Thứ tư, 23/10/2019, 09:11 AM

Chủ tịch Công ty có dầu thải bị "trộm" gây ô nhiễm nước sông Đà: "Bài học cay đắng nhất suốt cuộc đời tôi"

(NTD) - Thời gian qua, vụ xe tải đổ dầu thải gây ô nhiễm đầu nguồn nước sạch sông Đà khiến hàng vạn người dân khu vực Tây Nam Tp. Hà Nội bị ảnh hưởng và rơi vào cảnh “khát” nước sạch. Sự việc liên quan đến nguồn dầu thải của Công ty gốm sứ Thanh Hà bị các đối tượng "trộm" bán đem ra ngoài, Chủ tịch HĐQT của Công ty này cho biết sẽ rút kinh nghiệm và đây là bài học cay đắng nhất, ai sai cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật kể cả tử hình.

Quá buông lỏng quản lý

Gần đây, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ việc đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà khiến cho việc cung cấp nước sạch cho người dân khu vực Tây Nam Tp. Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến đời sống dân sinh và sản xuất kinh doanh cũng bị gián đoạn.

f385835cac6f4a31137e
Dầu thải của Công ty CP gốm sứ Thanh Hà

Qua quá trình đấu tranh với những đối tượng liên quan, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định thông tin ban đầu, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) là nơi cung cấp dầu thải cho các nghi can đổ gây ô nhiễm nguồn nước. Ngày 19/10, đoàn kiểm tra do Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình làm việc với đại diện lãnh đạo Công ty CP gốm sứ Thanh Hà.

Theo biên bản làm việc vào Tháng 9/2019 Lý Đình Vũ (37 tuổi, quê Bắc Ninh) đã liên hệ với bà Nguyễn Huyền Trang (xưng trợ lý giám đốc) để tiếp nhận dầu thải của Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) về tái chế. Bà Trang và Vũ thống nhất số tiền thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít. Đến sáng 7/10, Vũ liên lạc với bà Trang đến lấy dầu, do bà Trang đi vắng nên giao cho Trần Đình Trung (Phòng Vật tư) xuất dầu thải cho Vũ. Sau đó, Vũ cùng Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, quê Lạng Sơn) hút dầu thải lên ô tô biển số Bắc Ninh. Đến 13h cùng ngày, quá trình hút dầu hoàn tất, ô tô đi qua trạm cân của công ty, đo được trọng lượng dầu thải là 8.830 kg (khoảng 10 m3). Cơ quan công an xác định, sau khi xuất dầu, bà Trang chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Vũ vì không liên lạc được.

Đoàn kiểm tra kết luận, Công ty CP gốm sứ Thanh Hà quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, có kho chứa nhưng lại bảo quản dầu thải ở kho vật tư; chuyển giao chất thải nguy hại cho đối tượng không có chức năng xử lý. Tại thời điểm lập biên bản, ông Trần Trung Thành, Phó giám đốc Công ty đã xác nhận những sai phạm trên.

Liên quan đến sự việc, PV báo Người tiêu dùng đã trực tiếp về tại trụ sở Công ty gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) và có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty này. Trao đổi với PV, về việc liệu người đứng đầu công ty có phải đã buông lỏng quản lý để cấp dưới gây ra vụ việc, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà, dứt khoát khẳng định:  "Người đứng đầu công ty là tôi, tôi là Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP gốm sứ Thanh Hà, tôi quá buông lỏng quản lý. Nếu dùng mỗi từ buông lỏng là chưa đủ, phải là quá buông lỏng. Thủ kho công ty nhân lúc lãnh đạo công ty không ở nhà lấy dầu thải đem bán ra ngoài, đó là hành vi trộm cắp, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý".

Nói về việc người tên Trang là chủ mưu đưa dầu thải của công ty đem bán ra ngoài cho các đối tượng và đổ đầu nguồn sông Đà gây ô nhiễm dòng nước, ông Truyền cho biết: "Trang chính là con gái ruột của tôi, còn việc thuê người đổ dầu thải thì tôi không biết, tôi có hỏi con gái tôi thì bảo không biết các đối tượng đó, chưa bao giờ gặp mặt. Công an triệu tập con gái tôi vì liên quan đến đến lời đối tượng khai thì phải kết hợp với công an để làm rõ".

