Việt Nam chưa có thị trường carbon trong nước để hỗ trợ doanh nghiệp

(CL&CS) - Mới đây, trong buổi Tọa đàm “Thị trường hồi phục và cơ hội mới với các doanh nghiệp Việt Nam”, các diễn giả đã đưa ra những tham luận về thị trường carbon.

Theo nội dung buổi tọa đàm, Việt Nam hiện chưa có một thị trường carbon trong nước để vận hành hỗ trợ doanh nghiệp, dẫn đến một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các thị trường lớn và có yêu cầu cao.

Các thị trường lớn trên thế giới đã và sẽ tiếp tục bổ sung các quy định về carbon đối với các hàng hóa  nhập khẩu vào thị trường họ, do đó sự không đồng nhất giữa các quy định, thị trường carbon của Việt Nam và thế giới sẽ khiến các doanh nghiệp tại Việt Nam giảm đi tính cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và cung ứng dịch vụ cho các khách hàng lớn trên thế giới.

Ban tổ chức tặng chứng nhận cho các chuyên gia, diễn giả tham dự chương trình.

Đối với chính phủ, định giá carbon là một trong những công cụ chính sách khí hậu, đem lại nguồn thu quan trọng từ thuế carbon hay đấu giá các hạn ngạch phát thải. Từ nguồn thu này, chính phủ có thể đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ xanh, hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu hoặc hỗ trợ quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, đối với doanh nghiệp, nên nhận thức sớm các rủi ro về khí hậu và xác định chiến lược chuyển dịch hợp lý, từ đó tăng lợi thế cạnh trạnh và tạo cơ hội thu về nguồn doanh thu bổ sung.

Đối với nhà đầu tư, định giá carbon giúp phân tích tác động của chính sách biến đổi khí hậu đối với các danh mục đầu tư cũng như phân bổ lại vốn cho các hoạt động phát thải thấp hoặc thích ứng với khí hậu. Thông qua định giá carbon, các nhà đầu tư có thể xác định chi phí cũng như lợi ích của các khoản đầu tư để đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN