Viễn cảnh xuất khẩu gạo sáng sủa của Việt Nam trong tương lai

(CL&CS) - Các doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt cơ hội với việc có được nhiều đơn hàng gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu được cải thiện nhờ việc chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao. Tương lai Việt Nam rất có tiềm năng trong xuất khẩu gạo.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo đã tăng 23,8% trong tháng 11. Giá xuất khẩu cũng đang tương đối khả quan khi đã đạt bình quân 534 USD/tấn trong tháng 11, tăng 1% so với tháng 10/2020 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 11 tháng năm 2020, gạo cũng là mặt hàng có giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản với 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 496 USD/tấn. Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo trắng 5% tấm của Việt Nam tính đến ngày 25/11/2020 dao động ở mức 495 – 500 USD/tấn, cao hơn so với các nhà cung cấp khác trong khu vực như Thái Lan (475 – 485 USD/tấn) hay Ấn Độ (366 – 370 USD/tấn). Tính chung thời kỳ này, giá xuất khẩu gạo tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công thương, nguyên nhân khiến giá gạo tăng bởi nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu phục vụ thị trường nội địa tăng do dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của một số nước xuất khẩu gạo khác như Thái Lan giảm hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến gạo Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn thay thế.

Mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm (Ảnh: VT)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng tiếp tục là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường EU tiềm năng và dự báo giá bán gạo sẽ còn tăng, ổn định trong năm tới. 

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nắm bắt được cơ hội với việc có được nhiều đơn hàng gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu được cải thiện. Trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản...

Điều này được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng trưởng về giá trị cho xuất khẩu gạo, bởi lẽ nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp, giá thấp và xuất sang các thị trường truyền thống, không đòi hỏi cao về chất lượng.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lớn cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng gạo thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp bảo quản, chế biến. Điển hình như Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xây dựng cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Đồng thời, đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể dự trữ khoảng 30 nghìn tấn, bảo đảm nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.

Tập đoàn Lộc Trời cũng đang triển khai lộ trình ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024 nhằm mang lại hiệu quả cao trong canh tác và góp phần bảo đảm sức khỏe cho nông dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu gạo trong năm 2020 sẽ cán mốc trên 6 triệu tấn.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để nắm bắt thời cơ này, cần sự liên kết chặt chẽ và bền vững hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau. Ðồng thời, liên quan đến vấn đề xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 còn chưa chấm dứt, rất cần các cơ chế, chính sách linh hoạt từ các cơ quan chức năng để hoạt động này không bị gián đoạn, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo của cả năm 2020.

Ðề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.

    

TIN LIÊN QUAN