Cũng trong mấy ngày qua, nhiều người quan tâm tới việc Công ty CP gốm sứ Thanh Hà có thông tin lan truyền ủng hộ người dân vùng hứng chịu hậu quả nước sông Đà ô nhiễm số tiền 500 triệu đồng, vị lãnh đạo Công ty này phản biện lại: "Tôi là chủ công ty, không có tiền thì thôi, chứ thông tin hỗ trợ 500 triệu cho người dân ở vùng sử dụng nước sạch sông Đà bị ô nhiễm là hoàn toàn sai sự thật".

Nếu vi phạm thì đề nghị tử hình?

Ngày 16/10/2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật Hình sự. 2 đối tượng bị tạm giữ hình sự trong vụ việc này là Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). 

Ngày 20/10, nghi phạm thứ ba là Lý Đình Vũ (trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) ra đầu thú. Đại và Thám khai, ngày 6/10 hai người được Lý Đình Vũ thuê lái ô tô tải đi từ Bắc Ninh đến Công ty CP gốm sứ Thanh Hà (Phú Thọ) lấy 10 m3 chất thải. Ngày 8/10, Đại, Thám và Vũ đưa chất thải lên đổ trộm ở khe núi xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Số chất thải này đã chảy xuống suối, nguồn nước chính của Nhà máy sản xuất nước sạch sông Đà. 

44aaff7cd04f36116f5e
Ông Nguyễn Đức Truyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP gốm sứ Thanh Hà

Liên quan đến sự việc, lãnh đạo Công ty CP gốm sứ Thanh Hà thông tin: "Người mua dầu lén lút đổ bỏ và việc xuất dầu thải là trái quy định pháp luật, đó là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và phải trừng trị thích đáng. Nhà máy tôi là nhà máy theo châu Âu cấp chứng chỉ, theo 4.0 hiện đại".

Đại diện Công ty này khẳng định trước đó đã ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải nguy hại là Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (địa chỉ ở Hải Dương). Tuy nhiên số dầu thải chưa kịp gom đủ cho đợt xử lý đầu tiên thì đã bị tuồn ra ngoài.

Cũng liên quan đến các đối tượng trong vụ "trộm" dầu thải từ phía Công ty mình gây ô nhiễm nước sông Đà, Ông Truyền nhấn mạnh: "Tôi không biết Vũ là ai, con gái tôi cũng không biết Vũ là ai. Dư luận phản ánh thì kệ dư luận, còn riêng con gái tôi thế nào thì có cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ, nếu sai phạm pháp luật thì nên nghiêm trị, kể cả mức tử hình thì cũng nên tử hình, nói cho nhanh. Xã hội tốt đẹp thế mà bị vi phạm về môi trường, khiến bao nhiêu người dân Hà Nội điêu đứng không có nước sạch dùng. Kể cả tôi, nếu vi phạm chỉ cần một chữ ký tôi xuất dầu đó ra thì đề nghị tử hình. Tôi nghĩ việc công an mời con gái lên cơ quan để làm rõ, đó là việc bình thường, vì công dân thì phải chấp hành thôi".

Theo lãnh đạo công ty, việc xuất dầu thải diễn ra vào cuối tuần khi công ty vắng người. Dữ liệu camera ghi lại việc xuất dầu đã được cung cấp cho cơ quan công an và ông Truyền phân trần: "Sau sự việc này, đây là bài học rút kinh nghiệm cay đắng nhất suốt cuộc đời tôi. Người vô tình ăn cắp dầu thải, ai sai thì chịu, phải xử lý theo pháp luật, tôi cũng đang phối hợp với cơ quan công an để làm rõ".

Nhìn lại toàn cảnh liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải khiến nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, người dân Hà Nội bị ảnh hưởng trong thời gian qua

Ngày 8/10, người dân Phú Minh, Kỳ Sơn, Hoà Bình cho biết quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước Sông Đà xuất hiện một mùi khét, lẫn dầu đã qua sử dụng.

