VietinBank tổ chức đại hội bất thường bầu bổ sung thành viên HĐQT

(CL&CS) - Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 để bầu bổ sung thành viên HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029.

Bà Trần Thu Huyền, Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước (thứ 4 từ trái sang) chúc mừng 9 thành viên mới của HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029 tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức vào 27/4 vừa qua.

Ngày giao dịch không hưởng quyền tham dự đại hội là 15/9, ngày đăng ký cuối cùng là 16/9. VietinBank dự kiến tổ chức đại hội bất thường vào 17/10 tại Hội trường trung tâm - Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank (thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Nội dung đại hội dự kiến: Bầu bổ sung thành viên HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029; các nội dung khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ VietinBank (nếu có).

Được biết, HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029 vừa được bầu vào 27/4/2024 với 9 người, gồm: Chủ tịch Trần Minh Bình và 8 thành viên: ông Trần Văn Tần, ông Lê Thanh Tùng, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Nguyễn Đức Thành, ông Koji Iriguchi, ông Takeo Shimotsu và ông Cát Quang Dương (thành viên độc lập).

HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029 có 7 người cũ của nhiệm kỳ 2019-2024. Các sự thay đổi là: ông Takeo Shimotsu thay ông Masashige Nakazono; ông Cát Quang Dương thay bà Nguyễn Thị Bắc. Còn bà Trần Thu Huyền được điều động giữ chức Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước từ 23/4/2024.

Được biết, Quy chế bầu thành viên HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029 với số lượng thành viên HĐQT phải có 11 người và trước mắt tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 chỉ bầu 9 người.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 7 Nhiệm kỳ, số lượng, tiêu chuẩn, đề cử thành viên HĐQT của Quy chế HĐQT VietinBank quy định: HĐQT phải có tối thiểu 2 thành viên độc lập, 2/3 (hai phần ba) tổng số thành viên phải là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành VietinBank.

Như vậy, đại hội bất thường của VietinBank sắp tới sẽ bầu tối đa 2 thành viên HĐQT với 1 thành viên độc lập.

HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029 có 6 định hướng lớn. Thứ nhất, gia tăng doanh thu bền vững thông qua thúc đẩy vị thế cạnh tranh ở các mảng kinh doanh lõi, đa dạng hóa danh mục, tăng cường khai thác hiệu quả hệ sinh thái và gắn hoạt động kinh doanh với phát triển bền vững.

Duy trì tốc độ tăng trưởng quy mộ hợp lý gắn với quản lý chất lượng tín dụng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu danh mục sang bán lẻ và khách hàng SME tốt nhằm cải thiện NIM.

Trên cơ sở hướng dẫn và mục tiêu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo hiệu quả, định hướng tăng tài trợ cho các lĩnh vực xanh, lĩnh vực phát triển bền vững, định hướng danh mục khách hàng chuyển đổi theo hướng giảm phát thải ròng, tăng cường các giải pháp huy động nguồn vốn xanh từ thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hướng tới ngân hàng xanh, dẫn dắt phát triển bền vững.

Gia tăng thâm canh sản phẩm dịch vụ làm cơ sở tăng thu ngoài lãi, nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới tạo ra động lực tăng trưởng mới song song với lĩnh vực truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro.

Thứ hai, Quản trị hiệu quả chi phí thông qua chuẩn hóa các công cụ đo lường, phân tích đánh giá hiệu quả kinh doanh dựa trên lợi nhuận có phân bổ đầy đủ chi phí và sau điều chỉnh rủi ro. Ứng dụng số hóa để quản trị hiệu quả chi phí hoạt động.

Thứ ba, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp: VietinBank chú trọng cải thiện chất lượng nhân sự, tăng cường đào tạo các năng lực mới nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, lan tỏa tư duy theo phương pháp agile trên toàn tổ chức.

Thứ tư, Số hóa toàn diện hoạt động, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng dịch vụ liên tục: Triển khai hiệu quả các sáng kiến chuyển đổi số, tăng tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường, phát triển nguồn doanh thu mới, thúc đẩy ứng dụng số hóa vào hoạt động vận hành tinh gọn, nâng cao năng suất, tăng hiệu quả điểm bán.

VietinBank đầu tư công nghệ phù hợp với chiến lược kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh mới dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Cải thiện chất lượng dịch vụ thông qua ứng dụng tinh gọn quy trình, chuẩn hóa thước đo chất lượng dịch vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ tăng trải nghiệm khách hàng và mức độ gắn kết.

Thứ năm, Quản trị rủi ro và chi phí dự phòng: Tăng cường công tác và hoàn thiện mô hình nhận diện và xử lý sớm nợ tiềm ẩn rủi ro, thúc đẩy vai trò 3 vòng kiểm soát, nâng cao vai trò và cải thiện quy trình phân luồng xử lý nợ tại trung tâm xử lý nợ.

Thiết lập, giám sát khẩu vị rủi ro, hạn mức rủi ro nhất quán, trọng điểm. Định hướng danh mục tín dụng mục tiêu, hoàn thiện triển khai mô hình đánh giá rủi ro tín dụng, đo lường RORA.

Thúc đẩy văn hóa tuân thủ và nhận thức quản trị rủi ro theo thông lệ thị trường tiên tiến để xây dựng lộ trình áp dụng phù hợp.

Thứ sáu, một số chỉ tiêu tài chính cho giai đoạn 2024-2029: Tổng tài sản, dư nợ tín dụng và nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đều tăng 9-10%/năm; Tỷ lệ ROE ở mức 16-18%; Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; Tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.

TIN LIÊN QUAN