Xuất khẩu gạo tăng tốc

(CL&CS) - So với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu thì ngành gạo vẫn đạt được kết quả khả quan vì nhiều quốc gia tăng mua gạo Việt phục vụ thị trường nội địa nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh.

Giá gạo cao kỷ lục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm của 2020, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 5,35 triệu tấn, thu về gần 2,64 tỷ USD, giảm 2,8% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 493,3 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ.

11 tháng của năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt trên 5,7 triệu tấn, thu về gần 2,84 tỷ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu gạo sang Philippines vẫn đứng đầu về kim ngạch, 10 tháng đầu năm, đạt trên 1,86 triệu tấn, tương đương 868,66 triệu USD, giá trung bình 466,8 USD/tấn, giảm 4,3% về lượng, nhưng tăng 8,5% về kim ngạch và tăng 13,4% về giá so với 10 tháng đầu năm 2019.

Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh khoảng trên 12%, bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của gạo đã được cải thiện, chất lượng gạo Việt Nam đang tăng cao và được thế giới công nhận.

Việt Nam ngày càng có thêm nhiều loại gạo đặc sản, chất lượng cao để thỏa mãn nhu cầu tại nhiều thị trường khó tính. Đáng chú ý, ở thị trường EU, nhờ cú huých của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều lô hàng gạo thơm xuất khẩu của các doanh nghiệp như Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Tập đoàn Lộc Trời… đã có giá từ 600 - 1.000 USD/tấn.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nắm bắt được cơ hội với việc có được nhiều đơn hàng gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu được cải thiện…

Nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn tăng cao

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có chiều hướng giảm do ảnh hưởng của Covid-19, ngành gạo vẫn đạt được kết quả khả quan vì nhiều quốc gia tăng mua gạo Việt phục vụ thị trường nội địa nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thị trường gạo châu Á bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Bangladesh, Philippines... Trong đó, Trung Quốc đang tích cực chào mua gạo từ các thị trường cung cấp lớn như Pakistan, Thái Lan, Việt Nam.

Bộ Công thương đánh giá, với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ khi Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp trong nước đang có cơ hội tô đậm thương hiệu gạo Việt Nam trên bản đồ cung cấp lúa gạo của thế giới. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nắm bắt được cơ hội với việc có được nhiều đơn hàng gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu được cải thiện…

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, ngành lúa gạo đang tiến tới giảm lượng xuất khẩu, nhưng tăng về giá trị. Thực tế diễn biến giá xuất khẩu thời gian qua cho thấy, ngoài việc nhu cầu về gạo trên thế giới gia tăng liên quan đến lo ngại Covid-19, thì nhân tố chính quyết định giá xuất khẩu tăng cao nằm ở chính chất lượng của gạo Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN