VPBank thông báo 15/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền, 16/5 là ngày đăng ký cuối cùng. Với 7.933.923.601 cổ phiếu đang lưu hành, ngân hàng cần chi 3.967 tỷ đồng để trả cổ tức 2024.
Được biết, tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản tăng 13% so với đầu năm, đạt 923.848 tỷ đồng; huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tăng 12,7%, đạt 552.642 tỷ đồng.
Dư nợ cấp tín dụng tăng 18,2%, đạt 709.986 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 31 ở mức 2,47%, giảm 0,48 điểm phần trăm.
Lợi nhuận trước thuế tăng 85,2% so với năm 2023, đạt 20.013 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng mẹ VPBank đạt 18.260 tỷ đồng, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) đạt 512 tỷ đồng, CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) đạt 1.220 tỷ đồng, CTCP Bảo hiểm OPES đạt 474 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế đạt 15.779 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.989 đồng.
Với kết quả này, sau khi trích lập các quỹ theo quy định, VPBank còn lại 12.875 tỷ đồng và chi 3.967 tỷ đồng trả cổ tức thì lợi nhuận còn lại của ngân hàng là 8.908 tỷ đồng.
Năm 2025, VPBank kỳ vọng một năm kinh doanh khởi sắc khi hàng loạt chỉ tiêu tăng trưởng mạnh. Tổng tài sản hợp nhất tăng 23%, đạt 1.132.800 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 34%, đạt 742.311 tỷ đồng.
Dư nợ cấp tín dụng tăng 25%, đạt 887.724 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 31 ở mức dưới 3%.
Năm nay, VPBank đặt mục tiêu 25.270 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26% so với năm trước. Trong đó, ngân hàng riêng lẻ đạt 22.219 tỷ đồng, FE Credit đạt 1.126 tỷ đồng, VPBankS đạt 2.003 tỷ đồng, OPES đạt 636 tỷ đồng.
Đóng cửa ngày 16/5, cổ phiếu VPB của VPBank đóng cửa ở mức 18.050 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa đạt 143.207 tỷ đồng, đứng 12 trên thị trường chứng khoán và thứ 5 trong ngành ngân hàng.