Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão số 3

(CL&CS)- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.

Trước tình hình cơn bão số 3 (bão Yagi) gây nhiều thiệt hại và có thể gây ảnh hưởng đến tình hình thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu, Tổng cục QLTT, Cục QLTT địa phương bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão Yagi gây ra.

Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão số 3

Phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính. Bám sát diễn biến của thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão Yagi; phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa.

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Cục QLTT và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Tại Quảng Ninh, tình hình nhu cầu mua sắm dự trữ hàng hóa thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng so với ngày trước đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm (mì tôm; rau, củ, quả; thịt lợn, bò; thủy sản tôm, cá; dầu ăn, bột canh...). Giá cả một số mặt hàng rau, củ, quả có xu hướng tăng từ 5%-10% so với ngày trước đó, tập trung tại các chợ, cửa hàng nhỏ. Giá cả tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định chưa có xu hướng tăng hay giảm so với ngày trước đó.

Tại Hải Phòng - thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi bão, chị Thu Thanh, trú phường Kênh Dương, quận Lê Chân, cho biết các chợ dân sinh ở quanh khu vực này cũng mở cửa từ sáng. Theo chị, lượng người bán hàng cũng như số lượng các sản phẩm hôm nay ít hơn ngày thường.

Giá nhiều loại rau xanh tại chợ Hải Phòng hiện được bán đồng giá 15.000 đồng một bó. Chỉ có rau dền rẻ hơn, với khoảng 12.000-13.000 đồng một mớ. Các loại củ quả khác tăng nhẹ như su su, bắp cải từ 20.000 đồng một kg, súp lơ 50.000 đồng...

Tại Nam Định, chịu ảnh hưởng của bão, gió to, mưa lớn, cây cối đổ nhiều và người dân đã chủ động mua hàng dự trữ từ trước đó. Hàng hoá được cung ứng đủ và không có hiện tượng tăng giá.

TIN LIÊN QUAN