Theo đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) kiến nghị Chính phủ cho phép xem xét Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoản TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn ngắn có thể bị âm vốn chủ sở hữu. Vietnam Airlines cũng kiến nghị Chính phủ cho chủ trương xây dựng gói giải pháp hỗ trợ tiếp theo cho doanh nghiệp này cùng với đề án tái cơ cấu tổng thể hãng.
Ngoài ra, Vietnam Airlines còn kiến nghị Chính phủ cho phép hãng sớm mở lại đường bay quốc tế đi/đến các quốc gia được coi là an toàn với Covid-19.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2021, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế -8.585 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Tại thời điểm 30/6, lợi nhuận sau thuế lũy kế -17.772 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -2.750 tỷ đồng.
Mới đây, Vietnam Airlines đã hoàn tất phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ 56,4%. Theo đó, hãng thu về 7.961 tỷ đồng giúp vốn chủ sở hữu đạt 5.211 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại dịch tiếp tục nhấn chìm kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines trong quý 3/2021. Kết quả kinh doanh quý 4/2021 chưa chắc đã mang lại lợi nhuận dương dù kinh tế được mở cửa trở lại vì hãng đã ghi nhận lỗ trong 6 quý liên tiếp từ quý 1/2020 đến quý 2/2021.