Ngày 9/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà thấy có váng dầu tại suối Bằng, sau đó phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh – Phúc Tiến – Phú Minh có đổ thải dầu, dầu tràn xuống suối Bằng. Công ty đã rải cát toàn bộ bề mặt đường có dính dầu, huy động công nhân và thuê người dân đi vớt dầu.

Chiều ngày 9/10, Công ty báo sự việc với Công an xã Phúc Tiến và Công an huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình. Sự việc khiến hàng loạt hộ dân ở Hà Nội thấy nước có mùi khét, đục ngầu, không dám sử dụng để sinh hoạt.

Ngày 11/10, Hà Nội lập đoàn kiểm tra liên ngành đi lấy mẫu nước xét nghiệm sau phản ánh của người dân về nước có mùi lạ. 

Ngày 12,13/10 Trong khi chờ cơ quan chức năng công bố kết quả, người dân phải mua nước đóng bình hay nước đóng chai của các hãng để về sử dụng.

Ngày 14/10, tại họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết Nhà máy nước sạch sông Đà bị ô nhiễm là do đổ trộm dầu.

Cũng trong ngày 14/10, Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo về hiện tượng dầu loang. Đồng thời ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty cho rằng Công ty không bưng bít thông tin, khẳng định “mùi lạ” chỉ là mùi clo và nước không có vấn đề gì.

Chiều 15/10, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành uỷ, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm nguồn nước, theo đó các mẫu nước xét nghiệm đều có lượng styren cao 1,3 đến 3,65 lần quy chuẩn. Khuyến cáo người dân chỉ dùng nước để tắm giặt, không dùng để ăn uống.

Chiều tối 15/10, Công ty Nước sạch Hà Nội ra thông báo khẩn về việc hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư bị ảnh hưởng từ nguồn nước mặt sông Đà. Đến tối 15.10, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngày 16/10, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà đã ra thông báo về việc tạm dừng cấp nước sạch để thau rửa bể chứa, súc rửa toàn bộ đường ống. 

Ngày 16/10, Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường. Sau đó, cơ quan điều tra đã xác định được các nghi phạm liên quan.

Ngày 17/10, tại cuộc họp báo của UBND tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Đăng Khoa - Phó Giám đốc công ty Cổ phần nước sạch sông Đà không có lời xin lỗi đến người dân và cho rằng “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất".

Ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám để điều tra.

Ngày 20/10, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết Lý Đình Vũ, kẻ được cho là thuê Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám, nghi phạm đổ chất thải khiến nguồn nước sạch Sông Đà bị ảnh hưởng đã ra đầu thú. Đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để chuyển giao cho Công an tỉnh Hòa Bình xử lý theo thẩm quyền.

Ngày 20/10, Sở Y tế Hà Nội công bố về kết quả xét nghiệm chất lượng nước sông Đà cho thấy, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả ở ngưỡng an toàn. 

Ngày 22/10, UBND TP Hà Nội tổ chức buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức và thông tin đến nay nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống.

Hồng Liên - Đăc Ninh

Bình luận

Nổi bật

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước

Khoa học công nghệ là chìa khóa bảo vệ môi trường nước

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:53

(CL&CS) - Biến đổi khí hậu và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, đặc biệt là chất lượng nước ngày càng suy giảm. Bởi vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật mới về nước có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Hà Tĩnh: Thêm 2 mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

Hà Tĩnh: Thêm 2 mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 09:53

(CL&CS) - Sở TN&MT Hà Tĩnh vừa phối hợp với Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) và các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương bàn giao mốc ranh giới khu vực mỏ đất san lấp tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên và mỏ đất san lấp tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc để phục vụ thi công các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh.

Đà Nẵng: Không để thiếu nước sạch trong dịp hè 2024

Đà Nẵng: Không để thiếu nước sạch trong dịp hè 2024

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 08:24

(CL&CS) - Trước tình hình nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Đà Nẵng yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu nước sạch trong thời gian đến, nhất là dịp cao điểm 30/4 - 1/5 và mùa hè năm 2024.