giải cứu hồ trong giai đoạn này. Với mặt đường được mở rộng, vỉa hè lát gạch sạch sẽ và cây xanh bén rễ tốt tươi, giờ đây hồ Rùa đã trở thành nơi để người dân đến tận hưởng không khí trong lành, thư giãn sau giờ làm việc. Một dự án “giải cứu” khác mang tên hồ Định Công, quận Hoàng Mai, cũng kéo dài nhiều năm trời. Được khởi động từ tháng 12/2011, dự án cải tạo ao, hồ Định Công là một trong những hạng mục quan trọng của dự án thoát nước giai đoạn 2 có tổng giá trị lên tới 275 tỷ đồng, thời gian thi công 25 tháng...

Vẫn còn nỗi lo

Có thể thấy, sau khi xây dựng cải tạo lại ao, hồ nhiều địa phương của Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động phát huy giá trị của ao, hồ, phục vụ đời sống của người dân khu vực để giúp lá “phổi” khỏe mạnh hơn. Thế nhưng, công cuộc giữ gìn “ao, hồ” không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn 2010-2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Cụ thể, trong 6 quận nội thành, quận Ba Đình số hồ vẫn giữ nguyên và có thêm 2 hồ; quận Hoàn Kiếm giữ nguyên hiện trạng; quận Đống Đa mất 4 hồ, không có hồ thêm; quận Hai Bà Trưng mất đi 3 hồ, không có hồ thêm; quận Cầu Giấy mất 8 hồ, thêm 3 hồ và quận Tây Hồ mất đi 2 hồ, thêm được 2 hồ. Ngoài việc giảm số lượng, tổng diện tích mặt nước ao, hồ của Hà Nội sau 5 năm giảm đi. Năm 2010 tổng diện tích mặt nước ao, hồ là 7.031.845m2 nhưng đến năm 2015 chỉ còn 6.959.305m2. Như vậy, so với năm 2010, diện tích mặt nước ao, hồ Hà Nội đã giảm đi 72.540m2.

Thống kê trong vài năm qua và kể cả trong giai đoạn sắp tới, sẽ còn nhiều ao, hồ tự nhiên và nhân tạo đứng trước nguy cơ bị san lấp trong quá trình đô thị hóa. Cụ thể, theo quy hoạch đã được phê duyệt, hồ nước đối diện Mega Market số 126 Tam Trinh sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31.687,936 m2. Hồ nước gần Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 cũng sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án xây dựng khu đô thị Tân Hoàng Mai của Tân Hoàng Minh tại quận Hoàng Mai với diện tích khoảng 50.361,210m2.

Ngoài ra một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3.611,697m2. Khu vực hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch thu hồi một phần, san lấp xây dựng dự án nhà ở với diện tích khoảng 9.954,277m2. Hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm được đưa vào kế hoạch sử dụng để làm đường đi giữa tòa chung cư và trường THCS Thanh Trì. Phần hồ nước bị lấp có diện tích khoảng 14.271,339 m2...

Trước thông tin loạt hồ tự nhiên bị “khai tử" hoặc đứng trước nguy cơ san lấp một phần, nhiều người dân bày tỏ sự tiếc nuối, lo lắng. Mới đây nhất, gần 100 hộ dân tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) thậm chí đã treo băng rôn phản đối, xin giữ lại hai hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy khi hai hồ này đứng trước nguy cơ bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền. Dự án san lấp mặc dù đã được quận Long Biên cho tạm dừng nhưng chặng đường giữ lại lá phổi xanh trong khu vực của người dân nơi đây vẫn còn rất xa khi bản đồ quy hoạch khu vực vẫn còn đó.

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm nghiên cứu về Hà Nội, tại nhiều nước trên thế giới, cây xanh, hồ nước được ví như “lá phổi xanh” của đô thị. Ao, hồ, cây xanh giúp điều hoà không khí, giảm khói bụi và tăng cường sức khỏe, ổn định đời sống dân cư. Trong các bản quy hoạch, các đô thị lớn đều tránh những nơi có cây xanh, hồ nước tự nhiên để thực hiện dự án. Thậm chí, họ còn tạo ra nhiều hồ nước nhân tạo để góp phần điều hòa không khí, tạo cảnh quan. “Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều năm qua, không ít các hồ nước là “nạn nhân” của tình trạng “bê tông hóa”.

Các công trình, dự án mọc lên từ những hồ nước tự nhiên bị san lấp. Hệ quả nhãn tiền mà ai cũng có thể thấy đó là môi trường sống, không gian sống của người dân Thủ đô bị ảnh hưởng. Đã có thời gian người dân Hà Nội quen với cảnh “cứ mưa là lụt”. Do đó, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền các cấp mà còn là trách nhiệm của cộng đồng”, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết.

Không thể phủ nhận, những công lao của các cấp chính quyền và người dân Thủ đô trong việc “hồi sinh” những lá phổi xanh của Thủ đô. Tuy nhiên, đáng buồn là diện tích, số lượng ao hồ vẫn đang dần bị thu hẹp qua từng năm, nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cũng bị phôi phai theo sự sụt giảm của hệ thống ao, hồ./.

Theo Lao động Thủ đô

Bình luận

Nổi bật

Báo động hạt vi nhựa

Báo động hạt vi nhựa

sự kiện🞄Thứ hai, 25/03/2024, 15:49

(CL&CS) - Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF- Việt Nam) phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây đã công bố “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022”.

PV GAS DISTR vận hành hệ thống cấp bù LPG Tiền Hải - Thái Bình

PV GAS DISTR vận hành hệ thống cấp bù LPG Tiền Hải - Thái Bình

sự kiện🞄Chủ nhật, 24/03/2024, 17:29

(CL&CS) - Đáp ứng nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên ngày càng cao, PV GAS DISTR tiếp tục đưa vào vận hành hệ thống cấp bù LPG tại hệ thống phân phối khí thấp áp (LGDS) Tiền Hải - Thái Bình.

Nhà khoa học VinFuture: Nếu không hành động nhanh hơn, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 2,7 độ thay vì 1,5 độ!

Nhà khoa học VinFuture: Nếu không hành động nhanh hơn, nhiệt độ trái đất sẽ tăng 2,7 độ thay vì 1,5 độ!

sự kiện🞄Thứ bảy, 23/03/2024, 17:53

(CL&CS) - Biến đổi khí hậu hiện tại cũng giống như khi tàu Titanic gặp phải tảng băng lớn, bạn chỉ thấy được tình hình khẩn cấp khi không còn đủ thời gian điều chỉnh hướng đi an toàn. Giải thưởng VinFuture giống như “ngọn hải đăng” trong bối cảnh này.