Phòng nghiên cứu ung thư xương Vinmec tại OMU được thiết kế riêng biệt với đầy đủ những trang thiết bị hiện đại, các công nghệ bảo quản và phân tích hàng đầu phục vụ nghiên cứu như máy lạnh sâu PHCBI; công nghệ xử lí mẫu mức độ gen, phân tử next-Generation Sequencing (Công nghệ giải trình tự song song hàng loạt) - công nghệ giải trình gen, DNA hiện đại nhất hiện nay…
Với nguồn dữ liệu lớn từ Ngân hàng mô Vinmec và công nghệ chuyên sâu từ OMU - các công trình tại Phòng Nghiên cứu sẽ mang tính cá thể hóa cao, đặc biệt phù hợp với các đặc điểm riêng của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung. Đây cũng là cơ sở phân tích giá trị, giúp theo dõi điều trị cho bệnh nhân ở thời điểm hiện tại cũng như đánh giá các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới trong vòng 5-10 năm tới.
Đặc biệt, Phòng nghiên cứu sẽ có tính ứng dụng cao nhờ các hoạt động phối hợp liên tục giữa các bác sĩ Việt Nam và Nhật Bản để điều trị cho bệnh nhân đang trong quá trình điều trị tại Vinmec. Sau mỗi liệu trình, sinh phẩm xét nghiệm sẽ được gửi sang Nhật để phân tích, từ đó bác sĩ tinh chỉnh lại phác đồ như tăng/giảm liều hoá trị, thuốc uống... phù hợp với tiến triển của từng người nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Phòng nghiên cứu chuyên sâu về ung thư xương Vinmec do PGS.TS Lê Thị Thanh Thủy từ Trường Y khoa (OMU) và Giáo sư Trần Trung Dũng – Giám đốc Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec, kiêm GS thỉnh giảng tại OMU phát triển và làm đồng giám đốc, điều hành hoạt động và chủ trì các dự án liên quan.
Tham gia hướng dẫn là các chuyên gia hàng đầu về ung thư của Nhật Bản đang giảng dạy tại trường như: GS Norifumi Kawada - Hiệu trưởng Trường Đại học và Sau đại học Y khoa, kiêm Chủ nhiệm Khoa Gan mật (OMU); GS Hisashi Motomura – Hiệu phó Trường Đại học và Sau đại học Y khoa, Chủ nhiệm ủy ban hợp tác quốc tế, kiêm Trưởng Đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ (OMU); GS Daisuke Tsuruta - Trưởng Khoa thẩm mỹ da liễu, Trường Đại học và Sau đại học Y khoa (OMU)….
Nghiên cứu sinh là các bác sỹ đến từ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao (CTCH & YHTT) Vinmec.
GS Trần Trung Dũng, Đồng giám đốc Phòng nghiên cứu tại Nhật Bản phát biểu: “Nghiên cứu cơ bản giúp cho bàn tay, ánh mắt của người bác sĩ lâm sàng có thể chạm sâu tới ở mức độ tế bào và dưới tế bào của quá trình điều trị. Chỉ với các nghiên cứu cơ bản chuyên sâu hơn ở cấp độ này, kết quả điều trị ung thư xương mới có thể được theo dõi tiến triển liên tục. Đó cũng là một phần của xu hướng cá thể hoá và y học chính xác mà Vinmec đang hướng tới”.
Chúc mừng dự án hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa hai bên, GS Norifumi Kawada cũng khẳng định: “Đây sẽ là cầu nối hiệu quả cho các hoạt động điều trị lâm sàng và nghiên cứu khoa học cơ bản, góp phần vào việc điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi hy vọng rằng dự án mới sẽ tạo nên bức tranh tổng thể các vấn đề về ung thư xương ở Việt Nam và hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc cho người bệnh tốt hơn”.
Việc thành lập Phòng nghiên cứu Ung thư Xương nằm trong kế hoạch hợp tác nghiên cứu giữa Hệ thống y tế Vinmec (Việt Nam) và Đại học Thành phố Osaka (Nhật Bản) vừa được ký kết.
Quá trình học tập, nghiên cứu tại Đại học Thành phố Osaka sẽ mở ra cơ hội để đội ngũ bác sĩ chấn thương chỉnh hình Vinmec nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học độc lập – một trong những yếu tố cốt lõi đối với nhân sự của một Trung tâm xuất sắc (COE) theo định hướng phát triển của Hệ thống Y tế Vinmec theo hướng hàn lâm hiện nay.
|