Mới đây, tại Nam Định, Bộ KH&CN đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban KHCN vùng ĐBSH lần thứ XIII năm 2023; triển khai Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Từ thực tiễn tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống.
Để đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh khá, là cực phát triển quan trọng của vùng Nam ĐBSH và cả nước, thời gian tới, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ KH&CN, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cũng như sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng ĐBSH để triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, từng bước đưa Nam Định thuộc nhóm khá trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học.
Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định
Ông cho biết, thời gian qua, đã có nhiều dự án đầu tư được thẩm định công nghệ, trong đó có các dự án có sử dụng công nghệ phức tạp như: Dự án Nhà máy gang thép xanh Xuân Thiện Nam Định; Dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng… Tỉnh đã nỗ lực quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hỗ trợ doanh nghiệp... Cụ thể, tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng 45 quy trình công nghệ, xây dựng 15 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất liên kết chuỗi trong lĩnh vực nuôi thủy hải sản, giống cây trồng, chăn nuôi, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến... Đồng thời triển khai thực hiện một số hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ như hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển 05 nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận; hỗ trợ đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của các huyện trong tỉnh đạt từ 2 sao trở lên...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá, trong giai đoạn 2019-2023, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của các địa phương trong vùng đã có những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương nói riêng và của cả vùng nói chung.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị
Nhiều dự án, đề án KHCN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KHCN đã được triển khai. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án sản xuất công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, KHCN và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH nói chung và hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo ở các tỉnh, thành phố trong vùng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế. Nhiều việc phải làm và cần làm quyết liệt, thực chất hơn nữa để thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương và cả vùng.
Hiện nay, sự quan tâm đầu tư cho KHCN của một số địa phương còn hạn chế. Tỉ lệ chi cho KHCN chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của vùng. Chưa có nhiều sản phẩm KHCN mang tính đột phá được thương mại hóa. Chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KHCN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng, việc liên kết hoạt động KHCN giữa các địa phương trong vùng cũng như ngoại vùng chưa thực sự chặt chẽ…
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ KH&CN đã đối thoại với các địa phương để trao đổi về các vấn đề tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho doanh nghiệp, ISO, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đề án nâng cao năng suất chất lượng, đào tạo nghiệp vụ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KHCN, quỹ phát triển KHCN địa phương, doanh nghiệp; hoạt động thông tin và thống kê KHCN, cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo ở địa phương, bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương…