Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á

(CL&CS) - Lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử hiện tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách hàng truy cập với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Ngày 10/11, tại hội thảo "Giao dịch thương mại trên sàn thương mại điện tử và các vấn đề pháp lý quan trọng" do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho biết, hàng loạt sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn.

Lượng truy cập sàn thương mại điện tử tăng hơn 150%

Lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử hiện tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng khách hàng truy cập các sàn cũng tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.

Còn theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2020, doanh thu thương mại điện tử B2C (hình thức kinh doanh của doanh nghiệp, công ty tới khách hàng) tại Việt Nam năm 2019 là 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. 42% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á, hoạt động giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã và đang diễn ra rất sôi động, cũng như phát triển nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, nhờ sự hỗ trợ từ thương mại điện tử, doanh nghiệp được thuận lợi hóa, linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng và trên hết là các doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với công nghệ số 4.0. Thay vì kinh doanh theo phương pháp truyền thống, doanh nghiệp đã dần chuyển hướng, chú trọng xây dựng website, vận hành hệ thống kinh doanh qua các công cụ trực tuyến như email, mạng xã hội... nhằm tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả cao hơn. Đây là tín hiệu rất tốt, nhất là khi doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19.

Sự thay đổi thói quen của doanh nghiệp đã phản ánh một thực trạng khả quan về hoạt động thương mại điện tử. Điều này tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của thương mại điện tử, công nghệ trực tuyến trong tương lai.

Tuy vậy, muốn giao dịch qua công cụ thương mại điện tử được thực hiện an toàn, đảm bảo quyền lợi của người cung cấp, người tiêu dùng, sàn giao dịch... thì những quy định pháp luật cần được xây dựng và được hướng dẫn để áp dụng phù hợp với thực tế của thị trường.

TIN LIÊN QUAN